Trao đổi với Zing.vn về thông tin cho rằng công trình này xây dựng trái phép, bà Vũ Thị Ánh, chủ nhân tòa nhà Mã Pì Lèng Panorama, dù không đưa ra được giấy phép xây dựng nhưng khẳng định một số cán bộ cấp huyện ở Mèo Vạc đã động viên bà thực hiện công trình này.
Bà Ánh cho biết mảnh đất trên gắn liền với một kỷ niệm của bố và anh trai nên bà quyết mua lại từ người dân địa phương 10 năm trước. Việc mua bán được thực hiện bằng giấy viết tay.
Đến năm 2016, bà mới làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 545 m2, thuộc loại đất nông nghiệp.
Dù loại đất này không được phép xây công trình kiên cố nhưng nữ chủ nhân vẫn bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư tổ hợp nhà nghỉ, quán cafe. Lí giải việc này, bà cho biết có "người của huyện" và cả chuyên gia nước ngoài đến đốc thúc bà nhanh chóng xây công trình để phục vụ cho việc "tái thẩm định" Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bà Ánh khóc khi kể về quá trình xây nhà. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Nói về quá trình xây dựng, bà Ánh cho biết cứ chỗ nào có đá thì san bằng. Với tảng đá to thì khoan lỗ, cho sắt xuống rồi đổ dầm. Vì không lấy một viên đá nào đi hết nên các phòng nghỉ bị thò thụt.
"Họ đã đến đây giúp đỡ, bảo mình có đất thì làm đi nên tôi mới hết lòng làm", bà Ánh nói và cho biết đã dốc hàng tỷ đồng để đầu tư cho công trình này. Đến nay, bà vẫn còn nhiều khoản nợ chưa thể trả.
Trong sáng 6/10, Zing.vn đã trao đổi với Bí thư huyện ủy Mèo Vạc Trần Quang Minh về thông tin công trình hình thành từ tác động của cán bộ huyện.
Ông Minh từ chối nêu ý kiến về những phát biểu của bà Ánh, chỉ cho biết sẽ gặp gỡ bà này để trao đổi, đồng thời sẽ rà soát lại các cán bộ trong huyện về việc có hậu thuẫn cho bà Ánh xây công trình này hay không.
Trước đó, bà Mua Hồng Sinh, Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc, đã thừa nhận trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền khi để công trình xây sai phép xuất hiện trên đèo Mã Pì Lèng.
Bà Sinh cho biết tháng 3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang giao huyện Mèo Vạc xây dựng điểm dừng chân ngắm hẻm Tu Sản, với nguyên tắc "sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, không phá vỡ cảnh quan khu vực". Từ sự tư vấn của nhiều chuyên gia, huyện Mèo Vạc đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân ngắm vực Tu Sản.
Tuy nhiên, bà Sinh cho biết từ khi công trình Mã Pì Lèng Panorama bắt đầu xây dựng, huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định nhưng công trình vẫn được hoàn thành và đưa vào khai thác.
"Quê tôi ở Đoàn Tùng, Thanh Miện, Hải Dương, từ đời bố đã lên Hà Giang làm kinh tế mới. Bố tôi làm lò rèn, đã mất năm 1992. Mẹ tôi năm nay 95 tuổi, đang sống với con út. Tôi là mẹ đơn thân, ở nhà làm thợ may, không quen ông to bà lớn nào hết", bà Ánh kể về tiểu sử của mình.
Khẳng định việc mở nhà hàng, khách sạn không dựa dẫm vào một thế lực nào, bà Ánh cho rằng việc đầu tư của mình giúp cho người dân địa phương giảm nghèo. "Họ trồng rau bán cho tôi là đã có tiền rồi", người phụ nữ nói.
Sáng 6/10, có khoảng 10 ôtô của du khách đỗ dọc bên ngoài Mã Pì Lèng Panorama. Sau bê bối xây dựng trái phép, công trình vẫn hút du khách do vị trí Lí tưởng để ngắm nhìn hẻm Tu Sản và sông Nho Quế. Ảnh: Ngọc Tân.
Theo nữ chủ nhân, từ thời điểm đi vào hoạt động đến nay, nhà nghỉ luôn trong tình trạng cháy phòng, phải đặt trước hàng tuần, thậm chí cả tháng. Các du khách sau khi lưu trú ở đây cũng để lại nhiều phản hồi.
Về phương án giải quyết công trình sai phép, bà Ánh hy vọng nếu chưa có giấy phép thì chính quyền có thể tạo điều kiện hoàn thiện giấy phép cho bà.
Sau khi những hình ảnh về nhà nghỉ 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng công trình đang phá vỡ cảnh quan đèo Mã Pì Lèng.
Ngày 4/10, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Sở Xây dựng lập đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình này đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường.
Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang cho biết công trình của bà Vũ Thị Ánh chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, đất xây dựng và chưa có giấy phép xây dựng.