Chính phủ kiên định với 'mục tiêu kép': Đẩy lùi dịch bệnh an toàn gắn với phát triển kinh tế

Tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu dự kiến tăng trưởng GDP của nước ta năm 2021 đạt khoảng 6,7%.
Chính phủ kiên định với 'mục tiêu kép': Đẩy lùi dịch bệnh an toàn gắn với phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Quang Hiếu/VGP).

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hôm nay (4/9), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kì tháng 8, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, bàn định hướng phát triển những tháng cuối năm và một số nội dung quan trọng khác.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về ước kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh rất khó khăn, song nền kinh tế nước ta không rơi vào tình trạng suy thoái, vẫn giữ được mức tăng trưởng dương trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng âm.

Đáng chú ý, trong 12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vẫn có 5 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra.

Chính phủ nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng chủ yếu, gồm: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Chính phủ vẫn kiên định với “mục tiêu kép” đẩy lùi dịch bệnh an toàn gắn với phát triển kinh tế, bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, với tăng trưởng cả năm đạt khoảng 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%.

Bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận nêu trên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế tích tụ trong quá trình phát triển do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được chỉ ra tại báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội qua nhiều kì họp, như: Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn chậm

Thêm vào đó, kinh tế tư nhân chưa thực sự mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng lớn, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu còn hạn chế.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, theo Bộ trưởng, dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài cả năm 2021.

Triển vọng kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, các nước đối tác lớn suy thoái, dự báo khó phục hồi trong ngắn hạn và khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động.

Tăng trưởng GDP cả nước năm 2021 ước đạt khoảng 6,7% với mục tiêu tổng quát là: Tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất dự kiến xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng về số lượng chỉ tiêu so với các năm trước của giai đoạn 2016-2020 (khoảng 12 chỉ tiêu) để bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa Kế hoạch hàng năm và Kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021-2025), tạo thuận lợi và gắn kết việc đánh giá kế hoạch hằng năm với đánh giá giữa kì và 5 năm.

Đồng thời, dự kiến xây dựng 5 cân đối lớn để phù hợp với dự kiến định hướng xây dựng các cân đối lớn của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

chọn
Toàn cảnh vị trí sẽ xây hầm chui tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng
Dự án đầu tư xây dựng hầm chui đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng có tổng mức đầu tư dự kiến 2.293 tỷ đồng.