CII muốn huy động gần 7.000 tỷ từ trái phiếu

CII đang làm việc với một số tổ chức tài chính quốc tế để bảo lãnh thanh toán cho 2.400 tỷ đồng trái phiếu dự kiến sắp phát hành. Doanh nghiệp cũng có kế hoạch phát hành 4.500 tỷ trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII) vừa công bố các tài liệu cho kỳ họp Đại hội đồng cổ đồng (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023 lần 2 dự kiến được tổ chức vào ngày 17/10 tới đây.

Theo đó, CII cho biết, công ty đã hợp tác thành công với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước như Vietcombank, VPBank, Vietinbank, GuarantCo,... để bổ sung các khoản tín dụng mới với thời hạn dài hơn, tương đương với thời gian vận hành thu phí của các dự án BOT đồng thời điều phối một cách hợp lý dòng tiền ròng thu hồi từ các dự án.

Về kế hoạch trong thời gian tới, theo CII, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu nguồn vốn với tổng giá trị là 7.000 tỷ đồng.

Trong đó, CII đang làm việc với một số tổ chức tài chính quốc tế được Fitch xếp hạng tín dụng AA- để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu mà công ty dự kiến phát hành với tổng giá trị gần 2.400 tỷ đồng và thời hạn trên 10 năm. Theo đó, các trái phiếu của CII sẽ có xếp hạng tín dụng tương đương với tổ chức quốc tế bảo lãnh.

CII cũng dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với thời hạn 10 năm với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng.

Trước mắt, công ty đang làm việc với Uỷ ban Chứng khoán về hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt 1 với giá trị phát hành khoảng 2.840 tỷ đồng. 

Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 19/9, ban lãnh đạo CII thông tin tới cổ đông, kỳ vọng cuối tháng 9 này có giấy phép phát hành và tháng 11 có thể tiến hành.

Tương tự như tài liệu đã công bố trước đó, trong đại hội sắp tới, CII cũng dự kiến trình cổ đông thông qua  tờ trình về định hướng phát triển chiến lược giai đoạn 2024 - 2030. 

CII cho biết, việc công ty nhanh chóng nghiên cứu và đề xuất các dự án BOT theo Nghị quyết 98 của Quốc hội sẽ giúp công ty có được lợi thế nhà đầu tư đi trước và có thêm thời gian đánh giá tính khả thi, cũng như lựa chọn dự án phù hợp với quy mô hoạt động của CII.

Theo đó, công ty sẽ bố trí ngân sách để đẩy mạnh nghiên cứu 6 dự án BOT mới với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng. 

Các dự án theo danh mục mà công ty đề ra gồm dự án Cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2 (vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng); dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP HCM (19.059 tỷ đồng); dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An (11.982 tỷ đồng); dự án nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng – Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm – Nguyễn Hữu Cảnh (10.108 tỷ đồng); dự án nâng cấp mở rộng trục Bắc Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ) đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành (6.625 tỷ đồng) và dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường cao tốc TP HCM – Trung Lương (5.048 tỷ đồng).

Cùng với đó, CII cũng dự kiến trình cổ đông thông qua phương án cho phép CII bố trí ngân sách để nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực mới là hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.