Chỉ xem xét cấp phép hãng hàng không mới từ năm 2022

Chính phủ cho rằng việc thành lập hãng hàng không mới chỉ được xem xét sau khi thị trường hàng không phục hồi từ đại dịch COVID-19, dự kiến là năm 2022.
Chỉ xem xét cấp phép hãng hàng không mới từ năm 2022 - Ảnh 1.

Việt Nam chỉ xem xét cấp phép hãng hàng không mới từ năm 2022, sau khi ngành hàng không đã hồi phục sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Song Ngọc.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc rà soát, xem xét thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với chức năng là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air), căn cứ kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án.

Tại văn bản số 4620/BGTVT-VT, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị trước mắt tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến vào năm 2022.

Khi góp ý với hồ sơ Dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) của CTCP Hàng không Thiên Minh vào tháng 10/2019, Bộ Giao thông vận tải đã đánh giá giai đoạn 2014-2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá.

Dự báo tình hình phát triển thị trường vận tải hàng không, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt trên 60 triệu khách vào năm 2020 và đạt xấp xỉ 96 triệu khách vào năm 2025.

Để đảm bảo vận chuyển lượng hành khách này, số lượng tàu bay tương ứng của các hãng hàng không Việt Nam là 255 chiếc vào năm 2020 và 384 chiếc vào năm 2025 (số liệu được tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250.000 khách/tàu bay/năm).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong tình hình mới, thị trường vận tải hàng không thế giới và Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng.

Đầu tháng 6/2020, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính ngành hàng không toàn cầu sẽ lỗ khoảng 84,3 tỉ USD trong năm 2020, tương ứng với biên lãi thuần âm 20,1%.

Doanh thu năm nay cũng được dự báo giảm 50%, từ 838 tỉ USD năm 2019 xuống còn 419 tỉ USD. Năm 2021, IATA dự báo số lỗ toàn ngành giảm còn 15,8 tỉ USD, doanh thu tăng trưởng lên mức 598 tỉ USD - vẫn chưa bằng con số năm 2019.

Ông Alexandre de Juniac - Tổng Giám đốc IATA nhận xét: "2020 sẽ là năm thảm hại nhất về mặt tài chính của ngành hàng không thế giới từ trước tới nay. Trung bình mỗi ngày trôi qua, ngành hàng không lỗ thêm 230 triệu USD. Vì vậy, sự hỗ trợ tài chính của chính phủ các nước là hết sức cần thiết".

Chỉ xem xét cấp phép hãng hàng không mới từ năm 2022 - Ảnh 2.

Hành khách làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sau thời gian giãn cách xã hội, tháng 5/2020. Ảnh: Song Ngọc.

Đối với Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển năm 2020 ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 41% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng vận chuyển đã dự báo.

Đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển dự báo đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo ban đầu, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 75% so với dự báo trước đó. Như vậy, theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam của năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng năm 2019.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện tại, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 chiếc nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỉ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.