Chỉ trích con cái – tại sao chúng ta nên dừng?

Chỉ trích con cái dường như là một phản ứng xảy ra khá thường xuyên của không ít cha mẹ khi họ không hài lòng với một biểu hiện nào đó của con.
chi trich con cai tai sao chung ta nen dung Cha mẹ nên xử phạt trẻ như thế nào cho đúng?
chi trich con cai tai sao chung ta nen dung Kì lạ ngôi trường cấm học sinh làm bài tập về nhà, chỉ đọc sách và chơi

Chỉ trích hoặc chê bai con nhỏ dường như là một phản ứng xảy ra khá thường xuyên của không ít cha mẹ khi họ không hài lòng với một biểu hiện nào đó của con. Lý do mà nó vẫn khá phổ biến có lẽ là vì bản thân các bậc phụ huynh không hiểu hết được ảnh hưởng của thói quen này tới lòng tự trọng của trẻ và cách trẻ nhìn nhận bản thân chúng.

chi trich con cai tai sao chung ta nen dung
Các biểu hiện của chỉ trích khá đa dạng. (Ảnh: theAsianparent)

Biểu hiện của chỉ trích

Các biểu hiện của chỉ trích khá đa dạng, không nhất thiết phải ở dạng chì chiết, nhắc đi nhắc lại nội dung đã nói. Chỉ trích có thể là:

- Chê bai trẻ là dốt, chậm, vô tích sự, không biết gì, lười biếng, ích kỷ,...

- Công khai so sánh trẻ với các trẻ khác trước mọi người với ý rằng trẻ không bằng ai.

- So sánh trẻ với trẻ khác qua lời nói trực tiếp với một mình trẻ.

- Thường xuyên tỏ thái độ không chấp nhận trẻ.

- Chế giễu trẻ.

Nhiều người lớn chỉ trích trẻ vì bản thân họ đã được giáo dục theo cách như thế. Họ thậm chí có thể tin rằng chỉ trích trẻ sẽ giúp trẻ nhận ra thiếu sót của chúng, sẽ tự thấy xấu hổ để phấn đấu cho bằng một ai đó. Hãy nhớ đến những câu như “Đấy, con thấy bạn giỏi chưa? Mình thì chả biết gì” hay khi đứa trẻ chỉ vừa mới lên 4 thì đã được nghe nhận xét: “Mày lo học đi. Học chả học, toàn chơi. Sau này dốt.”

Đôi khi nhiều người lạ vô tình công kích trẻ con bởi vì họ chẳng biết phải nói gì, trong khi trẻ con cũng là đối tượng an toàn để đưa ra một vài nhận xét “thân thiện”. Những câu như “Sao? 1 tuổi mà chưa biết đi?”, “3 tuổi mà còi thế? Mẹ cho ăn kiêng à?”, “Nhát thế, không bằng em!”, hoặc “Con trai mà khóc. Thế mặc váy cho thành con gái nhé!” đều là những câu tận tai tôi đã được nghe. Trong khi liên tục bị so sánh về cân nặng, chiều cao, lượng thức ăn, đề tài sẽ dần mở rộng sang sự ngoan ngoãn, điểm số, học lực, khả năng ngoại ngữ, và nhiều kỹ năng khác. Nhiều người lớn dùng con cái họ như một công cụ để chứng tỏ họ tuyệt vời. Những kỳ vọng quá lớn và những thất vọng cứ lớn dần; trong khi đó, trẻ ngày càng căng thẳng.

chi trich con cai tai sao chung ta nen dung
“Con trai mà khóc. Thế mặc váy cho thành con gái nhé!" (Ảnh: Babyblog)

Tại sao chỉ trích có hại cho trẻ?

Chỉ trích, nếu diễn ra thường xuyên, trở thành một dạng bạo hành tâm lý. Hãy tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy ra sao khi suốt ngày bị so sánh, đánh giá, bị ép buộc phải phấn đấu cho bằng một ai đó và phải đáp ứng mong đợi của chính cha mẹ bạn theo cách đó? Tôi không nghĩ người lớn nào trong chúng ta sẽ thích việc đó.

