Ứng cử viên Joe Biden: 47 năm lăn lộn chính trường và tầm nhìn mới cho nước Mỹ

Ứng cử viên Joe Biden là gương mặt kì cựu đã tham gia chính trường Mỹ suốt 47 năm. Ông đã đạt được nhiều thành tích lớn trong sự nghiệp của mình và đang tiến rất gần tới mục tiêu lớn nhất là trở thành tổng thống của siêu cường số một thế giới.
Con đường dài tiến tới đỉnh Nhà Trắng của ông Biden - Ảnh 1.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. (Ảnh: Politico).

Chiến công trong quá khứ

Ông Joe Biden tham gia vào chính trị từ khi còn trẻ và sớm đạt được thành công. Ông được bầu vào Thượng viện năm 1972 lúc mới 29 tuổi, là thượng nghị sĩ trẻ thứ 5 trong lịch sử Mỹ.

Khi ở trong Quốc hội, ông Biden tập trung vào quan hệ đối ngoại, tư pháp hình sự và chính sách chống ma túy. Ông hai lần làm chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và dẫn dắt Ủy ban Tư pháp từ năm 1987 đến 1995, theo trang Britannica

Trước khi tham gia cuộc đua tổng thống 2020, ông Biden đã hai lần tranh cử vào năm 1988 và 2008 nhưng không thu hút được nhiều sự ủng hộ.

Đến cuối tháng 8/2008, ông Obama chọn ông Biden làm ứng viên phó tổng thống của mình.Trên cương vị mới, Biden đóng vai trò tích cực trong chính quyền, là cố vấn có ảnh hưởng lớn đến ông Obama.

Ông Biden liên tục được ông Obama giao các nhiệm vụ quan trọng, chẳng hạn như thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ trong cuộc Đại Suy thoái, đàm phán ngân sách với các nhà lập pháp, dẫn đầu nhiều phái đoàn tới các điểm nóng quốc tế.

Đóng góp trong quá trình khôi phục kinh tế Mỹ từ cuộc khủng hoảng 2008 là một trong những thành tựu quan trọng nhất của ông Biden. Khi Tổng thống Obama kí Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư trị giá 800 tỉ USD vào tháng 2/2009, ông cảm ơn phó tướng của mình vì đã làm việc sau hậu trường để dự luật được Quốc hội chấp thuận. Ông Obama tiếp tục giao cho ông Biden việc giám sát việc thi hành đạo luật.

Ông Biden làm việc một cách chăm chỉ, điện đàm với thống đốc và thị trưởng lưỡng đảng mỗi tuần. 

"Phó Tổng thống nhấn mạnh rằng bất kì thống đốc hoặc thị trưởng nào có câu hỏi về việc thi hành Đạo luật Phục hồi đều nhận được câu trả lời trong vòng 24 giờ", ông Ron Klain, Chánh văn phòng của ông Biden lúc bấy giờ hồi tưởng.  

Ông Biden đi khắp đất nước để xem các dự án kích cầu trong thực tiễn. Tuy nhiên, vai trò thực sự của ông có phần mờ nhạt đối với những người bên ngoài Nhà Trắng.

Ông Jason Furman, cựu Phó Giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia nói với NPR: "Biden không phải là gương mặt được công chúng biết đến nhiều trong giai đoạn thực hiện Đạo luật Phục hồi. Ông ấy gần như đứng sau hậu trường để đảm bảo rằng Đạo luật thực sự mang lại hiệu quả".

TỔNG THỐNG MỸ

BARACK OBAMA

  • Tại Nhà Trắng, chúng tôi gọi Biden là "cảnh sát trưởng", vì nếu kẻ nào lạm dụng tiền thuế của người dân, kẻ đó sẽ phải giải thích với Biden.

Ước tính của chính phủ Mỹ cho thấy chưa đến 0,5% của 800 tỉ USD bị sử dụng lãng phí hoặc gian lận.

Kinh nghiệm đấu chọi với suy thoái 2008 hiện đã trở thành là tài sản quí giá của ông Biden trong cuộc tranh cử tổng thống khi mà Mỹ đang sa vào cuộc khủng hoảng COVID-19. 

Ông Trump luôn ca tụng kĩ năng đàm phán của mình, nhưng thương thuyết cũng là thế mạnh của ông Biden.

Tờ Los Angeles Times cho biết một trong những thách thức đầu tiên của ông Biden khi trở thành phó tổng thống là tập hợp sự ủng hộ cho kế hoạch kích thích kinh tế của ông Obama. Đây là một công việc khó khăn khi mà đảng Cộng hòa không muốn hợp tác với vị tổng thống trẻ tuổi mới.

Toàn thể Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống lại dự luật Phục hồi; nhưng ông Biden đã kiên trì thuyết phục được ba thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, vừa đủ để nó được thông qua. 

