Chiếm dụng, chuyển đổi công năng công viên, vườn hoa: Xử lý nghiêm, hoàn trả đúng mục đích

Trong khi người dân Thủ đô đang thiếu diện tích công viên, cây xanh thì tại một số công viên lớn, một phần đất công viên lại đang được sử dụng làm nhà hàng, quán nhậu. Trước tình hình đó, ngày 8/7/2019, UBND thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp hiện trạng và xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục, hoàn trả đúng mục đích.
Chiếm dụng, chuyển đổi công năng công viên, vườn hoa: Xử lý nghiêm, hoàn trả đúng mục đích - Ảnh 1.

Nhà hàng “Thế giới hải sản” nằm trong khuôn viên Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

Nhà hàng mọc trên đất công viên

Theo rà soát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng), hiện có hàng chục trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích tại 27 công viên, vườn hoa, khu đô thị trên địa bàn thành phố...

Đi trên phố Đào Tấn (quận Ba Đình), rất dễ nhận thấy nhà hàng "Thế giới hải sản" với biển quảng cáo khá to trên đất của Công viên Thủ Lệ. Công trình phục vụ kinh doanh của nhà hàng hải sản này được xây dựng khá kiên cố, 2 tầng, bên trong được chia thành nhiều phòng...

Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội (Vườn thú Hà Nội) cho biết việc quản lý, cho thuê nhà đất để kinh doanh tại đây đã được UBND thành phố phê duyệt (năm 1997). Năm 1998, Kiến trúc sư trưởng thành phố cấp phép xây dựng sân tenis và nhà phụ trợ. Năm 2005, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng cải tạo công trình nhà phụ trợ. 

Tuy nhiên, trước bất cập về công trình kinh doanh trên đất công viên, năm 2010, Vườn thú Hà Nội đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Him Lam BC xin chuyển đổi xây dựng bãi đỗ xe ngầm, mặt đất trồng cây xanh và đã được UBND thành phố chấp thuận về nguyên tắc và chủ trương. 

Ngày 5/4/2018, UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại đây. Khi hoàn thành xây dựng bãi đỗ xe ngầm, sẽ không còn các công trình trên.

Về phía quận Ba Đình, Chủ tịch UBND quận Đỗ Viết Bình cho biết, theo phân cấp, nhà hàng trên thuộc khuôn viên đất Công viên Thủ Lệ, thuộc thẩm quyền quản lý của Vườn thú Hà Nội. Trước yêu cầu về xử lý chiếm dụng, chuyển đổi công năng tại các công viên, vườn hoa, quận sẽ phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, nếu vi phạm sẽ xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền quận sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của thành phố.

Trên thực tế, việc xử lý lấn chiếm, chiếm dụng, chuyển đổi công năng sử dụng đất công viên, vườn hoa không phải mới được thành phố đặt ra trong những năm gần đây. Đã có một số trường hợp bị xử lý, giải tỏa, trả đất công viên về đúng nghĩa, như: Nhà hàng Gió Mới (tại Công viên Thống Nhất), Khu trưng bày, bán cây cảnh của Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng Long tại Công viên Indira Gandhi (quận Ba Đình)...

Để việc quản lý công viên, vườn hoa hiệu quả, ngày 9-3-2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 1640/QĐ-UBND phê duyệt danh mục công viên, vườn hoa, thảm cỏ thành phố quản lý sau đầu tư. Theo đó, có 14 công viên, 35 vườn hoa tại 9 quận được bàn giao về Sở Xây dựng tiếp nhận quản lý.

Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng đô thị cho biết: Đã có một số trường hợp công trình chuyển đổi công năng sử dụng đất tại một số công viên, vườn hoa không được các quận bàn giao đồng bộ như: Quán bi-a trong Công viên Indira Gandhi (quận Ba Đình), quán cà phê trong Công viên Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), quán cà phê tại Vườn hoa Ngọc Lâm (quận Long Biên).

Cuối tháng 8-2017, Sở Xây dựng đã có công văn gửi các quận có liên quan thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố, khẩn trương giải quyết những tồn tại đối với các hạng mục công trình đang sử dụng đất công viên vào mục đích kinh doanh dịch vụ, hoàn tất việc bàn giao để Ban Duy tu các công trình đô thị, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội quản lý, duy trì hoạt động công viên, vườn hoa theo quy định...

Chậm báo cáo, xử lý

Nhieu-nha-hang%2C-sieu-thi-xa

Nhiều nhà hàng, siêu thị trong Công viên Tuổi Trẻ (quận Hai Bà Trưng) vẫn hoạt động từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, sau 2 năm kiên trì đôn đốc, yêu cầu giải quyết dứt điểm tồn tại, đến nay mới chỉ có 2 trường hợp được xử lý. Cụ thể, tháng 4/2019, quận Hà Đông hoàn thành giải tỏa quán cà phê trong Công viên Nguyễn Trãi; tháng 6/2019, quận Long Biên hoàn thành giải tỏa quán cà phê tại Vườn hoa Ngọc Lâm; bàn giao hoàn chỉnh các công viên, vườn hoa này về Sở Xây dựng quản lý.

Trong khi đó, với tồn tại ở Công viên Indira Gandhi (nhà bi-a diện tích khoảng 328m2), ông Trần Anh Tuấn cho biết, UBND quận Ba Đình báo cáo công trình này đã có từ trước khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn giao, không có thủ tục pháp lý chuyển đổi hình thức sử dụng đất. 

Năm 2017, Sở Xây dựng đã tiếp nhận nguyên trạng công viên từ quận Ba Đình để quản lý, duy trì, nhưng không gồm công trình trên. Dù đã có các văn bản đôn đốc, đề nghị UBND quận Ba Đình xử lý công trình trên để hoàn thành bàn giao, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả.

Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ, việc xử lý các vi phạm tại các công viên, vườn hoa không đơn giản, bởi hầu hết đã tồn tại từ nhiều năm trước. Có trường hợp được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, giao đất có thời hạn (Công viên Thủ Lệ, Vườn hoa Ngọc Lâm); có trường hợp liên quan đến tài sản của doanh nghiệp (nằm trong phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất và phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa).

Trước tình hình đó, ngày 8-7-2019, UBND thành phố có văn bản 2834/UBND-ĐT yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp hiện trạng sử dụng các công viên, vườn hoa. 

Qua đó, đánh giá xác định các trường hợp lấn chiếm, chiếm dụng công viên, vườn hoa, chuyển công năng sử dụng để làm nhà hàng, quán cà phê, khu vui chơi giải trí không đúng quy định; có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm, khắc phục, hoàn trả, sử dụng đúng mục đích, báo cáo kết quả về Sở Xây dựng trước ngày 20/7/2019; giao Sở Xây dựng đôn đốc, tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trước ngày 31/7/2019. Điều đó thể hiện quyết tâm mới của thành phố trong việc xử lý những tồn tại cũ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Trà, Phó Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật (Sở Xây dựng), đến hết ngày 31/7, Sở mới nhận được 15 báo cáo của 7 quận (Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Tây Hồ) và 8 huyện (Sóc Sơn, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mê Linh, Thanh Trì). Các báo cáo đều cho biết không có tình trạng bị lấn chiếm, chiếm dụng, chuyển đổi công năng sử dụng làm nhà hàng, quán cà phê không đúng quy định.

Về giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục kiến nghị UBND thành phố giao Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo Thanh tra Sở kiểm tra, đôn đốc, xử lý các trường hợp vi phạm không đúng với quy định về quản lý công viên, vườn hoa. Đồng thời, chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị quản lý công viên, vườn hoa trên địa bàn, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị trong các công viên, vườn hoa.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.