Tham khảo những ngày lễ tháng 9 có ý nghĩa lớn đối với người dân Việt Nam:
Năm nay, nhân dân ta sẽ kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam, một ngày lễ chính thức của dân tộc diễn ra vào ngày 2/9 hàng năm. Vào ngày này năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nhắc đến Ngày Quốc khánh 2/9, mỗi trái tim người dân Việt Nam đều không khỏi xúc động bởi ý nghĩa thiêng liêng chứa đựng niềm tự hào dân tộc. Đây là dịp để bất cứ người dân Việt Nam dù ở đâu cũng cùng nhau tưởng nhớ đến công lao to lớn của Bác Hồ và những vị anh hùng dân tộc. Bên cạnh đó, đây còn được xem là lời nhắc nhở thế hệ trẻ phải luôn học tập, rèn luyện để tiếp tục phát triển đất nước, sánh vai với cường quốc năm châu như lời răn dạy của Bác.
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày nghỉ chính thức theo quy định của pháp luật. Kể từ năm nay, người lao động sẽ được nghỉ làm, hưởng nguyên lương trong 2 ngày, vào ngày 2/9 và một ngày liền trước hoặc liền sau. Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật sẽ được nghỉ 4 ngày liên tiếp (2/9/2021 - 5/9/2021). Trong đó, 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh và 2 ngày là ngày nghỉ hàng tuần. Còn người lao động không làm việc theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật thì chỉ được nghỉ 2 ngày là ngày 2/9/2021 và 3/9/2021.
Năm nay là năm kỷ niệm thứ 76 Ngày Thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức ra đời với buổi phát thanh đầu tiên bằng ba thứ tiếng, gồm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Trong hành trình 76 năm đồng hành cùng chặng đường lịch sử gian nan cũng như sự tiến bộ của đất nước, VOV đã trở thành “tiếng nói của non sông, của độc lập - tự do, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người bạn tin cậy của bè bạn quốc tế”.
Đến nay, VOV đã trở thành đơn vị báo chí quốc gia duy nhất phát triển mô hình truyền thông đa phương tiện với đầy đủ cả 4 loại hình báo chí, gồm báo nói, báo hình, báo điện tử và báo in. Với một đội ngũ hùng hậu và chuyên nghiệp cùng hệ thống trang thiết bị tiên tiến, VOV là một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu tại Việt Nam và đang tiếp tục đảm đương vai trò quan trọng trong ngành báo chí nước nhà.
Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Sau đó, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là MTTQ Việt Nam.
Trải qua chặng đường lịch sử 91 năm, tổ chức này đã đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, động viên nhân dân hăng hái tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, xây dựng Hiến pháp chung của cả nước,... MTTQ Việt Nam đã không ngừng đổi mới cách thức hoạt động để kiện toàn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giúp Việt Nam ngày càng phát triển về mọi mặt.
Tại phiên họp lần thứ 32 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 20/9/1977, Việt Nam đã chính thức được công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Sự kiện này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngoại giao đa phương của Việt Nam và tạo ra những đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Liên Hợp quốc là một tổ chức quan trọng trong đời sống quốc tế và đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Việc tham gia vào tổ chức này góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của các nước bạn.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ghi dấu vai trò của mình qua nhiều vị trí khác nhau, trong đó đỉnh cao là việc hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Sự kiện này là một cột mốc hết sức quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta.
Mới hưởng niềm vui hòa bình, độc lập, tự do khoảng ba tuần, nhân dân Nam Bộ lại phải đứng lên cầm súng chống lại cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp vào ngày 23/9/1945. Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam Bộ đã cùng nhau quyết chiến với quân xâm lược để bảo vệ đất nước và những thành quả của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
Ngày Nam Bộ kháng chiến là một dấu son lịch sử đã làm nức lòng nhân dân cả nước, thể hiện tinh thần quật cường của quân dân Nam Bộ. Dù đã 76 năm trôi qua nhưng hào khí của Nam Bộ kháng chiến trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định vẫn còn khắc sâu trong tâm tưởng nhiều người. Chính vì vậy, đây là một trong những ngày kỷ niệm quan trọng trong tháng 9, nhắc nhở thế hệ sau tiếp tục giữ gìn, xây dựng và phát triển nước nhà.
