Gian lận điểm thi ở Sơn La: Ngoài vì tiền còn có động cơ nào khác?

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La xác định việc sửa chữa, nâng điểm thi THPT cho 44 thí sinh ở Sơn La ngoài động cơ vụ lợi còn có các động cơ cá nhân khác.

Theo kết luận điều tra, vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác nên 8 bị can trong vụ án, đều là thành viên hội đồng thi, đã câu kết với nhau, tìm, sửa bài thi nâng điểm của 44 thí sinh (TS) để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng. 

Gian lận điểm thi ở Sơn La: Ngoài vì tiền còn có động cơ nào khác? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố bị can Trần Xuân Yến. (Ảnh: Công an cung cấp)

Việc sửa điểm thi này thực hiện theo quy trình: 8 bị can thông qua bạn bè, người thân để nhận thông tin 44 TS, sau đó tác động, nâng điểm các bài thi. Từ ngày 29/6 - 4/7/2018, các bị can đã câu kết mở phòng xử lý bài thi để lấy các bài thi ra và tẩy xóa, sửa chữa các ô trả lời theo đáp án đúng của Bộ GD-ĐT.

Theo kết luận điều tra, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh đều là thành viên hội đồng thi, biết rõ việc nhận sửa bài thi, nâng điểm cho các TS là vi phạm pháp luật nhưng vì vụ lợi và động cơ cá nhân khác, khi được người thân các TS hứa hẹn, cảm ơn bằng tiền đã nhận sửa bài thi nâng điểm cho các TS.

Lời khai và các tài liệu liên quan thể hiện bị can Nguyễn Thị Hồng Nga lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhận sửa bài thi nâng điểm cho 16 TS, câu kết với các bị can khác mở cửa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm, tìm rút, sửa bài thi trắc nghiệm cho 44 TS; câu kết với các bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Lò Văn Huynh rút khóa phách để tác động nâng điểm cho 11 TS; sử dụng phần mềm xóa dữ liệu bài thi gốc trong thùng rác máy tính để che giấu hành vi sai phạm. 

Quá trình điều tra, bị can này khai đã thỏa thuận nhận 1,04 tỉ đồng từ trung gian sửa điểm cho 4 TS. Hiện số tiền này đã được bị can Nga và người thân tự nguyện nộp cho cơ quan an ninh điều tra.

Bị can Trần Văn Thủy khai sửa bài thi nâng điểm cho 4 TS. Khi thực hiện nhiệm vụ câu kết với các bị can khác tìm, rút sửa bài thi nâng điểm cho 44 TS. Sau khi sửa bài thi nâng điểm cho 4 TS trên, bị can Thủy đã nhận tiền của mỗi trường hợp 150 - 200 triệu đồng.

Bị can Cầm Thị Bun Sọn nhận sửa bài nâng điểm cho 1 TS, câu kết với các bị can tìm rút, sửa bài thi nâng điểm cho 44 TS, nhờ tác động nâng điểm cho 1 TS. Sọn khai có thỏa thuận, thống nhất giúp nâng điểm cho TS Dương Hoàng Trung với giá 440 triệu đồng.

Lãnh đạo có con được nâng điểm ở Sơn La: Trường ĐH yêu cầu xử lý đến cùng

Bị can Lò Văn Huynh nhận sửa bài thi cho 7 TS và câu kết với các bị can rút sửa bài thi nâng điểm cho 44 TS. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lò Văn Huynh đã câu kết với một số bị can cung cấp khóa phách, nâng điểm môn ngữ văn cho 11 TS. 

Bị can cũng khai sau khi nhận lời giúp nâng điểm cho TS Lù Mạnh Hùng đã được trả 300 triệu đồng. Ngoài ra, bị can còn thỏa thuận với người trung gian nâng điểm cho một số TS khác với mức giá 700 triệu đồng cho mỗi trường hợp và đã được người trung gian đưa 1 tỉ đồng.

Bị can Nguyễn Thanh Nhàn khai sửa bài thi nâng điểm cho 4 TS; câu kết với một số bị can rút, cung cấp khóa phách để tác động điểm thi nâng điểm môn ngữ văn cho 11 TS. Các bị can Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn là cán bộ được giao đảm bảo an ninh trật tự khu vực chấm thi đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao sửa bài thi và nâng điểm cho 3 TS. Ngoài ra, Đinh Hải Sơn còn đưa thông tin nhờ Lò Văn Huynh tác động nâng điểm thi môn ngữ văn cho 1 TS.

Theo cơ quan điều tra, mặc dù số tiền nhận sửa điểm thi đã được các bị can tự nguyện giao nộp, nhưng ngoài lời khai của các bị can không có tài liệu, chứng cứ nào khác nên không đủ cơ sở để quy kết về việc đưa nhận tiền. Vì vậy, cơ quan điều tra xác định số tiền này là tiền vụ lợi cần tịch thu theo quy định pháp luật.

