'Chống suy thoái kinh tế như chống giặc'

Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra vào sáng 2/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tình hình 6 tháng cuối năm dự báo rất thách thức. Ông đề xuất xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”.

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra vào sáng 2/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng có bài phát biểu khoảng 10 phút, trong đó nhấn mạnh Việt Nam đang gặp thách thức lớn về kinh tế sau dịch Covid-19.

'Chống suy thoái kinh tế như chống giặc' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh VGP/Quang Hiếu)

Theo Bộ trưởng, các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan; xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống dịch Covid-19.

"Tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức"

Phân tích tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang suy thoái nghiêm trọng. 

Diễn biến dịch Covid-19 còn rất phức tạp, khó lường và Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại với các quốc gia. Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất được vaccine, thuốc điều trị Covid-19. 

Nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước thì hậu quả sẽ rất nặng nề, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị tổn thương, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản... ảnh hưởng rất lớn đến thành quả phát triển của đất nước trong những năm gần đây và sẽ mất rất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho đất nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn.

"Chống suy thoái kinh tế như chống giặc”

Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần xây dựng và quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế. Cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan.

Ông đề xuất xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Bộ trưởng KHĐT cũng đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.

Ông cũng đề xuất khẩn trương tổ chức các đoàn công tác của Chính phủ, đoàn công tác liên ngành và của từng bộ, ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng động lực, địa phương lớn (như TP HCM...) để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng.

Một trong các biện pháp chống suy thoái kinh tế là phát huy tối đa các lợi thế để đón nhận hiệu quả sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ phát triển đất nước.

Ngoài ra, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong nước, tham gia xây dựng các quy chuẩn, quy định, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực.

Bộ trưởng đề xuất cần mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn.

Người đứng đầu ngành KHĐT cũng đề xuất cần tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.

Cần triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới.

Khuyến khích tổ chức tín dụng triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Ông cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý, bảo đảm khôi phục sản xuất, việc làm cho người lao động.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.