Cùng điểm qua một số ngày lễ quốc tế trong tháng 9 sắp tới:
Năm 1965, UNESCO đã chọn ngày 8/9 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ, hay còn gọi là Ngày Quốc tế Biết chữ. Ý nghĩa của ngày kỷ niệm này là nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội. Ngoài ra, ngày này còn nêu cao sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội, giúp các cá nhân có thể tiếp cận những nguồn tài liệu, phương tiện và cách thức học tập mới mẻ và tiến bộ.
Trong thời đại công nghệ 4.0, ngoài việc biết đọc, biết viết như xưa, xã hội còn mong mỏi ở mỗi cá nhân những kỹ năng về công nghệ thông tin và cách thích ứng với thời đại số hóa nhanh chóng như hiện nay. Từ đó, các cá nhân có thể tìm ra những giải pháp sáng tạo để ứng dụng vào kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của quốc gia.
Năm 2007, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 15/9 hàng năm làm Ngày Quốc tế vì Dân chủ. Sự ra đời của ngày kỷ niệm này có ý nghĩa thúc đẩy và duy trì các nguyên tắc dân chủ, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các nguyên tắc này.
Theo Liên Hợp Quốc, dân chủ là một giá trị toàn cầu đòi hỏi các công dân lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của riêng mình, đồng thời tự do bày tỏ mong muốn và có tiếng nói trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống.
Mỗi năm, Liên Hợp Quốc lại chọn một chủ đề cho ngày kỷ niệm để củng cố ý nghĩa và mục tiêu đề ra ban đầu. Trong đó, điển hình là chủ đề “Tăng cường tiếng nói dân chủ” nhằm đề cao tầm quan trọng của tiếng nói nhân dân dưới bất kỳ hình thức nào, dù trực tiếp hay gián tiếp thông qua các đại diện do chính họ bầu ra.
Vào ngày 16/9 hàng năm, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã cùng kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng ozon. Đây là một sự kiện nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon, đồng thời nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozon tới cộng đồng và toàn xã hội.
Tầng ozon có vai trò vô cùng quan trọng, giúp Trái đất được che chắn khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại từ mặt trời làm gia tăng tỷ lệ ung thư da, đục thủy tinh thể và làm hỏng cây trồng, hoa màu, hệ sinh thái. Ngày kỷ niệm này chính là lời nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa thiết thực của tầng ozon đối với sự sống trên Trái đất, nêu cao tinh thần trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo vệ tầng ozon cho các thế hệ mai sau.
Năm 2001, Liên Hợp Quốc chính thức ban hành nghị quyết công nhận ngày 21/9 hàng năm là Ngày Quốc tế Hòa bình. Với sứ mệnh nâng cao nhận thức của nhân loại về hòa bình, ngày kỷ niệm này đã “lên tiếng” kêu gọi chấm dứt chiến tranh, xung đột, bạo lực, thực thi các lệnh ngừng bắn tạm thời ở những khu vực đang xảy ra chiến sự nhằm tạo điều kiện triển khai hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Hiện nay, Ngày Quốc tế Hòa bình còn mở rộng ra các mục tiêu cụ thể và cấp thiết trong xã hội, điển hình như xóa đói nghèo, giảm bất bình đẳng và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường, nước sạch và vệ sinh môi trường hay thúc đẩy việc làm, lương thực và thu nhập cũng là một trong những hành động cho thấy ý nghĩa của hòa bình được đề cao.
Ngày 28/9 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày Hàng hải Thế giới. Đây là cơ hội để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự an toàn trong vận tải biển, các vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải cũng như phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Ngoài ra, ngày kỷ niệm này cũng là dịp để nêu cao vai trò đặc biệt của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), một tổ chức đảm nhiệm vai trò thúc đẩy vận tải biển an toàn, an ninh, hiệu quả trên một đại dương sạch, hướng tới phát triển bền vững trên toàn cầu.