Đó là chuyện chị Phó Giám đốc sở Tư pháp của một tỉnh đi bẻ hoa. Đọc chữ nghĩa của các cụ cho lắm vào, quen với ước lệ ẩn dụ, nghĩ ngay ra sự… bẻ hoa của các ông. Giật mình. Trong tưởng tượng lập tức xuất hiện hình ảnh một phụ nữ to cao sừng sững đang chúm chím.
Hóa ra chị chỉ bẻ hoa. Đúng hơn là bẻ cành trên đó có hoa, ở một chốn mà cái biển cấm trèo cấm hái cấm bẻ nó lại không được cắm dưới từng gốc cây. Thế là lại lập tức nghĩ ra rằng người ta lớn rồi, có quên bài hát tuổi mẫu giáo lớp Lá lớp Chồi vẫn đồng thanh ê "ra vườn hoa chơi em không hái một bông hoa nào“ thì cũng là thường.
Chuyện rộn, vì có mấy bạn trẻ góp ý thì chị trấn áp bằng lời. Lời của quan gang thép, hỏi đến cả nhân thân cái người dám góp ý: "Em là ai?" Khổ, hai mươi năm trước thì có hỏi "mày là đứa nào“ cũng chả sao đâu. Gặp phải cái thời động cái là mặt mình tiếng mình lập tức được online. Phiền thế.
Trong thời gian tới, tôi sẽ chú ý rèn luyện, thận trọng hơn trong văn hóa ứng xử, lời ăn tiếng nói của mình! |
Nhẽ phải làm ngay cái việc mà giới rất dễ bị người ta nhìn vào (ví dụ đầu cao, chân dài) phải làm là xử lí khủng hoảng, lúc này mới ở cấp độ thấp, bằng đơn giản là một lời xin lỗi thật chân thành, xin làm sao để người đời quên đi, thì chị phó lại loanh quanh từ lúc trả lời báo chí cho tới lúc họp cơ quan. Có mỗi một cành hoa trót bẻ mà loay hoay thế nào người có lỗi lại là mấy thanh niên dại miệng góp ý, anh lái xe dại tay bẻ giùm, và nhân viên dưới quyền nếu không biết tự kiểm duyệt thông tin hiểu cho đúng định hướng của chị.
Kết quả là sáng nay đọc báo thấy tin cấp trên có văn bản yêu cầu chị Phó xin lỗi công khai thiên hạ quan tâm tới vụ việc. Tức là lại sẽ ít ra thêm một lần chị được xuất hiện trên muôn mặt truyền thông.
Tới đây thì người gõ máy đang nghĩ mình hiểu thấy mình không hiểu gì nữa.
Trước hết là không hiểu công luận. Làm sao chị Phó ấy chỉ vì một sự trót bẻ hoa mà lại có thể làm phương hại thể diện quốc gia, cụ thể là tư cách người nhà nước và uy tín của tỉnh có sở chị ấy đang lãnh đạo, ngay cả đó là sở Tư pháp?
Nếu có băn khoăn, chỉ băn khoăn sự sao chị ấy dại thế, sao không đứng ra nhận lỗi để khỏi bị quy đủ thứ tội suy diễn, sao không nhận lỗi ngay để quan trên trông xuống người ta trông vào thấy mình đúng là người, xứng đáng với trách nhiệm to uỳnh được giao phó.
Sau nữa, người gõ máy ngạc nhiên tiếp về cái văn bản mà báo chí vừa thông tin do ông sếp đưa ra, yêu cầu cấp dưới xin lỗi. Việc cấp trên công khai ra lệnh cho cấp dưới xin lỗi ai đó bằng văn bản có đóng dấu, kể cả là nhân danh nhân dân vẫn là một việc chưa từng thấy.
Đàn bà nông nổi, là tôi đang nói về tôi, tôi nghĩ thế này: nếu ai đó có lỗi hay tội, chỉ duy nhất luật pháp có quyền xử và mức độ trừng phạt sẽ du di thế nào đó trong khung hình phạt căn cứ vào thái độ của đương sự. Cố nhiên, còn có cái gọi là công luận, tòa án đạo đức xã hội, nhưng ngay cả khi bản án đưa ra từ đó có chính xác đến mức nào chăng nữa vẫn không được phép thay thế cho luật pháp. Còn pháp có trị đúng không thì lại là một vấn đề khác mà tầm giải quyết không dừng lại ở một cá nhân có chức vị nào.
Hiểu như thế, sự liên đới giữa các cá nhân trong một nhóm, một cộng đồng, một bộ máy hành chính sẽ phải là khả năng chịu trách nhiệm của từng cá nhân. Ông sếp kia, nếu thấy cấp dưới sai quá là sai, ở đây thì là dại quá là dại, ông có thể tự mình xin lỗi, tùy.
Tranh biếm họa của Lê Anh Phong - Báo Tuổi trẻ Cười
Có một điều tôi thấy hãi hãi qua vụ này và vô số vụ tương tự. Ấy là tác động của việc sử dụng Internet. Tuyệt vời, Internet tuyệt vời, đặc biệt ở những nơi như là quê hương ta. Mạng xã hội đóng vai trò là một kênh thông tin vô cùng đáng kể, là đối trọng vô cùng cần thiết với các kênh thông tin khác.
Nhưng việc đưa tin, việc bình luận về tin đưa căn cứ chỉ vào một vụ việc bẻ hoa này có cái gì đáng ngại. Tôi tin vào giá trị của kiểu thông tin khách quan tuyệt đối, không kèm bình luận kiểu máy hết pin nên không quay được. Bất kể một hành ngôn, một động tác nào trong tư cách người bình thường cũng bị quay chụp, soi xét, mổ xẻ, khen chê theo lối sướng miệng của người đời với đủ thứ tiêu chuẩn kép về đạo đức đều đáng ngại. Khi mỗi người dân đều là một cảnh sát, khi mỗi chiếc camera đều là phương tiện tìm diệt thì nói không sợ quá lời: chính chúng ta đang là độc tài của chúng ta, chưa cần tìm xa xôi gì đâu.
Nhưng mà tôi đang nói sự bẻ hoa. Ờ, cái chị Phó bẻ hoa ấy, thôi thì ai trong chúng ta chưa từng mắc lỗi? Chị ấy cũng là con người bình thường mắc lỗi. Cái sự không bao giờ thích nhận lỗi, tìm mọi cách đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, tự biến mình từ thủ phạm thành nạn nhân không phải là quá bình thường đối với người Việt chúng ta à? Lại nữa, phải chờ có trát gọi của cấp trên, chị mới làm cái công văn xin lỗi cho nó xong chuyện. Thế có phải chị cứ bị dại mãi không?
À, khi viết câu này, tôi đang nhớ tới một hai ba gương mặt khác ồn ã suốt bấy lâu nay trên báo, không phải vì một cành hoa, mà vì mấy mấy ngàn tỉ, vì xe được tặng hay xe được cho mượn, và vì họ đã đi rất xa rồi. Ví dụ như một anh, cũng là phó...
"Tôi xin thừa nhận mình đã sai trong sự việc này và rất lấy làm tiếc đã gây ra dư luận không tốt trong những ngày qua, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến tập thể cơ quan, địa phương tỉnh nhà… (Chiều 11-3, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận, đã gửi thư xin lỗi theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, liên quan đến vụ bẻ hoa mai anh đào tại Đà Lạt.) |