Cổ đông giục CII chia cổ tức

Tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 của CII vừa được tổ chức, lãnh đạo công ty chia sẻ, do tình hình chung khó khăn, vì vậy, kết quả kinh doanh quý III và cả năm 2023 của CII thì có thể không đạt được kỳ vọng.

Sáng nay (ngày 17/10), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường 2023 lần 2, sau lần đầu tổ chức bất thành do không đủ số cổ đông tham dự.

Theo đó, tính tới 9h00 ngày 17/10, số đại biểu có mặt và đăng ký tham dự đại hội là 95 đại biểu sở hữu và đại diện cho 96,9 triệu, chiếm tỷ lệ 34,13% trên tổng số cổ phần được quyền biểu quyết, căn cứ theo điều lệ công ty và quy định của pháp luật thì đại hội bất thường lần 2 được đủ điều kiện tiến hành.

Tại đại hội lần này, cổ đông công ty đã thông qua các định hướng phát triển chiến lược của CII trong giai đoạn 2024 - 2030, bao gồm cho phép công ty bố trí ngân sách để đẩy mạnh nghiên cứu 6 dự án BOT mới với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, cổ đông công ty cũng thông qua phương án mở rộng sang lĩnh vực mới, theo đó CII dự kiến sẽ mở rộng sang lĩnh vực hạ tầng y tế (bất động sản y tế chứ không phải lĩnh vực y tế). 

Công ty cho biết, đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện tên tuổi tại TP HCM, bao gồm khối nhà nước và tư nhân, để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế đặt tại các khu vực cửa ngõ kết nối TP HCM với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến cao tốc để bệnh nhân ngoại tỉnh có thể thuận tiện di chuyển, đồng thời giảm tải cho những khu vực khám nội thành.

Ngoài ra, tại đại hội lần này, công ty cũng trình cổ đông thông qua phương án đẩy mạnh công tác tái cơ cấu nguồn vốn với tổng giá trị là 7.000 tỷ đồng.

Trong đó, CII đang làm việc với một số tổ chức tài chính quốc tế được Fitch xếp hạng tín dụng AA- để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu mà công ty dự kiến phát hành với tổng giá trị gần 2.400 tỷ đồng và thời hạn trên 10 năm. Theo đó, các trái phiếu của CII sẽ có xếp hạng tín dụng tương đương với tổ chức quốc tế bảo lãnh.

CII cũng dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với thời hạn 10 năm với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng. Trước mắt, công ty đang làm việc với Uỷ ban Chứng khoán về hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt 1 với giá trị phát hành khoảng 2.840 tỷ đồng. 

Thảo luận: 

- Đề nghị Hội đồng quản trị (HĐQT) CII xem xét cẩn trọng tính khả thi, hiệu quả kinh tế của từng dự án để quyết định việc bố trí ngân sách, nghiên cứu các dự án gắn với việc đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh hằng năm của CII, tránh việc đầu tư dàn trải không hiệu quả, đảm bảo việc CII thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn và việc chi trả cổ tức cho cổ đông đúng nghị quyết của ĐHĐCĐ.

Tổng Giám đốc (TGĐ) CII, ông Lê Quốc Bình chia sẻ: Việc xem xét cẩn trọng trong đầu tư và đảm bảo khả năng thanh khoản của CII, nếu dựa theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty thì có một số dự án nằm trong thẩm quyền quyết định của HĐQT. Tuy nhiên, HĐQT trình xin cổ đông thông qua chủ trương nghiên cứu đầu tư, điều này thể hiện sự thận trọng của HĐQT công ty đổi với các dự án đầu tư mới.

 Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII trả lời câu hỏi của cổ đông. (Ảnh: TN).

“Các dự án mà CII trình là các dự án có quy mô rất lớn, vốn đầu tư hàng nghìn tỷ, do đó, chỉ cần một bước sai là chúng ta sẽ sa lầy, cho nên, việc xem xét cẩn trọng luôn luôn được HĐQT đưa lên hàng đầu. Tương tự như vậy, việc đảm bảo thanh khoản, việc chi trả cổ tức thì cũng được HĐQT đưa lên hàng đầu”, ông Bình cho biết.

