Chiếc áo ngực trong đám cháy

Sau vụ cháy lớn tại quán karaoke trên đường Nguyễn Khang (Hà Nội), chi tiết được nhắc đến nhiều nhất không phải là nguyên nhân hay thiệt hại, mà là chiếc áo ngực.

Đó là chiếc áo ngực trong một tấm ảnh xuất thần được lan truyền trên mạng xã hội như sự lột tả chân thực và ấn tượng nhất về vụ hỏa hoạn. Chiếc áo ngực được một cô gái dùng để bịt kín miệng mũi trong trạng thái hoảng loạn và hớt hải khi vừa thoát ra khỏi biển lửa khói nghi ngút sau lưng.

Sau lưng cô, trong tấm ảnh, là một người đàn ông ở trần đang không kém phần dáo dác, và những người phụ nữ trẻ trang phục xộc xệch đang bước thấp bước cao thoát khỏi ngọn lửa bập bùng.

Chiếc áo ngực đã trở thành chiếc mặt nạ chống ngạt hữu hiệu, giúp cô gái tự cứu mình khỏi một tình thế sinh tử.

Nhiều người khen cô thông minh, nhanh trí. Như cô gái giãi bày trên trang cá nhân: những người đàn ông cởi áo, tẩm nước và áp vào mũi để chống ngạt. Còn phụ nữ, không thể cởi váy úp lên mặt mà chạy ra đường.

Thế nhưng, có lẽ vì chiếc áo ngực là một vật dụng “nhạy cảm”, xuất hiện trong một bối cảnh “nhạy cảm”, ở một nơi “nhạy cảm” nên nó đã gây sự chú ý đặc biệt, là chủ đề tranh cãi tưng bừng trên mạng xã hội.

chiec ao nguc trong dam chay
Bức ảnh dấy lên cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội cuối tuần qua.

Trong hàng nghìn bình luận về chiếc áo ngực xuất thần ấy, có không ít bỉ bôi, mai mỉa. Về nhân cách, đạo đức. Về cái nghề của cô gái ấy. Thậm chí, có người còn hào hứng đặt câu hỏi đại ý là “cái ngữ ấy” sao không chết luôn trong đám cháy, mà còn “dám” mở mồm về thế thái nhân tình???!!!.

Xưa nay, các xã hội đều được quản lý và điều chỉnh hoặc tự điều chỉnh bởi ba công cụ chính: pháp luật, tôn giáo và đạo đức.

Pháp luật là công cụ mạnh nhất, rõ ràng nhất, thể hiện tường khoản tường điều, tỏ đúng tỏ sai.

Tôn giáo là đức tin, hướng con người tự điều chỉnh các hành vi thuận theo lời răn dạy của đấng tối cao.

Còn đạo đức, là thứ khó định nghĩa, đong đếm hơn cả, thường được tham chiếu theo những chuẩn mực mà số đông tin là đúng đắn.

Và cũng bởi có nhiều điều không vi phạm pháp luật nhưng có vẻ trái chiều đạo đức, nên mới dễ tranh luận, cãi vã, phán xét.

Như cái nghề của cô gái trong tấm ảnh, pháp luật cũng coi đó là nghề “nhạy cảm”, dễ nảy sinh tệ nạn và các hành vi vi phạm pháp luật.

Nhưng, “nhạy cảm” không đồng nghĩa với vi phạm pháp luật. “Ngồi bàn” không đồng nghĩa với mại dâm. Các cơ quan chức trách khi đi kiểm tra các hàng karaoke, massage thường chỉ “bắt lỗi” ở các hành vi sử dụng lao động không đúng luật, phòng hát không đúng quy cách, kỹ thuật viên massage không đăng ký tạm trú…

Vì thế, những quan điểm xung đột về lựa chọn nhân cách, phẩm giá hay mưu sinh trong khuôn khổ pháp luật thường dễ thổi bùng lên tranh cãi không có điểm kết.

Nó cũng giống như chuyện tranh cãi giữa việc lột chiếc áo ngực úp lên mũi để không bị ngạt khói và việc người phụ nữ đoan chính là phải mặc áo ngực khi ra đường trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tôi thích và đồng cảm với góc nhìn của một nữ tiến sĩ trẻ sống ở Hà Lan, Nguyễn Phương Mai khi chị chia sẻ trên trang cá nhân về sự việc này.

“Năm 2002, trong một vụ cháy trường học ở Saudi, các em học sinh nữ nháo nhào chạy thoát thân. Trong khi đó ở các lối ra vào, một số thầy tu tôn giáo đã ngăn cản các cô bé KHÔNG CHO các em vượt ra ngoài vì trong lúc vội vàng tìm cách thoát chết, các em quên ,..mang khăn trùm đầu.

Hậu quả là 15 nạn nhân chết ngạt. Đây là chuyện xảy ra ở vương quốc dầu hoả cực đoan nhất quả đất, nơi phụ nữ mới có quyền bầu cử năm ngoái, không được phép lái xe, ra ngoài phố hay đi nước ngoài hoặc mở tài khoản đều phải có đàn ông cho đi kèm hoặc cho phép.

Giáo lý cực đoan của Saudi (Wahhabism) cũng là nền móng cho các phần tử cực đoan và bạo lực Hồi giáo, điển hình là IS”.

Facebook Nguyễn Phương Mai đặt câu hỏi nặng trĩu: Hay các bạn cho rằng cứ làm việc ở quán karaoke thì người ta không có quyền được sống? Nếu họ chết cháy thì các bạn cho là đáng đời, còn khi họ thoát chết thì thành tấn trò cười cho các bạn?

Có một thực tế phũ phàng, dù các cuộc tranh cãi chưa bao giờ ngớt, rất nhiều cô gái vẫn chọn mưu sinh bằng cách “ngồi bàn” hưởng tiền tip, rất nhiều quý ông vẫn muốn có một cô gái xinh đẹp ngồi bên trong các cuộc đàn đúm bạn bè hay tiếp khách khứa. Các cô gái dù đoan chính hay lẳng lơ vẫn sẽ chọn cách tự cứu mình bằng chiếc áo ngực khi đối mặt với lựa chọn sinh tồn.

Đôi khi, cuộc sống không chiều lòng những nhà đạo đức.

Bớt đi một lời phán xét, ta có thêm một cơ hội nhìn thấy cuộc sống muôn màu này một cách chân thực hơn, như cách mà nó vốn dĩ đang diễn ra.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.