Những năm đầu đời là nền tảng phát triển cho toàn bộ những năm về sau của một con người. Trong những năm đó, trẻ nhỏ học và phát triển trên rất nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất là nhận thức của chúng về bản thân chúng. Nếu chúng được cha mẹ yêu thương và chấp nhận, thì chúng sẽ tin tưởng rằng bản thân chúng có giá trị. Chúng phát triển được lòng tự trọng, cảm thấy tự tin khi tương tác với thế giới, và cảm thấy an toàn vì biết luôn luôn có thể tin tưởng vào cha mẹ.

chi trich con cai tai sao chung ta nen dung
Khi một đứa trẻ liên tục bị phán xét và chỉ trích, đứa trẻ ấy mất dần niềm tin vào cha mẹ. (theAsianparent)

Ở chiều ngược lại, khi một đứa trẻ liên tục bị phán xét và chỉ trích, đứa trẻ ấy mất dần niềm tin vào cha mẹ, cảm thấy mình không có giá trị, cảm thấy mình thua kém những trẻ khác, cảm thấy sợ sệt và lo lắng mình luôn làm gì đó sai. Sự tổn thương sâu sắc đó có thể theo trẻ cho tới khi lớn, bắt đầu thể hiện ra dưới dạng triệu chứng là những vấn đề tâm lý (đặc biệt như rối loạn lo âu) khi trẻ bước vào giai đoạn vị thành niên – nếu như cha mẹ không kịp nhìn nhận ra vấn đề để thay đổi cách đối xử với con cái. Nghiên cứu cho thấy trẻ em có cha mẹ độc đoán và liên tục chỉ trích con cái sẽ dễ gục ngã hơn khi phải đương đầu với các khó khăn trong cuộc đời sau này ở giai đoạn trưởng thành.

Thay chỉ trích bằng gì?

Ở chiều ngược lại với chỉ trích, cha mẹ khen ngợi trẻ thái quá. Biểu hiện gì ở con cũng thành “giỏi”, “thần đồng, “thiên tài”,... Không được hướng dẫn để nhìn nhận và đánh giá bản thân cho đúng, chúng dễ dàng tin tưởng rằng chúng xuất sắc và thông minh. Nghiên cứu cho thấy những trẻ này cũng rất dễ bỏ cuộc giữa chừng vì tin rằng khi chúng chưa thể vượt qua được một thách thức lớn thì lý do là chúng không đủ “thông minh”. Người lớn đã tước đi cơ hội để chúng học sự bền bỉ và nỗ lực để tự gặt hái thành quả, thay vào đó lại vô tình dạy chúng đặt mình dưới lăng kính hiển vi để phóng đại khả năng của bản thân.

chi trich con cai tai sao chung ta nen dung
Không chỉ trích trẻ, nhưng khen ngợi trẻ thái quá cũng không nên. (Ảnh: BBS)

Vậy cha mẹ có thể làm gì để giúp con cái vừa học cách đánh giá bản thân đúng , vừa biết phấn đấu và nỗ lực, vừa xây dựng được lòng tự trọng một cách lành mạnh, lại vừa tin tưởng cha mẹ? Sau đây là một số gợi ý:

- Khi con bạn làm được một điều gì mới hay tốt, hãy khen ngợi con một cách cụ thể: “A, mẹ thấy con biết chia sẻ với em. Cảm ơn con nhé.” hay “Con biết đọc hết bảng chữ cái rồi đấy à? Mẹ rất vui.” Bạn có thể miêu tả thêm các đức tính mà bạn hướng con tới. Ví dụ: “Con biết tự rửa tay rồi. Thế gọi là tự lập.”, “Con biết chờ mẹ trong lúc mẹ nói chuyện điện thoại. Thế gọi là kiên nhẫn đấy.”

