'Chìa khóa' metro giải quyết bài toán giao thông ùn tắc tại TP HCM

Hệ thống metro tại TP HCM sẽ là chìa khóa để giải quyết bài toán giao thông đô thị đang nhức nhối và thường xuyên ùn tắc…
'Chìa khóa' metro giải quyết bài toán giao thông ùn tắc tại TP HCM - Ảnh 1.

Đoạn đường ngầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát Thành phố của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. (Trong ảnh: Metro số 1 sẽ đưa vào khai thác vào năm 2021).

Với một thành phố có đến 10 triệu dân như TP HCM, hệ thống metro sẽ là chìa khóa để giải quyết bài toán giao thông đô thị đang nhức nhối và thường xuyên ùn tắc…

Hướng đến hệ thống metro hiện đại

Những ngày cuối năm 2019, không khí thi công trên công trường tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên rất sôi động.

Tại gói thầu CP1b (ga Nhà hát Thành phố), đội ngũ công nhân và kĩ sư đang tập trung dồn sức thi công hệ thống cơ điện, thông gió, các hạng mục chức năng của nhà ga, đồng thời bắt đầu phá dỡ sàn tạm.

Còn tại gói thầu CP1a (ga Bến Thành), do triển khai sau nên vẫn đang thực hiện các hạng mục thi công sàn đáy, kết cấu thép sàn các tầng. 

Gói thầu số 2 (đoạn trên cao từ Ba Son về Suối Tiên), các nhà thầu đang lắp đặt hệ thống cơ điện, hoàn thiện các nhà ga và trồng cây xanh dọc tuyến.

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban quản lí đường sắt đô thị TP HCM cho biết, tiến độ của dự án đến nay đạt trên 75%, các nhà thầu vẫn bám tiến độ. 

Tin vui là những ngày cuối năm 2019, UBND TP HCM đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh tuyến metro số 1 từ 17.400 tỉ đồng lên 43.600 tỉ đồng.

Với phần vốn ODA của Nhật Bản - thành phố vay lại từ Trung ương, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, sẽ đề xuất để Bộ KH-ĐT bố trí. 

“Trong khi chờ nguồn vốn Trung ương, thành phố chủ động tính toán tạm ứng tiếp 1.700 tỉ đồng để thanh toán cho các nhà thầu và người lao động tiếp tục làm việc”, ông Hoan nói.

Tại kì họp thứ 17 vào đầu tháng 12/2019, HĐND TP HCM đã thông qua 2 nghị quyết về việc cho phép UBND TP huy động vốn để đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương). 

Theo đó, UBND TP HCM được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ lần lượt 23.932 tỉ đồng để đầu tư tuyến metro số 1 và 29.885 tỉ đồng để đầu tư tuyến metro số 2. Tổng số vốn vay cho 2 dự án là gần 54.000 tỉ đồng.

Như vậy, bài toán nan giải bấy lâu nay liên quan việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của tuyến metro số 1 cơ bản được giải quyết. Đây là tiền đề quan trọng để đưa tuyến metro số 1 của TP HCM vào khai thác năm 2021.

Với tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, cũng được duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.891 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA là 37.487 tỷ đồng, vốn đối ứng là 10.404 tỉ đồng. 

Hiện dự án đang ở giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây dựng, dự kiến hoàn thành GPMB năm 2020. Thời gian hoàn thành tuyến metro số 2 là năm 2026.

Kết nối mạng giao thông liên hoàn

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, đang lên kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng như:

Đầu tư mới phương tiện, thực hiện giá vé liên thông giữa các tuyến, hệ thống vé điện tử cho xe buýt liên thông với metro, cân đối lại nguồn và phương thức trợ giá để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.

Cùng với đó sẽ nghiên cứu xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến đường để tạo ưu thế về thời gian cho hành khách sử dụng phương tiện công cộng.

Đầu tư các tuyến đường Vành đai 3, 4 để hạn chế xe từ miền Đông qua miền Tây phải đi qua thành phố.

Song song với đó là các giải pháp hạn chế xe cá nhân như: Xây dựng vành đai hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm, phát triển buýt đường thủy, đầu tư xe đạp công cộng miễn phí…

Theo quy hoạch đến năm 2030, TP HCM sẽ xây dựng 8 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên để nối các trung tâm chính của thành phố. Cùng đó là 3 tuyến xe điện mặt đất tramway hoặc đường sắt một ray monorail. 

Theo TS. Phạm Xuân Mai, Giảng viên Đại học Bách Khoa TP HCM, đối với một thành phố có đến 10 triệu dân như TP HCM, hệ thống metro là chìa khóa để giải quyết bài toán giao thông đô thị đang ngày càng nhức nhối. 

Metro sẽ là “xương sống”, còn xe buýt sẽ là các mạng lưới kết nối với nhau tạo thành hệ thống giao thông công cộng liên hoàn, thông suốt.

Tuy vậy, trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, trong vòng 10 năm tới, TP HCM khó có thể hình thành nên các tuyến metro, tramway hoàn chỉnh như quy hoạch. 

Bởi thực tế hiện nay, tuyến metro số 1 đã lùi thời gian hoàn thành đến 2021; tuyến metro số 2 lùi đến năm 2026. Tuyến metro số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc) đang xin chủ trương đầu tư. 

Các tuyến khác đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang tìm nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, xe buýt vẫn là phương tiện giao thông công cộng chủ lực trong thời gian này.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, đang nghiên cứu để xây dựng lại các tuyến xe buýt để kết nối các tuyến metro, từ đó tạo nên một mạng lưới giao thông công cộng kết nối, liên thông.

 Cùng đó, thành phố sẽ xây dựng tuyến xe buýt vận chuyển khối lượng lớn (BRT) từ bến xe miền Tây mới (huyện Bình Chánh) theo đường Võ Văn Kiệt đến bến xe miền Đông mới (quận 9), dự kiến đưa vào hoạt động năm 2021. 

Tuyến BRT từ bến xe miền Tây mới theo đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Phú Mỹ; tuyến BRT dọc đường Phạm Văn Đồng cũng sẽ được nghiên cứu đầu tư.

Thống kê cho thấy hiện nay TP HCM có 2.322 xe buýt, hoạt động trên 137 tuyến, trong đó có 99 tuyến có trợ giá, mới chỉ đáp ứng 7% nhu cầu đi lại của người dân.

Trong khi chờ hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn đưa vào hoạt động thì hệ thống xe buýt hiện tại vẫn đảm đương vai trò chủ lực. 

Ông Lâm thừa nhận, những bất cập của hệ thống xe buýt như chậm giờ, bỏ tuyến, thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là chịu sự cạnh tranh khốc liệt của phương tiện cá nhân, các loại hình xe công nghệ, vì vậy đòi hỏi phải có sự đầu tư cho xe buýt để thu hút người dân. 

Mục tiêu của ngành là từng bước đáp ứng từ 15-20% nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian tới.

“Trong khoảng 10 năm tới, khi một số tuyến metro được đưa vào khai thác, hệ thống xe buýt sẽ được tiếp tục đầu tư, chắc chắn giao thông công cộng sẽ phát triển. 

Khi hệ thống giao thông công cộng đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại, người dân có nhiều loại hình vận tải để lựa chọn, lúc đó thành phố sẽ tính đến phương án hạn chế phương tiện cá nhân tại một số khu vực trung tâm”, ông Lâm nói.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.