Theo kế hoạch, sáng nay (ngày 19/9), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023, song bất thành do không đủ số cổ đông tham gia.
Tại sự kiện này, Tổng Giám đốc CII, ông Lê Quốc Bình chia sẻ với cổ đông, sáng nay, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM cũng họp nội dung thông qua danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, bao gồm 5 dự án là dự án mở rộng Quốc lộ 22, dự án mở rộng Quốc lộ 13, dự án đường Bình Tiên, dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ và dự án mở rộng Quốc lộ 1A từ nút giao An Lạc đến giáp ranh Long An.
Đối với CII, công ty cũng đề xuất 4 dự án đến TP HCM.
Dự án thứ nhất là mở rộng Quốc lộ 22, thay vì từ ngã tư An Sương An Lạc ra đến Vành đai 2 (dài 19,7 km), CII đề xuất kéo dài đường đó từ Vành đai 2 về đến công viên Hoàng Văn Thụ. Đoạn từ công viên Hoàng Văn Thụ ra đến đường Trường Chinh sẽ làm đường trên cao, sau khi đáp xuống đường Trường Chinh, dọc theo đường Trường Chinh đến các nút giao thì sẽ làm hầm.
Như vậy, bắt đầu từ công viên Hoàng Văn Thụ ra đến Vành đai 2 dài khoảng 17 km sẽ không có cột đèn xanh đèn đỏ nào. Tổng mức đầu tư của dự án ước tính sẽ khoảng 19.000 tỷ đồng.
Dự án thứ hai là kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đi đến sân bay Long Thành, thông qua hai trục đường. Trục đường thứ nhất là từ Phạm Văn Đồng - Ung Văn Khiêm - cầu Sài Gòn để kết nối về trung tâm quận 1, tương tự như dự án Quốc lộ 22 là sẽ xây một số hầm chui, cầu vượt để đảm bảo từ sân bay Tân Sơn Nhất về đến quận 1 không có đèn xanh đèn đỏ.
Trục thứ hai từ Phạm Văn Đồng nối tiếp ra Vành đai 2, kết nối bằng ngã tư Bình Thái, Gò Dưa ra Xa lộ Hà Nội, kết nối vào cao tốc để ra sân bay Long Thành, cũng không có đèn xanh đèn đỏ.
Dự án thứ ba là dự án đường Nguyễn Hữu Thọ do quy hoạch Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất, tuy nhiên dự án Nguyễn Hữu Thọ của CII làm hầm chui, thay vì làm đường trên cao, sẽ giúp kết nối được các khu dân cư và các tuyến đường.
Dự án thứ tư là dự án từ nút giao An Lạc đến giáp ranh Long An thì cũng theo quy hoạch thành phố.
Bên cạnh đó, CII cũng có đề xuất dự án thứ 5 trên địa bàn TP HCM dài 12 km, từ đường dẫn cao tốc TP HCM - Trung Lương một bên nối vào nút giao Bình Thuận (cuối tuyến Nguyễn Văn Linh), một bên nối vào nút giao Tân Tạo để mở rộng đường đó, tạo ra một cửa ngõ thông suốt từ TP HCM về miền Tây.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về khả năng trúng thầu của CII, Tổng Giám đốc công ty, ông Lê Quốc Bình cho biết, ”Rủi ro chúng ta không trúng thầu cũng có, nhưng nếu thành phố đưa ra một tiêu chí gắt gao để loại bỏ những nhà thầu mang tính chất tự ôm dự án rồi bỏ thì khả năng trúng thầu của chúng ta là rất cao”.
Ngoài các dự án hạ tầng, trong kế hoạch dự kiến trình tại ĐHĐCĐ bất thường này, công ty cũng cho biết kế hoạch tham gia vào lĩnh vực hạ tầng y tế.
Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình khẳng định, công ty không tham gia vào bất động sản mà là khai thác lợi thế bất động sản hình thành từ các dự án hạ tầng. Đối với lĩnh vực hạ tầng y tế, công ty sẽ tham gia vào mô hình “khách sạn bệnh viện” và “cư trú bệnh viện”. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ khai thác khối đế của các dự án chung cư hiện hữu để làm phòng khám.
Công ty đã dự kiến thực hiện tại dự án NBB II, nằm trên đường Võ Văn Kiệt nối dài, kết nối TP HCM và miền Tây. Công ty đang hướng đến dùng khối đế 4 tầng của dự án này để tổ chức hệ thống phòng khám, liên kết với các bệnh viện có quy mô lớn, đồng thời dành một block chung cư để làm căn hộ cho thuê cho người tới khám.
Ngoài ra, khi công ty thực hiện các dự án mở rộng hạ tầng giao thông, làm các trục nối TP HCM với các khu vực khác, công ty sẽ tìm kiếm các quỹ đất để thiết kế các hệ thống phòng khám để đón đầu phục vụ y tế cho người dân đổ về TP HCM.
Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều. Công ty chỉ khai thác các quỹ đất hiện có và phát triển dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng.