Chi hơn 1.500 tỉ đồng cho cuộc tổng điều tra dân số

Cuộc tổng điều tra về dân số và nhà ở quy mô toàn quốc chính thức bắt đầu từ 1/4 với sự tham gia của hơn 120.000 điều tra viên và có tổng kinh phí hơn 1.500 tỉ đồng.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tổng điều tra dân số lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, ghi nhận sự tham gia tích cực và triệt để của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, dữ liệu từ lần tổng điều tra này sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kinh phí 1.500 tỉ đồng, hơn 120.000 điều tra viên

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết kinh phí dự toán cho toàn bộ cuộc Tổng điều tra là 1.514 tỉ đồng, trong đó, riêng năm 2019, cũng là năm cuộc tổng điều tra dân số diễn ra chủ yếu có kinh phí là 1.100 tỉ đồng.

Chi hơn 1.500 tỉ đồng cho cuộc tổng điều tra dân số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết tổng kinh phí của cuộc tổng điều tra dân số là 1.514 tỷ đồng. Ảnh: Hiếu Công.

"1.100 tỉ đồng là kinh phí của của cuộc tổng điều tra thực hiện trong năm 2019 bởi công việc của tổng điều tra thực hiện trong năm 2019 cơ bản là nhiều nhất. Còn kinh phí còn lại trong số 1.514 tỉ đồng bao gồm công tác chuẩn bị từ năm 2018, xử lý các công việc khác của năm 2020", ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh mọi chi phí của cuộc tổng điều tra đều đã được Bộ Tài chính rà soát rất kỹ trước khi phê duyệt, Bộ cũng kiểm tra, giám sát và phê duyệt các công việc thực tế cần triển khai.

Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 với tổng kinh phí dự toán 1.514 tỉ đồng, được thực hiện với các nội dung: thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật, hôn nhân; mức độ sinh, tử và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.

Ông Lâm cho biết cuộc tổng điều tra lần này sẽ huy động khoảng 120.000 điều tra viên. Trong đó, riêng lực lương điều tra viên và tổ trưởng điều tra là khoảng 110.000 người, khoảng 9.300 giám sát viên cao cấp, chưa bao gồm người tham gia lập bảng kê hộ và thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương và các cấp.

Trước cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, ông Lâm cho biết BCĐ đã tổ chức 2.500 hội nghị tập huấn nghiệp vụ và ứng dụng CNTT cấp huyện, 77 hội nghị cấp tỉnh cho các cán bộ điều tra. Về công tác quản lý và lập bảng kê, BCĐ đã tổ chức 760 hội nghị cấp huyện và 73 hội nghị cấp tỉnh để tập huấn cho các điều tra viên.

Áp dụng công nghệ thông tin một cách triệt để

Tổng điều tra dân số 2019 áp dụng cả hai phương pháp là điều tra trực tiếp và điều tra gián tiếp, hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điều tra trực tuyến, hoặc điều tra viên điều tra trực tiếp.

Chi hơn 1.500 tỉ đồng cho cuộc tổng điều tra dân số - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Sơn Hà.


Ngoài việc sử dụng hình thức phiếu in sẵn như năm 2009, tổng điều tra dân số 2019 áp dụng thêm hai hình thức thu thập thông tin mới: Điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng Internet (webform).

Tổng cục Thống kê cho biết đã nâng cấp máy chủ phục vụ nhằm đảm bảo việc sao lưu và xử lý dữ liệu điều tra trực tuyến và phiếu điện tử. Ngoài ra, BCĐ TƯ đã lựa chọn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cung cấp hệ thống máy chủ để nhận dữ liệu đồng thời từ hơn 200.000 địa bàn điều tra.

Chi hơn 1.500 tỉ đồng cho cuộc tổng điều tra dân số - Ảnh 3.

Dữ liệu từ cuộc Tổng điều tra sẽ phục vụ công tác xây dựng kế hoạch phát triển dân số hướng tới năm 2045.


Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 hôm 13/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng việc áp dụng các tiện ích, công nghệ cao vào các công đoạn của tổng điều tra dân số sẽ tăng tính minh bạch, chặt chẽ của quy trình thu thập dữ liệu.

Bên cạnh đó, khối lượng dữ liệu cần thu thập, xử lý khổng lồ cũng đòi hỏi rất nhiều sức lực, tiền của nên ứng dụng CNTT sẽ giúp tiết kiệm được chi phí và thời gian rất lớn, tăng tính bảo mật của quá trình thu thập, lưu trữ dữ liệu.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị các bộ, ban ngành liên quan cần tích cực trong các nhiệm vụ được giao nhằm hoàn thành tốt, hiệu quả công tác điều tra. Ông Huệ nhấn mạnh cần hết sức đề phòng, chú ý tránh những rủi ro, sự cố có thể phát sinh trong quá trình tổng hợp, lưu trữ và bảo mật dữ liệu.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.