- Khi không hài lòng với con, hãy thể hiện sự bực bội trong chừng mực, lựa chọn từ ngữ cho cụ thể và ngắn gọn, tránh làm tổn thương con. Hãy nhắm đến hành vi cụ thể, không buộc tội con hay phán xét con. Ví dụ: “Mẹ không vui vì con đã không kiềm chế, và đánh bạn. Không được đánh ai đâu con.” , “Mẹ rất bực vì con đòi hỏi nhiều suốt chiều này. Mẹ chỉ cho con hai lựa chọn: A và B”,...

chi trich con cai tai sao chung ta nen dung
Không bao giờ dùng kẹo, bánh, iPad, hoặc các mẹo tâm lý để đánh lạc hướng trẻ. (Ảnh: Dobreprogramy)

- Hãy chấp nhận việc trẻ mắc lỗi. Mắc lỗi là thiết yếu trong quá trình tự lập và trưởng thành ở trẻ. Bạn có thể khuyến khích, động viên con, và khó nhất là để cho con tự đối diện với khó khăn của chính con. Khó khăn có thể đơn giản như khi con đang đi và vấp ngã. Nhiều cha mẹ không thể chờ được, bèn chạy nhanh tới đỡ con ngay. Một số mắng con ra rả: “Đi kiểu gì mà ngã?” Ngã là bình thường. Cái bạn phải dạy con là sau khi ngã, ta làm gì? Ta đau nhưng đứng lên đi tiếp hay chờ ai đến cứu? Ta nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho sàn nhà hay ai đó? Bạn hãy để cho con khóc vì con cần được khóc, rồi hãy động viên con để con tự đứng lên, chỉ giúp khi nào thực sự cần thiết. Không bao giờ dùng kẹo, bánh, iPad, hoặc các mẹo tâm lý để đánh lạc hướng trẻ - việc này tước đi cơ hội quý giá để trưởng thành của trẻ.

- Hãy cho phép con được đối diện với khó khăn theo cách phù hợp với khả năng và lứa tuổi. Trẻ 1 tuổi có thể tự bốc ăn và dần tập dùng thìa. Đối với một trẻ 3-4 tuổi, tự mặc quần áo có thể là việc khó vừa tầm. Trẻ ở mọi độ tuổi đều phải học cách đối mặt với việc cha mẹ không cho phép chúng được làm những việc vi phạm nguyên tắc gia đình.

chi trich con cai tai sao chung ta nen dung
Cha mẹ dành thời gian để hiểu con. (Ảnh: Babyparent)

- Cha mẹ dành thời gian để hiểu con thì sẽ biết con mình có khả năng gì về mặt nhận thức, tư duy, vận động,... theo từng giai đoạn. Các mong đợi cần phải hợp lý và phù hợp với khả năng của trẻ. Trẻ nhỏ cần rất nhiều thời gian để phát triển kỹ năng. Nhiều cha mẹ không hiểu quá trình này, cứ khăng khăng con phải hoàn thiện kỹ năng trong một thời gian ngắn – không có gì ngạc nhiên khi họ căng thẳng và bực mình với con cái. Sự phát triển và hoàn thiện các kỹ năng diễn ra trong một quá trình dài song song với các thay đổi trong não bộ, cơ thể và các khả năng nhận thức, vận động, ngôn ngữ, xã hôi phát triển.

- Hãy thể hiện tình cảm thường xuyên với con để con hiểu rằng con luôn được yêu thương cho dù chuyện gì xảy ra. Hãy nói chuyện với con, lắng nghe con, chơi đùa cùng con và dành thời gian cho con hàng ngày.

Mỗi trẻ là một cá thể duy nhất phát triển ở tốc độ duy nhất. Mọi so sánh đều khập khiễng và thừa thãi. Trẻ em phát triển tốt nhất trong một môi trường giàu yêu thương, nơi trẻ được chấp nhận, được giúp đỡ một cách phù hợp, và được trao cho quyền quyết định cũng như được mắc lỗi trong chừng mực an toàn.

Có thể bạn quan tâm
chọn
Toàn cảnh dự án Nhơn Hội New City của nhóm Phát Đạt - Danh Khôi đang bị tạm dừng chuyển nhượng
Nhơn Hội New City là một trong ba dự án thành của Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, được phát triển bởi Phát Đạt và Danh Khôi. Cuối năm ngoái, Bình Định đã chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng quyền sử dụng các lô đất chưa bán cho người dân để xử lý những tồn tại liên quan.