Chiến lược giảm dần 20.000 tỷ đồng nợ vay của CII

Phó Tổng Giám đốc CII Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ một số thông tin về nguồn vốn doanh nghiệp tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường.

Sáng nay (ngày 17/10), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2 năm 2023. 

Tại sự kiện này, Phó Tổng Giám đốc CII, bà Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ với cổ đông về tình hình nguồn vốn tài sản của công ty, theo đó, trong vòng 5 năm qua, tổng tài sản của CII đã tăng từ 20.000 tỷ đồng lên gần 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của CII trong suốt thời gian vừa rồi gần như không tăng, ở mức 2.800 tỷ đồng.

Số tài sản tăng trên chủ yếu đến từ vốn vay do công ty huy động để đầu tư vào các dự án chứ không phải huy động từ cổ đông. 

Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết,  CII là một công ty niêm yết, khi đầu tư vào một dự án hạ tầng thì thời gian xây dựng ban đầu có thể rất dài và chưa đem lại doanh thu, lợi nhuận. Nếu công ty sử dụng nguồn vốn từ cổ đông sẽ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của công ty, bởi khi tài sản tăng, chi phí tăng, vốn điều lệ tăng nhưng lại không có doanh thu lợi nhuận. Do đó ban lãnh đạo công ty chọn giải pháp đầu tư các dự án này bằng vốn vay .

Đây cũng là lý do tỷ lệ vốn vay/vốn chủ của CII đang ở mức cao (2,2 lần).

Bà Nguyễn Quỳnh Hương cho biết thêm, các ngân hàng cũng chấp nhận tài trợ cho CII vay. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro nhất định về sự chậm trễ trong quá trình đầu tư. Điều này có thể do quá trình giải phóng mặt bằng đền bù giải tỏa lâu, dẫn đến đến thời gian xây dựng và việc hoàn vốn sẽ dài hơn, từ đó ảnh hưởng tới tính khả thi của một dự án.

“Khi chúng ta đi vay thì mỗi một dự án đầu tư hạ tầng thi công ty sẽ xây dựng trong thời gian từ 3 - 5 năm. Sau đó đưa vào thu phí hoàn vốn thì cũng sẽ mất từ 10 - 15 năm mới có thể hoàn lại toàn bộ cái phần vốn đó.

Có nghĩa là, vòng đời trung bình của một dự án sẽ từ 10 - 15 năm hoặc có thể dài hơn. Không một tổ chức tài chính hoặc ngân hàng nào có thể chấp nhận cho chúng ta vay một thời hạn dài như vậy, vì nó quá rủi ro. Các nguồn vay từ ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính thường chỉ nằm trong tầm trung hạn là từ 3 - 5 năm”, bà Hương nói.

Đó là một vấn đề bất cập đối với CII dẫn đến áp lực tài chính lớn cho công ty trong giai đoạn mà công ty đầu tư xây dựng.

Theo CII thống kê, 46% trong tổng nợ vay của công ty đều có thời hạn ngắn hơn 1 năm, 33% vay có thời hạn từ 2 - 5 năm, chỉ có 23% số vốn vay có thời hạn trên 5 năm.

Như vậy, có thể thấy CII đang vay với một thời hạn ngắn để có thể tài trợ cho các dự án đường dài.

Các khoản vay trên tạo ra những áp lực tài chính nhất định cho CII. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại CII đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do những dự án lớn như Xa lộ Hà Nội đã về đích, đã đưa vào thu phí hoàn vốn cho thấy hiệu quả rất lớn.

“Thời điểm này là thời điểm tốt nhất để chúng ta có thể chuyển từ cơ cấu vốn vay sang cơ cấu vốn chủ”, Phó Tổng Giám đốc CII chia sẻ.

Về việc tăng vốn chủ sở hữu cụ thể, bà Hương cho biết, hiện tại tổng tài sản của CII quanh mức 30.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 20.000 tỷ đến từ vốn vay và khoảng 8.000 tỷ đồng là vốn tự có bao gồm vốn chủ, lợi nhuận chưa chia và vốn góp của cổ đông thiểu số.

Trong 20.000 tỷ đồng mà công ty đang đi vay, CII sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu để tăng tỷ lệ vốn lên, khi đó, CII sẽ chuyển từ vốn vay thành vốn chủ.

Các dự án mà công ty đầu tư đã xây dựng xong và thu phí hoàn vốn, lợi nhuận và doanh thu của các dự án rất rõ ràng và khả năng hoàn vốn cũng cao.

Do đó, thay vì công ty đi thu phí và trả nợ cho ngân hàng thì CII có thể chuyển phần vốn đó thành vốn cổ phần bằng cách tăng vốn điều lệ thông qua phát hành trái phiếu cho cổ đông.

Vì vậy, tiền thu được từ các dự án sẽ được dùng để trả cổ tức cho cổ đông hoặc trả trái tức cho cổ đông và trái chủ.

Cũng theo bà Hương, nếu CII thành công trong việc phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi thì tỷ lệ đòn bẩy, tức tỷ lệ nợ/vốn chủ sẽ giảm từ 2,2 lần xuống còn 1,1 lần ở cuối năm 2024.

Nếu thực hiện thành công sẽ giúp CII giảm thiểu áp lực tài chính của công ty trong ngắn và trung hạn. Bên cạnh đó, công ty sẽ có nguồn tiền ổn định và đều đặn để trả cổ tức cho cổ đông từ nguồn thu phí và nó sẽ nâng cao sức khỏe tài chính của CII để có thể sẵn sàng đón các cơ hội đầu tư mới.