Ông Bình nói thêm, việc nghiên cứu đầu, đánh giá tính khả thi để tư các dự án luôn được HĐQT công ty xem xét thận trọng và chi tiết.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư BOT, chỉ có vài dự án có khả năng hoàn vốn, chủ yếu là dự án của CII. Các dự án khi nhà nhà đầu tư, người người đầu tư, công ty đã chọn vài dự án để làm, chỉ dự án có tính khả thi, mới thực hiện, đây là tính xuyên suốt trong hơn 20 năm qua.

- Đề nghị HĐQT CII phát hành cổ phiếu thưởng theo đúng nghị quyết đã công bố trước đó.

Về việc phát hành cổ phiếu thưởng, ông Bình cho biết, việc phát hành sẽ được thực hiện nay sau khi công ty phát hành xong cổ phiếu chuyển đổi.

- Tình hình KQKD quý III của công ty?

Ông Bình chia sẻ, các hồ sơ pháp lý dự án bất động sản gần như không có dự án nào chạy được, hai lĩnh vực chính của công ty là hạ tầng và bất động sản bị ảnh hưởng, vì vậy, khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

“Cả thị trường chưa tốt, công ty cũng không tránh khỏi, nằm ngoài khả năng của ban lãnh đạo”, ông Bình nói thêm.

 Cô đông đặt câu hỏi tại đại hội (Ảnh: TN).

- Việc TGĐ và vợ bán cổ phiếu thì việc ban lãnh đạo không cầm cổ phiếu đem lại rất nhiều rủi ro cho cổ đông. Xin lãnh đạo giải thích thêm, việc lãnh đạo bán cổ phiếu mua trái phiếu thì đã chuyển từ cổ đông thành chủ nợ.

Ông Bình cho hay, cổ đông đang nhầm lẫn lớn giữa cổ đông và chủ nợ. Thực ra, trái phiếu chuyển đổi là cổ đông, nếu trường hợp xấu mà phải xử lý tài sản thì sở hữu trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu như nhau.

Đây là khoản đầu tư của ông, mua cổ phiếu hay trái phiếu cũng là khoản đầu tư vào CII và cũng là khoản đầu tư dài hạn, dù là cổ phiếu hay trái phiếu cũng là cổ đông của công ty.

- Các dự án cũ hiện chưa mang lại hiệu quả rõ ràng, thể hiện rõ thông qua BCTC đó là lợi nhuận chưa được tốt và dư nợ rất nhiều thì công ty có nên đầu tư dự án mới không vì hiện tại mang nhiều rủi ro cho cổ đông trong khi vốn của doanh nghiệp có ít nhưng tổng quy mô dự án lớn.

Tổng Giám đốc công ty cho biết, hiện tại công ty đang áp dụng chuẩn mực kế toán VAS thì không phù hợp với đặc thù của dự án BOT của CII, nhưng công ty cũng không có chuẩn mực nào thay thế.

Hiện nay, lợi nhuận hằng năm của công ty phản ảnh không chính xác vì các năm đầu dự án chi phí lãi vay của công ty rất lớn nhưng doanh thu lại rất nhỏ, sang các năm sau khi dự án BOT thì chi phí lãi vay nhỏ, doanh thu sẽ tăng theo lưu lượng và tăng theo giá vé cho nên doanh thu lớn.

Hiện, công ty đã thuê người để chuyển đổi phương án sử dụng chuẩn mực kế toán IFRS, khi đó sẽ nhận thấy dòng tiền và sức khoẻ thực sự của công ty.

“Ngay bây giờ không bắt tay đầu tư dự án mới, thì 3 năm tới sẽ thiếu dự án mới, vì vậy, sẽ tiếp tục đầu tư dự án mới”, ông Bình nhấn mạnh.

- Đề nghị nhanh chóng thực hiện dự án, cũng như trả cổ tức cho cổ đông.

Theo ông Bình, các dự án mà công ty đề xuất khả năng phải sang năm 2025 mới có đấu thầu chọn nhà đầu tư, công ty từ thời điểm hiện tại đã bắt tay nghiên cứu.

Về việc chia cổ tức bằng tiền, khi nào hoạt động kinh doanh đảm bảo thanh toán đúng và đầy đủ các khoản nợ đúng hạn mới được chia cổ tức cho cổ đông. Áp lực tài chính, áp lực về tiền để đưa các công trình về đích nên các năm trước không trả cổ tức, năm nay đã phát hành trái phiếu chuyển đổi, công ty có dòng tiền ổn định hơn nên sẽ tự tin trả cổ tức 4% vào đầu quý.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.