Chợ Bát Tràng đóng cửa đột ngột, giới buôn vàng trúng đậm ngày Thần tài

Chợ gốm Bát Tràng đóng cửa đột ngột, giới buôn vàng trúng đậm ngày Thần tài, loa phường có thể tiêu tốn hàng trăm triệu đồng/năm/phường... là những thông tin thời sự đáng chú ý 24h qua...

Vạn người tung tiền mua vàng cầu may, nhà buôn trúng đậm

Mấy năm gần đây, mua vàng vào ngày vía Thần Tài (10 tháng Giêng âm lịch) đã thực sự trở thành trào lưu không chỉ của giới kinh doanh buôn bán mà còn lan rộng ra sang giới công chức, viên chức, người lao động. Thậm chí, ngay cả các cụ già 70-80 tuổi cũng tranh thủ đi mua vàng cầu may.

Theo ghi nhận của VietNamNet, tới mua vàng phần lớn là khách mua vàng lẻ, lượng khách mua vàng miếng khá khiêm tốn. Song, do lượng người đổ về hàng vàng đông nghìn nghịt nên lượng vàng bán ra đều khiến các doanh nghiệp phải bất ngờ.

Đại diện Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI chia sẻ, kết thúc ngày vía Thần tài năm ngoái, DOJI bán ra 100.000 sản phẩm đồng vàng Kim Thân và Kim Thần Tài - 2 sản phẩm chính được tập đoàn dành riêng bán trong ngày này. Ước tính, con số bán ra trong ngày vía Thần Tài năm 2016 tăng 200% so với cùng kỳ năm 2015.

Các doanh nghiệp vàng được dịp trúng đậm khi doanh số đều tăng khủng và nhiều loại vàng đã "cháy" hàng

Cùng thời điểm, theo thông tin từ phía Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), hiện họ đã bán ra thị trường trên 120.000 chỉ vàng, con số này khi hết ngày dự kiến lên đến 150.000 chỉ vàng.

Trước đó, phía PNJ cũng cho hay, ngày này năm 2016, doanh nghiệp bán ra 80.000 sản phẩm. Năm nay, số lượng vàng bán ra có thể tăng gấp đôi bởi lượng người mua vẫn đổ về các cửa hàng của PNJ.

Nhãn vàng phong thủy Ancarat cho biết, đến cuối giờ chiều họ vẫn còn kín khách ở tất cả các cửa hàng. Con số thống kê sơ bộ đến cuối chiều đã có hơn 15.000 ngàn khách đến giao dịch, số lượng sản phẩm đã tăng gấp đôi năm ngoái. Con số cập nhật đầu giờ chiều khoảng 25 ngàn sản phẩm. Đại diện hãng này ước tính, chốt toàn bộ ngày Thần tài cũng bán xấp xỉ gấp đôi con số này.

Tương tự, dù không tiết lộ con số thống kê, song, các doanh nghiệp vàng khác cũng khẳng định, lượng vàng sản phẩm các loại bán ra tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Nhận định về thị trường vàng ngày vía Thần Tài năm nay, một chuyên gia trong ngành chia sẻ, mấy năm trở lại đây, trào lưu mua vàng ngày vía Thần tài nở rộ khiến các doanh nghiệp vàng mỗi năm lại được một lần “trúng số”.

“Chỉ tính toán, với con số hàng trăm ngàn sản phẩm được các doanh nghiệp vàng bán ra trong ngày vía Thần Tài, nếu đem quy đổi thì số vàng lên đến hàng tấn. Tính ra, tổng lượng vàng bán ra chỉ trong ngày vía Thần Tài của mỗi doanh nghiệp có thể bằng tổng lượng vàng bán ra trong vòng 1-2 tháng ngày thường”, vị chuyên gia này cho hay.

Tiểu thương đánh trống phản đối việc đóng cửa chợ gốm Bát Tràng

Thông tin trên VnExpress, sáng 6/2, hoạt động kinh doanh, buôn bán của chợ gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị ngừng trệ do Công ty CP sứ Bát Tràng - đơn vị quản lý diện tích đất và đầu tư hạ tầng khu chợ này, đột ngột đóng cửa chợ khiến tiểu thương không thể ra vào.

Trước sự việc trên, nhiều tiểu thương đã mang theo khẩu hiệu và đánh trống ở khu vực ra vào chợ để phản đối. Lãnh đạo UBND xã Bát Tràng sau đó cử lực lượng chức năng đến cưỡng chế phá khóa, mở cửa chợ, tạo điều kiện cho các tiểu thương vào buôn bán.

Nhiều tiểu thương tập trung trước cổng Chợ làng gốm cổ Bát Tràng để phản đối việc đóng cổng chợ.

Theo tiểu thương Trần Thị Huyền, Công ty CP sứ Bát Tràng đóng cửa chợ với lý do bảo trì, sửa chữa bên trong, tuy nhiên việc này chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân.

Phóng viên đã liên hệ với phía Công ty để tìm hiểu nhưng không nhận được phản hồi.

Đại diện Ban quản lý chợ Bát Tràng (đơn vị được lập ra với sự tham gia của các hộ kinh doanh nhằm duy trì hoạt động chung của chợ) cho hay, chợ có hơn 100 gian hàng, mỗi ngày đón tiếp khoảng 1.000 lượt khách, do vậy việc ngừng hoạt động ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của các tiểu thương.

Khoảng 11h30 cùng ngày, cổng chợ được mở, tuy nhiên lúc này nhiều tiểu thương lại cùng nhau bãi thị.

Ông Phùng Văn Hữu, Trưởng ban quản lý chợ, cho hay các tiểu thương chưa đồng ý vào kinh doanh trở lại do chờ đợi kết quả cuộc họp vào ngày mai (7/2) giữa Công ty CP sứ Bát Tràng và đại diện các hộ kinh doanh dưới sự chủ trì của huyện Gia Lâm.

Loa phường có thể tiêu tốn hàng trăm triệu đồng/năm/phường

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục đề cập đến vấn đề hệ thống truyền thanh cơ sở ở Thủ đô tại cuộc họp giao ban ngày 6/2.

Qua báo cáo sơ bộ của Sở Tài chính, ông Chung thông tin: Việc nuôi bộ máy truyền thanh cấp phường rất tốn kém, một phường có thể phải chi mấy trăm triệu đồng mỗi năm mà chất lượng tin phát thanh của hệ thống này rất thấp.

Chính vì vậy, ông yêu cầu các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá khách quan hệ thông loa phường. Qua đó, thành phố sẽ xem xét cụ thể việc tiếp tục duy trì hay sẽ bỏ hệ thống loa phường.

Về việc lấy ý kiến của người dân về việc quyết định “số phận” loa phường, trước đó, Sở TT&TT đã tổ chức lấy ý kiến người dân tại chuyên mục “Lấy ý kiến về hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn Hà Nội” trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố và Facebook.

Theo thống kê trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, có gần 100.000 người cho ý kiến về hệ thống loa phường, trong đó hơn 77.000 người cho rằng hệ thống này là cần thiết, nên duy trì như hiện nay (78%); hơn 21.000 người cho là không cần thiết duy trì (21%); hơn 600 người cho là có cần thiết nhưng phải đổi mới (1%).

Trên cơ sở đó, Sở sẽ tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành quy chế, định hướng phù hợp với từng loại hình thông tin cơ sở, củng cố hoạt động của hệ thống đài phát thanh cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền.

Đợt lấy ý kiến nhân dân về loa phường sẽ kéo dài đến hết ngày 10/3.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.