Trung Quốc đã khẳng định sẽ không hạn chế xuất khẩu vật tư y tế trong bối cảnh nhu cầu các mặt hàng này ngày một tăng nhanh trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các vật tư y tế như khẩu trang và đồ bảo hộ.
"Chúng tôi sẽ không quên khi bắt đầu cuộc chiến chống lại dịch bệnh, nhiều quốc gia đã ra tay giúp đỡ", bà Jiang Fan thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày Chủ nhật.
"Do vậy, khi tình hình ở Trung Quốc trở nên tốt hơn, trong khi dịch bệnh ở các nước đang gia tăng, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các vật tư cơ bản phòng chống dịch bệnh", bà Jiang tuyên bố.
"Trung Quốc hiện không hạn chế xuất khẩu nguồn cung y tế", bà nhấn mạnh.
Trong thời gian từ ngày 1/3 đến 4/4, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng 10,2 tỉ nhân dân tệ (NDT), tương đương 1,4 tỉ USD vật tư y tế - Jin Hai, Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề chung tại Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết.
Trong đó, khoảng 3,9 tỉ khẩu trang, 37,5 triệu chiếc quần hoặc áo bảo hộ, và 2,4 triệu nhiệt kế đã được xuất khẩu.
"Trung Quốc cũng cho xuất khẩu 16.000 máy thở, 2,8 triệu bộ kit xét nghiệm virus Covid-19 mới và 8.4 triệu cặp kính bảo hộ", ông Jin cho biết thêm.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu phàn nàn về chất lượng các lô hàng vật tư y tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Tây Ban Nha đã rút đơn đặt hàng 58.000 bộ kit xét nghiệm với một công ty Trung Quốc, sau khi phát hiện ra sản phẩm của công ty này có tỉ lệ chính xác chỉ 30%.
"Một số các nền tảng truyền thông đã đổ lỗi cho chất lượng sản phẩm của Trung Quốc, nhưng thực chất có nhiều lí do khác", bà Jiang nhận định.
"Ví dụ, các tiêu chuẩn cho các sản phẩm y tế tại Trung Quốc và nước ngoài là khác nhau, sự khác biệt về cách sử dụng sản phẩm và việc sử dụng không đúng cách cũng có thể dấy lên nghi ngờ về chất lượng", bà nói thêm.
Bà cũng cho biết một lô khẩu trang phi y tế của Trung Quốc xuất khẩu sang Hà Lan, đã được phê duyệt và phân phối cho các bệnh viện tại đó.
Trung Quốc là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới các mặt hàng khẩu trang phẫu thuật, đồ bảo hộ và máy thở, tất cả đều là các thiết bị thiết yếu để chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Khi số ca nhiễm virus Covid-19 tăng lên chóng mặt bên ngoài Trung Quốc, ngày càng nhiều chính phủ đã đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm y tế.
Theo Global Trade Alert - một cơ quan giám sát thương mại có trụ sở tại Thụy Sĩ, hàng chục lệnh hạn chế giao thương đã được công bố trong những tuần gần đây. Riêng ngày 21/3, 54 nước đã tuyên bố hạn chế xuất khẩu.
Trong đó, Bulgaria, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh đã thực hiện "hạn chế xuất khẩu nhiều lần" với các mặt hàng y tế.
Ngược lại, Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Đức đã nới lỏng các hạn chế xuất khẩu với những mặt hàng này ở một mức độ nhất định.
Đầu tuần này, các nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm virus Covid-19 và các vật tư y tế có liên quan của Trung Quốc, đã thông báo rằng họ được phép xuất khẩu sản phẩm của mình, trừ khi có giấy phép bán hàng trong nước.
Qui tắc mới này được áp dụng cho tất cả các công ty xuất khẩu bộ kit xét nghiệm, khẩu trang, quần áo bảo hộ, máy thở và nhiệt kế, theo tuyên bố chung được ban hành vào ngày 1/4 bởi Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan và Cục Quản lí Sản phẩm Y tế Trung Quốc.
Bà Jiang cho biết Trung Quốc sẽ không dung thứ cho các sản phẩm nhái, giả và sẽ tăng cường giám sát, đồng thời trừng phạt những người vi phạm các qui định đã được đưa ra.
"Trong khi Trung Quốc chủ động kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm xuất khẩu, chúng tôi cũng hi vọng rằng các quốc gia và khu vực có nhu cầu sẽ tiến hành các qui trình kiểm tra hàng nhập khẩu", bà nói.
"Đối với các vấn đề phát sinh trong các lô hàng xuất khẩu, chúng tôi khuyến cáo các công ty của cả hai bên nên đàm phán thỏa thuận một cách đầy đủ, cũng như giải quyết theo các điều khoản trong hợp đồng khi có vấn đề xảy ra", bà nói thêm.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020