Sửa điểm vì nể... cấp trên

Cũng theo kết luận điều tra, bị can Trần Xuân Yến, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, đã lợi dụng chức vụ được giao để tác động sửa bài thi nâng điểm cho 13 TS. Đáng chú ý, bị can này khai, việc tác động sửa chữa bài thi có động cơ là do cấp trên nhờ vả... Cụ thể 8/13 trường hợp là do ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT, gọi ông Yến đến phòng làm việc rồi đưa danh sách các TS. Ông Đức ban đầu thừa nhận có chuyển thông tin về 8 TS để ông Yến “xem hộ điểm thi”. Tuy nhiên, sau đó ông Đức thay đổi lời khai, cho rằng không biết, không liên quan đến việc ông Yến sửa điểm.

Kết luận điều tra nêu rõ các bị can Trần Xuân Yến, Nguyễn Thanh Nhàn, Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn đều biết rõ việc nhận, câu kết sửa bài thi nâng điểm cho TS là vi phạm quy chế thi của Bộ GD-ĐT, vi phạm luật nhưng vì động cơ cá nhân, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, người thân nên vẫn thực hiện.

"Giao dịch" tại kỳ họp giao ban của UBND tỉnh ?

Căn cứ các tài liệu thu thập được, cơ quan công an đã triệu tập 42 trường hợp là cha mẹ, người thân các TS được nâng điểm; đã có 6 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân TS để “nhờ nâng điểm thi”, 21 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin chỉ nhằm mục đích “nhờ xem điểm”, 15 trường hợp khai không liên quan và không cung cấp thông tin TS cho các bị can và những đối tượng trung gian.

Cụ thể, trường hợp ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Thuế Sơn La, có con trai là Nguyễn Đức A., tham dự kỳ thi và có nguyện vọng xét tuyển vào Học viện An ninh nhân dân. Ông Việt khai bản thân và gia đình không trao đổi hay gặp gỡ cung cấp thông tin cho bất cứ ai để tác động nâng điểm cho con mình là Nguyễn Đức A. Tuy nhiên, lời khai của ông Việt mâu thuẫn với lời khai của ông Hoàng Tiến Đức. 

Lời khai của ông Đức cho biết tại phiên họp giao ban của UBND tỉnh Sơn La cuối tháng 6/2018, ông Việt đưa thông tin nhờ ông Đức xem kết quả thi THPT cho con có số báo danh 14001279... Tương tự, trường hợp ông Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La, khai tại cuộc họp giao ban UBND tỉnh Sơn La vào cuối tháng 6/2018 đã cung cấp thông tin con trai mình là Đỗ Minh Hoàng để nhờ xem giúp kết quả thi.

Đối với 6 trường hợp thừa nhận cung cấp thông tin cá nhân nhờ “nâng điểm”, về lời khai cơ bản phù hợp với lời khai của các bị can và những người liên quan, tài liệu chứng cứ thu thập được. Tuy nhiên, lời khai của một số người là người thân TS còn mâu thuẫn về số tiền đã đưa cho các bị can để nhờ nâng điểm cho TS. Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được, nên ngoài lời khai của các bị can thì không có tài liệu nào khác nên không đủ căn cứ để quy kết.

Không thừa nhận chạy điểm nhưng cam chịu bị đuổi học

Căn cứ lời khai của các bị can và các đối tượng trung gian, có 10 TS trực tiếp chuyển thông tin cá nhân, có 11 trường hợp do cha mẹ không thừa nhận nên cơ quan an ninh điều tra đã tiến hành xác minh đối với các trường hợp này. Theo cơ quan điều tra, việc TS khai nhận cung cấp thông tin cá nhân nhờ xem điểm chỉ là né tránh, ngụy biện.

Thực tế, các bị can trong vụ án không thể rút bài thi nâng điểm cho các TS khi không có mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định các TS này không phải là những người tác động để nâng điểm. Đối với các TS khai không cung cấp thông tin đều phù hợp lời khai của bố mẹ hoặc người thân các TS vì trước đó những người này đã phủ nhận sự việc nêu trên.

Đáng chú ý, sau khi bị các trường đại học trả về địa phương do bị hạ điểm sau thẩm định của Bộ GD-ĐT, các TS đều đồng ý với kết quả chấm thẩm định và quyết định buộc thôi học của các trường đại học.

Sơn La khai trừ Đảng 8 cán bộ liên quan vụ gian lận điểm thi

Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra, Tỉnh ủy Sơn La, ngày 27/5, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La đã họp kỳ họp thứ 15, xem xét, kết luận cuộc kiểm tra xem xét, xử lý kỷ luật đối với 8 đảng viên bị khởi tố do sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Sơn La. Nội dung vi phạm của 8 đảng viên này là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm quy định của Ban Chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm. Theo ủy ban này, "vi phạm là rất nghiêm trọng".

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 7 ông/bà: Lò Văn Huynh, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng của Sở GD-ĐT; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT; Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT; Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở GD-ĐT; Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP.Sơn La; Đỗ Khắc Hưng, cựu trung tá, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh; Đinh Hải Sơn, cựu thiếu tá, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh.

Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật ông Trần Xuân Yến bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

Ngày 28.5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã họp, xem xét tờ trình của Ủy ban Kiểm tra và quyết định thi hành kỷ luật với ông Trần Xuân Yến bằng hình thức khai trừ ông Yến ra khỏi Đảng.

Quý Hiên - Lê Hiệp

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.