Chủ đầu tư tung nhiều chính sách ưu đãi mùa cuối năm

Các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động bán hàng và lên kế hoạch cho năm mới với nhiều chính sách ưu đãi cạnh tranh nhằm kích cầu thị trường. Theo nhận định của chuyên gia, sắp tới khi thị trường đi qua vùng đáy là cơ hội để các chủ đầu tư lớn sớm gia tăng thị phần.

Từ qIII/2023, nhiều chủ đầu tư nỗ lực ra hàng, cạnh tranh khốc liệt về chính sách và cách thức bán như thời gian thanh toán được kéo dài, giãn tiến độ, chính sách hỗ trợ lãi suất dài nhất đến 8 năm (5 năm sau ngày bàn giao), thời gian ân hạn nợ gốc dài nhất lên đến 4 năm.

Đơn cử như với các dự án của Vinhomes tại miền Bắc và miền Nam, khách hàng chỉ cần thanh toán đợt đầu khoảng 10% có thể hợp đồng mua bán và tỷ trả góp hàng tháng thấp từ 0,5%/tháng.

Phần lớn các dự án được mở bán tại thời điểm thị trường có độ nén đủ lâu, thời gian “rumor” đủ dài. Chủ đầu tư thận trọng khi chỉ tung hàng sau hàng loạt hoạt động “rumor” thị trường. Giá bán thực tế sau chiết khấu ghi nhận giảm so với mặt bằng chung của các đợt mở bán trước.

Đồng thời, chủ đầu tư cũng áp dụng nhiều chính sách cho đại lý và nhân viên kinh doanh như thưởng nóng nhiều và nhanh; chính sách khuyến khích đại lý “ôm hàng”, chủ đầu tư hỗ trợ chuyển tên cọc tự do, thực hiện đối chiếu hàng tuần, thanh toán 48 giờ sau đối chiếu…

Tại miền Nam, nhìn chung các dự án đều áp dụng phương thức thanh toán đợt đầu ít (khoảng 200 - 300 triệu đồng) đến khi có thông báo bàn giao. Thời gian thanh toán được kéo dài, giãn tiến độ thanh toán. Chính sách hỗ trợ lãi suất dài hạn, tối thiểu 24 tháng.

Tương tự tại miền Trung, chính sách thanh toán đợt đầu ít (khoảng 10%), thời gian thanh toán được kéo dài, giãn tiến độ, chính sách hỗ trợ lãi suất dài hạn trong 22 tháng. Cùng chung tâm lý thận trọng, hoạt động “rumor” của dự án được tổ chức tại nhiều địa phương trước khi mở bán.

Giá bán cũng được xây dựng hợp lý hơn, áp dụng chính sách chiết khấu linh hoạt của phương thức thanh toán từ 7% đến 19%. Song song với việc mở rổ hàng chào bán mới, các chủ đầu tư nỗ lực hoàn thiện công tác xây dựng và bàn giao sản phẩm cho khách hàng để vừa đảm bảo tiến độ cam kết với khách hàng, vừa thu hồi dòng tiền nhanh.

Nhiều chủ đầu tư đã và đang nỗ lực đưa sản phẩm ra thị trường với nhiều chính sách cạnh tranh để kích cầu. (Ảnh minh họa).

Thị trường phục hồi là cuộc chơi của những chủ đầu tư có tiềm lực

Giai đoạn từ nửa cuối năm 2022 đến năm  2023, bên cạnh chu kỳ thị trường đi xuống cũng có giai đoạn Nhà nước rất mạnh tay trong việc sàn lọc những đơn vị sai phạm.

Theo quan điểm cá nhân củaông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng DXS - FERI, đến thời điểm này, những chủ đầu tư còn trụ lại trên thị trường là những đơn vị thật sự có nội lực, họ có sự chuẩn bị tài chính đủ tốt, có quỹ đất và có năng lực triển khai dự án.

Tuy nhiên, có thể với tình hình thị trường trong giai đoạn vừa rồi, họ có sự cân nhắc trong việc triển khai dự án mới, bên cạnh vấn đề pháp lý do nguyên nhân khách quan mà họ không kiểm soát được. Sắp tới khi thị trường đi qua vùng đáy là cơ hội để các chủ đầu tư lớn sớm gia tăng thị phần.

"Thị trường đã bắt đầu một chu kỳ mới, những chủ đầu tư nào càng tạo được ấn tượng mạnh trong giai đoạn đầu sẽ càng dễ tạo niềm tin cho khách hàng ở giai đoạn sau. Tất nhiên các chủ đầu tư này phải biết rút kinh nghiệm từ những đợt khó khăn vừa rồi để đưa ra sản phẩm phù hợp với thị trường, bao gồm giá cả, chất lượng và pháp lý. Khi thị trường phục hồi là cuộc chơi của những chủ đầu tư lớn có tiềm lực",ông Lưu Quang Tiến nhận định.

Còn theo đánh giá của TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), từ giờ đến cuối năm, những chủ đầu tư đã ra hàng sẽ tiếp túc có những chính sách đẩy mạnh cầu thị trường, nhất là ở Cần Thơ, Phú Quốc, Bình Dương - những thị trường đã ra hàng được tính đến thời điểm hiện tại.

Ở những thị trường trung như TP HCM hay Hà Nội sẽ khởi sắc nhưng số lượng sản phẩm ra thị trường chưa phải quá cao so với tiềm năng. Các chủ đầu tư sẽ tích cực gom booking của khách hàng, đồng thời giảm số tiền booking để kích cầu. Nếu như theo thông lệ trước đây, tiền booking 50 - 100 triệu đồng/sản phẩm thì bây giờ giảm còn 10 - 50 triệu đồng/sản phẩm.

Đơn cử một dự án ở TP Thủ Đức (quận 9 cũ, TP HCM) giảm tiền booking từ 50 triệu đồng xuống 30 triệu đồng, dự án ở Bình Dương đã giảm tiền booking từ 30 triệu đồng xuống 20 triệu đồng, , dự án nghỉ dưỡng ở Phú Quốc giảm tiền booking từ 30 triệu đồng xuống 15 triệu đồng...

Một điểm lưu ý được chuyên gia chỉ ra là các chủ đầu tư đến thời điểm hiện tại rất quan tâm đến lực lượng môi giới sau thời gian thiếu hụt lao động. Phí môi giới tại các khu vực đều có xu hướng tăng 10 - 20%, trong đó Hà Nội tăng 5 - 10%, TP HCM tăng 20 - 30%, các đô thị vệ tinh tăng 30 - 40%.

Sau một thời gian dài tái cấu trúc, thu hẹp quy mô hoạt động, các doanh nghiệp môi giới đã tuyển dụng nhân sự trở lại. Thị trường cũng ghi nhận sự cạnh tranh khốc liệt về chính sách tuyển dụng và cam kết trả phí tại các doanh nghiệp như: Lương cơ bản dao động 5 - 20 triệu/tháng, hỗ trợ chi phí makerting, cam kết thời gian thanh toán nhanh hoa hồng trong 48 giờ, thời gian thưởng nóng trong 24 giờ…

chọn
Hình ảnh thảm nhựa đường song hành Vành đai 4 qua Mê Linh
Dự án đường song hành Vành đai 4 - vùng Thủ đô (đoạn qua huyện Mê Linh, Hà Nội) có chiều dài 11,2 km với nhiều đoạn đã được thảm nhựa.