Trong bài tham luận của TP HCM, đại diện Sở GTVT TP cho biết trong năm 2019, được sự hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành, TP HCM đã rất nỗ lực để thực hiện được việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh 2 tuyến đường sắt độ thị (tuyến metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên; tuyến số 2: Bến Thành - Tham Lương). Đây là sự tháo gỡ khó khăn rất quan trọng để tạo điều kiện cho thành phố có cơ hội đẩy nhanh tiến độ 2 dự án đường sắt có tính chất khởi đầu này.
Đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Sở GTVT thông tin lũy kế tiến độ thực hiện dự án đến nay đạt khoảng 68%. Thời điểm mục tiêu hoàn thành công trình đưa vào khai thác là quý 3/2021. Dự kiến trong năm 2020, lũy kế tiến độ thực hiện dự án đạt khoảng 90%, các công trình hạnh mục chính sẽ được hoàn thành, đồng thời sẽ triển khai các bước thủ tục, khép nối các công đoạn để chuẩn bị thử nghiệm vận hành.
Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), chủ đầu tư đã chủ động làm việc với các nhà tài trợ để thu xếp vốn theo dự án điều chỉnh. Đồng thời, phối hợp với các sở ngành, quận huyện liên quan triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và di dời hạ tầng kĩ thuật. Thời gian hoàn thành dự án dự kiến vào năm 2026.
Đặc biệt, theo đại diện Sở GTVT TP HCM, đơn vị này đang tiếp tục đề xuất đầu tư ODA ưu tiên tập trung cho tuyến đường sắt đô thị số 5 - giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn). Dự kiến trong năm 2020 sẽ trình Hội đồng thẩm định nhà nước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi trình Quốc hội. Các tuyến khác tiếp tục kêu gọi đầu tư và nghiên cứu, đề xuất giải pháp đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), chủ động trao đổi, làm việc với các nhà tài trợ để xúc tiến các dự án đường sắt đô thị đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như tuyến metro 2 - giai đoạn 2, tuyến metro 3a, tuyến metro 5 - giai đoạn 2...
Tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) là tuyến bán vành khuyên, có chiều dài khoảng 8,9 km, bắt đầu từ ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình), cũng là điểm kết nối với tuyến metro số 2 đi về phía đông qua bãi đỗ tàu ngầm (stabling yard) ở công viên Hoàng Văn Thụ. Tại đây sẽ kết nối với tuyến 4b-1 (tuyến đi vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất), tiếp đó đi dọc theo đường Hoàng Văn Thụ, kết nối với tuyến metro số 4 tại ga ngã tư Phú Nhuận, dọc theo đường Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, kết nối với tuyến metro số 3b tại ga Hàng Xanh và kết thúc tại ga cầu Sài Gòn, kết nối trung chuyển với ga Tân Cảng của tuyến metro số 1. Công trình gồm 1 bãi đỗ tàu (ngầm) khoảng 2 ha ở công viên Hoàng Văn Thụ và 9 nhà ga bao gồm 8 nhà ga ngầm và 1 nhà ga trên cao.
Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị gửi UBND TP HCM vào năm 2011, tuyến metro số 5 giai đoạn 1 khi đăng ký danh mục dự án ODA chỉ ước khoảng 833 triệu euro. Tuy nhiên, theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị TP HCM năm 2017, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỉ euro, cao hơn tới 87%. Nguyên nhân làm thay đổi tổng mức đầu tư là do tính toán lại khối lượng toàn bộ dự án, bổ sung 5% chi phí quản lý dự án, 7% chi phí tư vấn xây dựng theo quy định mới.
Lãnh đạo Sở GTVT TP HCM đánh giá nhìn chung, tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị đến nay chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do các dự án có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn, sử dụng vốn vay ODA, phức tạp về kĩ thuật nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn dẫn đến phải điều chỉnh dự án. Trong khi đó, năng lực, kinh nghiệm quản lý, tư vấn trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp yêu cầu công việc. Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kĩ thuật gặp nhiều khó khăn.
Theo nội dung tham luận, TP HCM đã và đang tập trung triển khai khoảng 216 dự án hạ tầng giao thông, vối tổng vốn đầu tư khoảng 78.158 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và nguồn vốn ngoài ngân sách (theo hình thức đối tác công tư).
Mục tiêu lớn trong năm 2020 đối với ngành giao thông TP HCM là hoàn thành một số dự án trọng điểm như Cầu Thủ Thiêm 2, một số hạng mục Nút giao Bến xe Miền Đông để đồng bộ với việc di dời bến xe, Cải tạo mặt đường Tỉnh lộ 10B để cải thiện hướng giao thông về Long An; Hoàn thành Hầm chui An Sương ở cửa ngõ QL1, QL22 phía bắc thành phố...
Đồng thời, khởi công các dự án quan trọng khác như: Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, một số dự án khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, đẩy nhanh thực hiện các dự án phục vụ cho khu vực Cảng Cát Lái như đường Nguyễn Duy Trinh từ nút giao 990 đến Vành đai 2, tiếp tục giai đoạn 2 của nút giao Mỹ Thủy, mở rộng đường Đồng Văn Cống, có thể dùng nguồn lực của thành phố để sớm xây dựng nút giao An Phú ngay đầu Cao tốc TP HCM - Long Thành...
Để hoàn thiện mạng lưới giao thông theo đúng quy hoạch, TP HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan hỗ trợ thành phố trong việc đầu tư xây dựng các tuyến vành đai còn lại (Vành đai 3 và 4).
Đối với các tuyến cao tốc nối kết liên vùng: Hiện nay tại thành phố mới có đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (hiện cũng đang quá tải) nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố. Do đó, TP kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan sớm xem xét nghiên cứu, đầu tư các đường cao tốc khác theo quy hoạch như đường bộ cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đường bộ cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, nghiên cứu Xây dựng giai đoạn 2 của 2 tuyến cao tốc hiện có (TP HCM - Trung Lương và đường cao tốc TP HCM -Long Thành - Dầu Giây)...
Riêng đối với các tuyến đường sắt đô thị, Sở GTVT đề xuất được hỗ trợ trong việc chuẩn bị các bước đánh giá an toàn hệ thống của tuyến 1; Xây dựng các văn bản dưới luật về đường sắt đô thị. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn vận hành, khai thác, quản lý điều hành đường sắt đô thị; hướng dẫn về chuyên môn trong việc triển khai, áp dụng công nghệ thẻ vé để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông.