Nhiều người dân phản ánh thời gian qua, trên địa bàn TP HCM có nhiều tổ chức, cá nhân giả danh là trung tâm đào tạo lái xe để lừa đảo những người có nhu cầu học lái và lấy giấy phép lái xe (GPLX).
Anh HTG (ngụ quận Bình Thạnh) bức xúc nói: “Qua người quen giới thiệu, tôi đã nộp số tiền là 7 triệu đồng để lấy bằng B2. Tuy nhiên, sau hơn một năm học lái, tôi vẫn không có tên trong danh sách đi thi. Giờ liên hệ với người đăng ký học cho tôi cũng không được”.
Đồng cảnh ngộ, chị NTTN kể: “Tôi lên mạng tìm kiếm, có nhiều trang mạng rao giá học và thi bằng lái xe siêu rẻ. Nên tôi đã liên hệ bằng điện thoại để đăng ký tại một trung tâm. Sau khi đăng ký, có người đến tận nhà để làm giấy tờ và thu tiền. Sau đó một tuần tôi liên hệ lại thì không có ai nghe máy”.
Ngoài anh G. và chị N., tại TP HCM cũng đã có rất nhiều trường hợp vội vàng nộp tiền bằng nhiều hình thức khác nhau. Thậm chí đến hẳn văn phòng của công ty đóng tiền trực tiếp mà vẫn bị sập bẫy.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường Đào tạo lái xe Tiến Bộ, cho hay: “Trước khi là học viên của trường, nhiều người cũng từng bị lừa đảo vì đăng ký học qua các trang mạng có tên miền gần giống tên trường”.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Hoàng Gia, cũng chia sẻ: “Ngoài những quy định cơ bản, học viên cần lưu ý về vấn đề học phí. Tuyệt đối đừng tin vào quảng cáo giá rẻ, vì giá quá rẻ sẽ không đủ cho quá trình giảng dạy”.
Các cơ sở đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe tại TP.HCM đều được Sở GTVT công khai trên website của Sở. (Ảnh: Thy Nhung)
Ngoài thực trạng giả mạo các trung tâm đào tạo lái xe thì trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều hình thức nhận “bao đậu” khi sát hạch GPLX. Nhiều người có nhu cầu lấy bằng lái đều bị hấp dẫn bởi lối đi bằng “đường tắt” quá thuận lợi này.
Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP HCM, cho biết: “Tuyệt đối không có chuyện bao đậu như trên mạng chia sẻ. Vì theo quy định của pháp luật, khi thực hiện các nội dung sát hạch để được cấp GPLX, học viên sẽ trải qua các bài thi, như thi lý thuyết trên máy tính không có kết nối Internet hay mạng Lan ra bên ngoài”.
Theo ông Quang, thời gian làm bài 15-20 phút tùy vào thí sinh thi để lấy GPLX hạng gì, khi hết thời gian làm bài, máy tính sẽ tự động khóa lại. Còn sát hạch lái xe trong sa hình cũng đều qua thiết bị chấm điểm tự động. Khi kết thúc bài sát hạch, máy sẽ tự động in kết quả thi kèm theo hình ảnh của người dự thi. “Vì thế, các học viên tuyệt đối không nên tin những chiêu trò đó” - ông Quang cảnh báo.
Ông Quang thông tin: Các cơ sở đào tạo và sát hạch GPLX (trung tâm) tại TP HCM đều được Sở GTVT công khai rõ trên website của Sở. Tại đây, mỗi trung tâm sẽ có tất cả thông tin về địa chỉ trụ sở chính, văn phòng (nếu có), số điện thoại liên hệ, các hạng GPLX được Sở cho phép đào tạo… Tại địa điểm ghi danh, các học viên cần có những đánh giá về cơ sở vật chất, hạ tầng có đáng tin cậy hay không. Đặc biệt, tên các trung tâm, cơ sở đào tạo tuyệt đối không có chữ “tư vấn”, vì nguyên tắc hoạt động của các trung tâm, cơ sở này là đào tạo và sát hạch GPLX.
Ông Quang cũng cho biết thêm: Theo quy định, khi nộp hồ sơ, học viên phải ký kết hợp đồng đào tạo với trung tâm, cơ sở đào tạo. Trong đó, hợp đồng sẽ nêu rõ về địa điểm học, thời gian đào tạo, quá trình học lý thuyết, sa hình, trên đường, dự kiến thời gian thi… Khi học viên hoàn thành khóa đào tạo, phải thanh lý hợp đồng theo đúng quy định. Đặc biệt, hình ảnh trong hồ sơ học viên sẽ được chụp tại địa điểm ghi danh, tránh trường hợp gian lận.
Về việc khám sức khỏe cho học viên, ông Quang cho hay: học viên sử dụng giấy khám sức khỏe không đúng quy định, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị cấm thi năm năm và có thể bị xử lý hình sự. Hiện nay, TP HCM có 29 bệnh viện được Sở Y tế TP cấp phép đủ điều kiện khám sức khỏe cho người thi sát hạch GPLX và được đăng tải trên website của Sở Y tế.
Trường Cđ GTVT: Gần 200 giáo viên với cơ sở vật chất đủ điều kiện để đào tạo mỗi năm hơn 1.000 học viên (mỗi khóa học dao động 150-200 học viên). Các giáo viên có thâm niên trên ba năm với đủ chứng chỉ hành nghề sư phạm và chứng chỉ giáo viên thực hành.
Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ: Gần 200 giáo viên, bao gồm đào tạo về lý thuyết và thực hành. Lực lượng giáo viên này đều có 5-10 năm kinh nghiệm. Hiện tại, trường có hai địa điểm học lái xe ở quận Tân Phú và huyện Củ Chi, các địa điểm này đều được Sở GTVT cấp phép.
Các học viên cũng có thể tham khảo tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia (quận 3), cũng là một trong những trung tâm uy tín được Sở GTVT cấp phép.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi đến các tỉnh, TP trên cả nước về việc tăng cường quản lý trong công tác sát hạch, cấp đổi GPLX. Theo đó, Sở GTVT các tỉnh, TP sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát nội dung sát hạch. Cụ thể, trước mỗi kỳ sát hạch phải rà soát, kiểm tra phòng sát hạch lý thuyết, không để các máy tính có kết nối Internet hoặc nối mạng Lan ra ngoài, các máy chủ không được kết nối phần mềm liên quan đến nội dung thi sát hạch. Đồng thời kiểm tra việc nhập số báo danh và đối chiếu hình ảnh thí sinh để đảm bảo thí sinh không gian lận.