Nếu cách đối xử với Trung Quốc của ông Biden nhất quán với giọng điệu gần đây của ông thì khó có khả năng cuộc đối đầu công nghệ giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới sẽ dừng lại.
Theo South China Morning Post (SCMP), trong 4 năm qua, xung đột về chính sách giữa chính quyền ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đẩy quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỉ.
Chính quyền ông Trump đã siết chặt kiểm soát xuất khẩu hàng hóa của Mỹ cho Huawei, ngăn cản một số luồng vốn đầu tư của chính phủ sang Trung Quốc, trừng phạt loạt công ty Trung Quốc với cáo buộc nhân quyền. Mỹ cũng có ý định chặn các ứng dụng Trung Quốc như TikTok và WeChat.
Ông Trump thường xuyên công kích đối thủ Biden về thái độ với Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Trump tuyên bố "Trung Quốc sẽ chiếm hữu nước Mỹ" và "người Mỹ sẽ phải học tiếng Trung" nếu ông Biden đắc cử.
Ông William Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ cũng nói rằng Bắc Kinh muốn ông Biden thành tổng thống Mỹ tiếp theo.
Dù các chính trị gia Đảng Cộng hòa cáo buộc ông Biden yếu đuối trước Trung Quốc, nhiều nhà phân tích coi cuộc xung đột Mỹ-Trung có tính chất lâu dài và mang tính cấu trúc – đặc biệt là khi liên quan đến lĩnh vực công nghệ.
Bà Agathe Demarais, Giám đốc tại The Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết: "Có rất ít triển vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ được cải thiện đáng kể trong nhiệm kì của ông Biden. Hai nước vẫn sẽ mắc kẹt trong cuộc đấu tranh chiến lược giành ngôi vị thống trị về kinh tế và công nghệ".
"Lí do là quan điểm rằng Mỹ và Trung Quốc là đối thủ thay vì cộng sự đã được khắc sâu vào ý thức của cả Bắc Kinh lẫn Washington".
Công nghệ là mặt trận mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Trí tuệ nhân tạo, mạng lưới 5G và các ứng dụng Internet vạn vật sẽ quyết định quốc gia nào kiểm soát nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Không ai biết bao giờ xung đột Mỹ-Trung sẽ chấm dứt. Một số nhà phân tích nói rằng Tổng thống Biden có thể cứng rắn với Trung Quốc hơn cả ông Trump, đặc biệt trong những lĩnh vực như bảo vệ nhân quyền hoặc tài sản trí tuệ.
Ông James Andrew Lewis, Giám đốc chương trình chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét: "Không một tổng thống Mỹ nào muốn bị cáo buộc là yếu đuối trước Trung Quốc".
"Các chính sách của ông Trump tuy lộn xộn nhưng luôn theo chiều hướng cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Các chính sách của ông Biden có thể sẽ được phối hợp tốt hơn, bớt đột ngột hơn, nhưng cũng cùng hướng với ông Trump".
Ông Biden phê phán Trung Quốc nhưng đồng thời cũng thừa nhận điểm yếu của Mỹ. Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Foreign Affairs tháng 1, ông khẳng định "Mỹ phải nâng cao lợi thế đổi mới và đoàn kết sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ trên toàn thế giới" để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trong tương lai với Trung Quốc.
Ông Jake Sullivan, cố vấn của ông Biden nói rằng "Mỹ cần bớt tập trung vào việc khiến Trung Quốc chậm lại và cố gắng hơn để tự mình tăng tốc". Bình luận này cho thấy chính quyền của ông Biden có thể ưu tiên củng cố nền kinh tế nội địa hơn là đối đầu với Trung Quốc.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng khó có khả năng nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ đảo ngược lại các chính sách về Trung Quốc và công nghệ.
Bà Elizabeth Freund Larus, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mary Washington nhận định: "Chính quyền ông Biden nhiều khả năng sẽ tiếp tục cáo buộc Trung Quốc ăn cắp hoặc cướp đoạt tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc".
Ông Biden cam kết sẽ có những hành động "mạnh tay" đối với những hành vi kinh doanh không công bằng, đặc biệt là việc trộm cắp tài sản trí tuệ, theo trang web chiến dịch tranh cử của ông.
Một số chuyên gia nói rằng ông Biden sẽ củng cố quan hệ của Mỹ với các đồng minh truyền thống như EU. Chính sách ngoại giao này có thể đem đến rắc rối cho Bắc Kinh về những vấn đề như nhân quyền và mạng lưới 5G.
Giám đốc Demarais của EIU nói: "Từ lâu chúng tôi đã nói rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không xoay quanh thương mại mà là công nghệ và tài chính. Chúng ta đã chứng kiến điều này với 5G, và có vẻ châu Âu ngày càng bị thuyết phục bởi chiến lược của Mỹ về việc tách biệt với Trung Quốc với lí do an ninh".
Nhân danh an ninh quốc gia, chính quyền ông Trump đã công bố "Sáng kiến Mạng lưới sạch" nhằm loại bỏ nhiều công ty công nghệ Trung Quốc khỏi mạng lưới Internet của Mỹ. Động thái này có thể ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ đám mây, cáp biển và ứng dụng của Trung Quốc ở Mỹ.
Giáo sư Laurus dự đoán: "Ông Biden sẽ tiếp tục để Mỹ giám sát công nghệ, thiết bị và doanh nghiệp Trung Quốc để xem liệu chúng có quan hệ đến nhà nước hay quân đội Trung Quốc không".