TP HCM sẽ khai thác quĩ đất công quanh nhà ga metro

TP HCM đang rà soát, thuê tư vấn điều chỉnh lại qui hoạch chi tiết và triển khai kêu gọi đầu tư quĩ đất xung quanh nhà ga các tuyến metro.

Ngày 20/12, tại TP HCM đã diễn ra hội thảo quy hoạch phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD). Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia về giao thông, kiến trúc sư, cơ quan quản nhà nước đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho sự phát triển của giao thông TP theo mô hình TOD.

Giao thông chưa đáp ứng

Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó phòng thuật hạ tầng, Sở QH-KT TP HCM, cho biết giao thông TP HCM đang bị tắc nghẽn. Nguyên nhân là do đô thị ngày càng phụ thuộc vào phương tiện cá nhân trong khi giao thông công cộng (GTCC) chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, môi trường đô thị mở rộng một cách tự phát làm phá vỡ cấu trúc đô thị. Đặc biệt, tài chính cho các dự án phát triển hạ tầng luôn là vấn đề lớn, như dự án khép kín các đường vành đai sau nhiều năm vẫn chưa thể thực hiện, hay các tuyến đường sắt đô thị triển khai cầm chừng.

“Cấu trúc đô thị đặc thù tại TP HCM là dân cư và nhà ở riêng lẻ, phân bố dàn trải. Mật độ xây dựng cao nhưng hệ số sử dụng đất thấp và đặc biệt là có nhiều đường hẻm nhỏ và dài. Cấu trúc đặc thù này là hậu quả của quá trình dài phát triển thiếu quy hoạch” - ông Thắng nhận định.

Thực tế, việc mở rộng diện tích đô thị không tuân theo quy hoạch đã gây khó khăn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Cấu trúc đô thị phân tán buộc người dân phải phụ thuộc vào các phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy. Đồng thời cấu trúc đô thị phân tán cũng không tạo động lực để phát triển GTCC do nhu cầu đi lại không tập trung, khó thu gom hành khách.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, nhận định TP HCM đã từng bước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân. Mạng lưới vành đai, xuyên tâm, đô thị đã được nâng cấp mở rộng và xây dựng mới, chất lượng dịch vụ GTCC từng bước được nâng cấp. Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng các tuyến MRT, BRT còn rất chậm, dẫn đến cơ sở hạ tầng và dịch vụ giao thông không đáp ứng được nhu cầu đi lại của TP trên 10 triệu dân.

Để tạo tiền đề phát triển, TP cần cấp thiết thực hiện và hoàn thành mạng lưới GTCC. Tuy nhiên, việc này sẽ gặp một số khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển các tuyến còn lại. “Kinh nghiệm của các TP lớn trên thế giới cho thấy phát triển đô thị theo định hướng TOD là một chiến lược hỗ trợ vô cùng hiệu quả. Mô hình này sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác vận hành các tuyến vận tải hành khách công cộng. Việc sử dụng đất hỗn hợp trong khu vực 500 m xung quanh các nhà ga có thể đem lại các lợi ích như tăng số lượng hành khách sử dụng GTCC, cải thiện khả năng tiếp cận hệ thống GTCC đối với người dân” - ông Lâm cho biết.

TP HCM sẽ khai thác quĩ đất công quanh nhà ga metro - Ảnh 1.

Việc sử dụng đất hỗn hợp trong khu vực 500 m xung quanh các nhà ga tuyến metro có thể đem lại các lợi ích như tăng số lượng hành khách sử dụng giao thông công cộng. Ảnh: HTD

Phát triển hệ thống GTCC tích hợp đa phương thức

Theo ông Nguyễn Tất Thắng, các vấn đề tắc nghẽn của giao thông cần được tiếp cận ở nhiều khía cạnh. Các vấn đề này không chỉ giải quyết bằng việc mở rộng mạng lưới, vì đường không thể mở rộng diện tích mãi trong khi dân số không ngừng tăng lên.

Hiện TP đã có quy hoạch mạng lưới GTCC nhanh, sức chở lớn, bao gồm tám tuyến MRT và năm tuyến BRT với tổng cộng gần 300 km.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP

Theo đó, để giải quyết tình trạng thiếu quy hoạch như hiện nay cần phát triển hệ thống GTCC tích hợp đa phương thức. Trong đó có thể quy hoạch và phát triển mạng lưới tuyến gồm nhiều phương thức GTCC khác nhau thành một mạng lưới thống nhất. Từ đó hành khách có thể trung chuyển giữa các phương thức một cách dễ dàng và linh hoạt. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc tích hợp điểm trung chuyển, kế hoạch vận hành, hệ thống vé, dịch vụ hành khách…

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư, Ban quản đường sắt đô thị (MAUR), nhận định việc xây dựng mô hình TOD xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị TP có nhiều thuận lợi. Theo ông Hiển, đây sẽ là cơ sở kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản bởi đất xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị là “đất vàng”, “đất kim cương”. Ông Hiển đánh giá việc khẩn trương quy hoạch phát triển đô thị xung quanh các nhà ga theo định hướng TOD sẽ là cơ sở pháp để dễ dàng kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản.

Theo đó, diện tích đất được quy hoạch có bán kính khoảng 500 m xung quanh các nhà ga sẽ được TP tiến hành rà soát quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời TP sẽ lập đồ án thiết kế đô thị dọc theo các trục giao thông đường sắt, tỉ lệ 1/2.000, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Hiện các bước đang được UBND TP triển khai, trong đó ưu tiên tuyến metro số 1 và số 2.

Xem xét bối cảnh đặc thù của từng khu vực

Mô hình TOD là một chiến lược phát triển tích hợp nhằm xây dựng đô thị bền vững. Thực hiện tốt chiến lược TOD sẽ là xúc tác để tái cấu trúc khu vực hiện hữu nhưng cũng có thể là động lực cho hình thành khu vực đô thị mới. Tuy nhiên, việc áp mô hình TOD vào TP HCM cần phải xem xét bối cảnh đặc thù của địa phương, thậm chí của từng khu vực cụ thể, chứ không thể máy móc sao chép mô hình này được.

Việc áp dụng TOD mang đến nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc hỗ trợ phát triển đô thị về nhiều mặt, bao gồm cả tiềm năng huy động thêm nguồn tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng vốn đang còn nhiều hạn chế tại các đô thị Việt Nam nói chung, tại TP HCM nói riêng.

PGS-TS Phạm Văn Song, Giảng viên ĐH Việt Đức

Phát triển bất động sản để thúc đẩy GTCC

Mật độ dân số của TP HCM chỉ bằng 60% của Hong Kong, tuy nhiên tại Hong Kong metro đã giúp giải quyết tình trạng kẹt xe. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng kẹt xe cần phát triển bất động sản kế bên các dự án GTCC và đây cũng là nguồn tài chính để xây dựng GTCC. Khi có các dự án bất động sản liền kề thì sẽ có lượng lớn người dân sử dụng GTCC.

Ông Sam Chow, cố vấn cao cấp, Giám đốc quy hoạch giao thông Arup

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.