Nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử, ông sẽ phải đối phó với tác động địa chấn của Tổng thống Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 4 năm qua.
Chính quyền ông Trump có lập trường chống lại Trung Quốc về mọi thứ, từ thương mại, công nghệ và đại dịch cho đến Biển Đông. Ông Trump cũng gây căng thẳng với các đồng minh châu Á bằng cách đe dọa giảm số lượng quân của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời xây dựng mối quan hệ trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Nikkei Asia đã xem xét toàn diện về tác động của Tổng thống Biden đối với châu Á. Dưới đây là những điểm chính:
Chiến dịch tranh cử của ông Biden nói rằng cựu phó tổng thống sẽ dẫn dắt Mỹ "giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chống lại Trung Quốc trong tương lai".
Ông Biden cam kết sẽ mạnh tay đầu tư vào công nghệ mới theo chương trình "Mua hàng Mỹ". Kế hoạch này bao gồm chi 300 tỉ USD cho hàng loạt công nghệ, từ xe điện cho đến 5G và trí tuệ nhân tạo – những lĩnh vực mà Trung Quốc đang đạt được thành công nhanh chóng.
Chiến dịch tranh cử của ông Biden cung cấp ít chi tiết về những biện pháp ông sẽ sử dụng để đối đầu với công nghệ Trung Quốc. Ông Biden cũng không nói rõ liệu có giữ những lệnh trừng phạt nặng nề với các công ty trong danh sách đen như Huawei hay không. Tuy nhiên, một số manh mối có thể được rút ra từ các cố vấn của ông.
Trong bài báo đăng trên tờ Foreign Policy năm 2019, cựu nhà ngoại giao Kurt Campbell và cố vấn Jake Sullivan của ông Biden viết rằng họ ủng hộ "tăng cường hạn chế đối với dòng chảy đầu tư từ Mỹ tới Trung Quốc và ngược lại".
Ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế kì vọng ông Biden sẽ kết hợp giữa hợp tác, áp lực và liên kết nhiều hơn với các nước khác để đối phó với Trung Quốc.
Ông Biden cũng có thể sử dụng các chiến lược tương tự như chính quyền ông Trump, ví dụ như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư, nhưng cách thực hiện sẽ rất khác.
Ông Biden muốn làm việc với các đồng minh của Mỹ để gây áp lực tập thể lên Bắc Kinh.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến kinh tế toàn cầu đánh mất hàng tỉ USD. Bất chấp thỏa thuận giai đoạn một, thuế quan trung bình Mỹ đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là 19,3%; cao hơn gấp 6 lần so với trước khi xung đột nổ ra năm 2018, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Mức thuế trung bình của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ là 20,3%.
Ông Edward Alden, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết: "Tôi nghĩ rằng chính quyền Biden sẽ tập trung hơn vào vấn đề Trung Quốc và làm việc chặt chẽ hơn với đồng minh. Biden sẽ thận trọng trong việc sử dụng thuế quan, nhưng thuế quan khó có thể được dỡ bỏ ngay lập tức."
Ông Biden gọi thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Bắc Kinh là "hứa suông" vì các vấn đề nổi trội nhất vẫn chưa được giải quyết, ví dụ như trộm cắp tài sản trí tuệ. Ông cam kết hợp tác với đồng minh của Mỹ để thay đổi hành vi của Trung Quốc.
Hầu hết các chuyên gia tin rằng cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi, nhưng cách chính quyền Mỹ xử lí nó là chìa khóa để thúc đẩy những thay đổi tích cực trong mối quan hệ hai nước.
Ông Clayton Dube, Giám đốc Viện Mỹ-Trung Quốc tại Đại học Southern California nói rằng bằng cách cho thấy "thay đổi mang lại lợi ích cho Trung Quốc và ngược lại", lãnh đạo Mỹ sẽ có nhiều khả năng khiến Bắc Kinh đồng ý với các yêu cầu của mình.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chính quyền ông Biden sẽ ngay lập tức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nếu đắc cử.
Ông Biden hầu như im lặng về TPP, vốn được chính quyền ông Obama ca ngợi nhưng bị phe tiến bộ của đảng Dân chủ chỉ trích gay gắt. Thay vào đó ông Biden kêu gọi đầu tư nội địa trước khi gia nhập các thỏa thuận thương mại lớn.
Bà Wendy Cutler, cựu Phó Đại diện Thương mại Mỹ nói rằng ông Biden sẽ cần xây dựng lại lòng tin ở châu Á và chứng minh rằng Mỹ muốn tham gia vào thương mại. Bà nhận định Mỹ có thể làm việc với các đồng minh đáng tin trong CPTPP về vấn đề lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.
Trong chuyến thăm Australia năm 2016, ông Biden thề Mỹ "sẽ đảm bảo các tuyến đường biển được an toàn và bầu trời vẫn rộng mở".
"Tôi cam đoan với các bạn nước Mỹ sẽ không rời đi. Mỹ sẽ ở lại Thái Bình Dương".
Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các liên minh của Washington nhằm khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ. Trong trường hợp Biển Đông, điều này có nghĩa là tiếp xúc nhiều hơn với các nước Đông Nam Á.
Ông Patrick Cronin, người đứng đầu bộ phận An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson cho biết cách tiếp cận của ông Biden sẽ không chỉ tập trung vào "khía cạnh đối đầu trong chính sách đối phó Trung Quốc" mà còn về "cách giải quyết các mối quan tâm cục bộ của các đồng minh và đối tác của Mỹ".
Ông Daniel Russel, trợ lí Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Obama nói rằng ông Biden sẽ tránh leo thang quân sự do các bên hiểu lầm ý nhau.
Ông Russel dự đoán nếu ông Biden thắng cử thì "Mỹ sẽ có một chiến lược an ninh quốc gia ... không chỉ bao gồm việc gửi tàu chiến. Chính sách này sẽ bao gồm ngoại giao, cam kết, tham gia với ASEAN và các diễn đàn khu vực".
Ông Biden muốn hợp tác với đồng minh – nổi bật nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia – thậm chí là cả Trung Quốc để gây sức ép buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Lập trường của ông Biden trái ngược với ông Trump. Theo hàng loạt báo cáo và cựu cố vấn an ninh John Bolton, ông Trump đã đe dọa rút quân khỏi hai đồng minh lâu năm là Nhật Bản và Hàn Quốc nếu hai nước này không trả thêm hàng tỉ USD.
Ông Cronin tại Viện Hudson cho biết: "Tôi nghĩ mối quan hệ của Mỹ với Hàn Quốc đang bị tổn thương". Ông cho rằng ông Biden sẽ sẵn lòng "làm việc và sử dụng một số ý chí chính trị để cải thiện mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản".
Về Bình Nhưỡng, Giáo sư khoa học chính trị Jennifer Lind cho rằng ông Biden sẽ sử dụng lại các phương pháp trước đó.
"Tôi kì vọng rằng Biden sẽ tuân theo cách tiếp cận lâu đời của Mỹ đối với Triều Tiên, đó là sự kết hợp giữa răn đe và các nỗ lực ngoại giao không thường xuyên", bà Lind nói.