Mới đây Bộ Tài chính Mỹ đã đăng tải hướng dẫn làm rõ rằng lệnh hành pháp do ông Trump ban hành vào tháng 11 áp dụng cho nhà đầu tư trong các quỹ ETF, quỹ chỉ số cũng như công ty con của các doanh nghiệp Trung Quốc mà Mỹ coi là thuộc quyền kiểm soát hoặc sở hữu của quân đội.
Văn bản trên được đăng trên trang web của Bộ Tài chính vào thứ Hai sau khi truyền thông Mỹ đưa tin rằng một cuộc tranh luận đang nổ ra trong chính quyền Trump về việc lệnh cấm đầu tư nên được thi hành cứng rắn đến đâu. Nguồn tin của Reuters cho biết Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã phản đối yêu cầu nới lỏng của Bộ Tài chính.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nhận xét hướng dẫn mới giúp "đảm bảo rằng vốn của Mỹ không đóng góp vào sự phát triển và hiện đại hóa các dịch vụ quân sự, tình báo và an ninh của Trung Quốc".
"Hướng dẫn sẽ làm giảm bớt lo ngại rằng nhà đầu tư Mỹ có thể vô tình thông qua các khoản đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc thụ động hỗ trợ các công ty do quân đội Trung Quốc kiểm soát".
Cụ thể, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng Bộ Tài chính Mỹ đang tìm cách loại trừ các công ty con của doanh nghiệp Trung Quốc ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của sắc lệnh. Chỉ thị của Nhà Trắng cấm nhà đầu tư mua thêm chứng khoán của 35 công ty Trung Quốc mà Washington cáo buộc là do quân đội hậu thuẫn, bắt đầu từ tháng 11/2021.
Bản hướng dẫn công bố ngày 28/12 chỉ rõ rằng các lệnh cấm áp dụng cho "bất kỳ công ty con nào của doanh nghiệp quân đội Trung Quốc nằm trong danh sách của Bộ Tài chính". Ngoài ra, bộ này dự định công bố tên của những công ty đại chúng do doanh nghiệp quân đội Trung Quốc kiểm soát hoặc sở hữu từ 50% trở lên.
Ông Roger Robinson, cựu quan chức Nhà Trắng nhận xét: "Hướng dẫn của Bộ Tài chính thể hiện chiến thắng rõ ràng của cộng đồng an ninh Mỹ trong nỗ lực duy trì các đòn trừng phạt thị trường vốn Trung Quốc liên quan đến lệnh hành pháp".
Lệnh hành pháp tháng 11 hỗ trợ đạo luật năm 1999 quy định Bộ Quốc phòng lập danh sách các công ty quân sự Trung Quốc. Tuy nhiên phải đến năm nay Lầu Năm Góc mới tuân thủ nhiệm vụ này. Cho đến nay Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa 35 công ty vào danh sách đen, bao gồm công ty dầu khí CNOOC (sở hữu dàn khoan Hải Dương 981) và nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC.
Kể từ khi lệnh được ban hành vào tháng 11, các tổ chức quản lý chỉ số đã bắt đầu loại bỏ một số công ty bị đưa vào danh sách của Bộ Quốc phòng.