Bình Thuận xử lý vướng mắc bất động sản du lịch

Sáng 7/9, tại TP Phan Thiết, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Văn phòng đại diện tại Bình Thuận (VCCI Bình Thuận), Hiệp hội Du lịch Bình Thuận và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp tổ chức hội thảo "Bất động sản du lịch Bình Thuận: Xử lý vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển của thị trường".

Những năm gần đây, bất động du lịch là một trong những phân khúc thị trường có tốc độ phát triển nhanh và mạnh mẽ. Xu hướng này được dự báo còn tiếp tục phát triển sôi động hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là khi nhu cầu về du lịch phục hồi và bùng nổ sau thời kỳ dịch COVID-19.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có 239 dự án bất động sản du lịch với khoảng 114.000 căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng, gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng; gần 30.900 shophouse với tổng giá trị của 3 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này ước tính lên tới hơn 681.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD và trải dài tại nhiều tỉnh thành phố trên khắp đất nước như: Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu…

Triển vọng về dài hạn cho phân khúc bất động sản này vẫn rất lớn, bởi lẽ phát triển bất động sản không chỉ mang lại lợi ích đối với doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy khai thác tiềm năng về du lịch, tài nguyên thiên nhiên, lan tỏa văn hóa của các địa phương. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp đang gặp rất nhiều trở ngại khi đầu tư vào phân khúc này, nhất là liên quan đến các vấn đề pháp lý.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, điểm nghẽn lớn nhất của bất động sản du lịch hiện nay là việc cấp giấy chứng nhận cho các condotel (căn hộ khách sạn) và officetel (căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn)… Trong thời gian vừa qua, điểm nghẽn này đã được Chính phủ quan tâm tháo gỡ, nhất là việc ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các loại hình bất động sản du lịch này. 

Tuy nhiên, xét về dài hạn, thị trường bất động sản du lịch vẫn còn một số điểm nghẽn khác. Khái niệm bất động sản du lịch vẫn chưa được cụ thể hóa trong các quy định của luật, chưa được cập nhật trong các Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… Để tháo gỡ nút thắt này, cần đưa các nội dung rõ ràng về bất động sản du lịch trong quy định của luật thời gian sắp tới. Từ đó, làm cơ sở pháp lý để các địa phương, cũng như nhà đầu tư có hành làng pháp lý, mạnh dạn đầu tư…

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết, một số khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp du lịch gặp phải trong phát triển bất động sản du lịch đó là về chính sách thuê đất và xác định giá đất. Một số địa phương còn lúng túng trong việc áp giá đất. Vì vậy, Hiệp hội đề xuất áp dụng khoản 1 điều 172 Luật Đất đai 2013 "Tổ chức kinh tế được phép lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê" và giữ điều này trong Luật Đất đai năm 2023.

Bên cạnh đó, cần có khung pháp lý rõ ràng cho mô hình bất động sản du lịch từ giai đoạn dự án, đầu tư đến khai thác vận hành. Đây là hướng đi để thị trường bất động sản du lịch phát triển và phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về các giải pháp để thị trường bất động sản phát triển. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), bất động sản du lịch phải phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, phát triển xanh. Bất động sản du lịch càng cao cấp càng phải chú trọng yếu tố xanh. Bên cạnh đó, thị tường bất động sản du lịch cần phải tính toán phù hợp với nhu cầu tổng thể; gắn liền với chiến lược quốc gia; phù hợp với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải…

Nhân sự kiện này, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với các hiệp hội của tỉnh Bình Thuận.

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...