Năm 2011, Mỹ rơi vào khủng hoảng trần nợ công. Hai ngày trước khi Mỹ chính thức vỡ nợ, ông Obama vẫn không thể thuyết phục được Quốc hội nâng trần nợ.

Sau hai ngày đàm phán điên cuồng, Quốc hội và Nhà Trắng đạt được thỏa thuận. Theo tờ Politico, sự thành công của thỏa thuận này phụ thuộc lớn vào tài ăn nói, sự khéo léo và tình bạn cũ của ông Biden với các nhà lập pháp. 

Ông Biden đã vận dụng kinh nghiệm đối ngoại sâu rộng trong 8 năm làm phó tướng của ông Obama. Theo Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR), ông Biden đóng vai trò then chốt trong chính sách của chính quyền ông Obama về Afghanistan, Iraq, Ukraine và các khu vực xung đột khác.

Ông Biden đã hối thúc Tổng thống Obama rút quân khỏi Afghanistan, đồng thời cảnh báo về "những cuộc chiến tranh bất tận". Ông Biden cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Mỹ và Nga kí hiệp ước New Start để hai nước cắt giảm vũ khí tấn công.

Tầm nhìn cho tương lai

Trong bối cảnh Mỹ vẫn phải vật lộn với COVID-19, cách đối phó với đại dịch là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Biden. Theo tờ CNN, kế hoạch của ông Biden là thuê 100.000 người để truy dấu người tiếp xúc với bệnh nhân, cung cấp xét nghiệm miễn phí, ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Khác với ông Trump, ông Biden không muốn Mỹ cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông cho biết sẽ đảo ngược việc Mỹ rút khỏi WHO ngay ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống.

Ông Biden đề xuất cho các gia đình có trẻ em được nhận trợ cấp hàng tháng từ 250 đến 300 USD trong thời gian đại dịch chưa được khống chế.

Kinh tế là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri năm 2020. Ông Biden ủng hộ tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ từ mức 7,25 USD/giờ như hiện tại.

Theo Business Insider, ông Biden đã đưa ra các đề xuất để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ nhằm gia tăng việc làm trong lĩnh vực này. Ông lập kế hoạch để chính phủ liên bang chi 400 tỉ USD trong vòng 4 năm cho hàng hóa Mỹ.

Ông Biden chủ trương tăng thuế đánh vào người giàu. Ông cũng muốn tăng thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 21% hiện nay lên 28%, tức là đảo ngược chính sách cắt giảm thuế dưới thời chính quyền ông Trump.

Biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm chính trong kế hoạch kinh tế của ông Biden. Ông dự định chi 1.700 tỉ USD cho năng lượng và công nghệ sạch trong vòng 10 năm tiếp theo. Ông cũng muốn đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Khí hậu Paris.

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ, ông Biden cam kết nội các và những thẩm phán ông bổ nhiệm trong tương lai sẽ phản ánh sự đa dạng sắc tộc. Bạn đồng hành tranh cử của ông Biden là thượng nghị sĩ Kamala Harris - phụ nữ gốc Á và da màu đầu tiên được chọn làm ứng viên phó tổng thống Mỹ.

Để đối phó với nạn bất bình đẳng kinh tế do chủng tộc, ông Biden cho biết sẽ thiết lập các biện pháp mới nhằm đảm bảo công bằng về nhà ở và tín dụng cho người da đen. Ông cũng hứa cấp 300 triệu USD cho các thành phố để giảm bớt các qui định phân chia khu vực mang tính phân biệt đối xử, Reuters cho biết.

Là một chính trị gia theo chủ nghĩa đa phương, ông Biden quyết tâm khôi phục quan hệ với các đồng minh lâu năm của Mỹ. Ông cam kết sẽ "cứng rắn" với Trung Quốc trên hàng loạt vấn đề, liên kết với các đồng minh để "đối đầu với các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc".

Ông Biden chỉ trích gay gắt cách ông Trump đối phó với Trung Quốc, hứa sẽ đánh giá lại thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc khi nhậm chức.

Về chính sách nhập cư, ông Biden ủng hộ vạch ra con đường để những người nhập cư không có giấy tờ trở thành công dân Mỹ. Ông cam kết tạm hoãn trục xuất trong 100 ngày nếu đắc cử. Ông hứa sẽ bảo vệ thế hệ "Dreamers" – những người bị đưa đến Mỹ một cách bất hợp pháp khi còn nhỏ.

Theo các cuộc khảo sát gần đây, khả năng ông Biden trở thành chủ nhân Nhà Trắng là rất lớn. Năng lực của ông trong việc đối phó với suy thoái và vực dậy nền kinh tế đã được chứng minh 8 năm làm phó tổng thống. Với bề dày kinh nghiệm trên lĩnh vực đối ngoại, ông Biden có đủ khả năng để khôi phục các mối quan hệ quốc tế của Mỹ đã bị rạn rứt dưới thời Tổng thống Trump.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.