Chủ thầu đau đầu với công nợ, có đơn vị vốn điều lệ 100 tỷ đồng nhưng số tiền chủ đầu tư nợ lên tới 200 tỷ đồng

Nhiều chủ thầu xây dựng đang phải đối mặt với tình trạng nợ đọng kéo dài khi chủ đầu tư chưa kịp thanh toán các khoản nợ. Bất đắc dĩ, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận đi vay ngân hàng để trả tiền cho các nhà cung cấp vật liệu.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) – Nguyễn Quốc Hiệp đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mà các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang gặp phải như tình trạng nợ đọng kéo dài, nợ vòng quanh (chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, các nhà thầu nợ nhà cung cấp).

Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ thuật công trình Việt Nam, để khắc phục tình trạng trên, các nhà thầu đã và đang phải trích lập dự phòng nợ xấu. Ví dụ công ty ông, có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng nhưng các công nợ mà chủ đầu tư nợ công ty đã lên tới 200 tỷ đồng.

Từ một công dân bình thường thì giờ chúng tôi đã trở thành những chủ nợ với các tài sản đảm bảo là các căn hộ, condotel… không biết bao giờ mới hoàn thiện", ông Minh cho biết.

Nhà thầu xây dựng đau đầu với các khoản công nợ

Không chỉ riêng trường hợp của ông Minh, thực trạng nợ động kéo dài đã nhiều năm nay trước khi COVID-19 diễn ra khiến nhiều nhà thầu gặp khó khăn. Hồi tháng 3, nhóm thầu phụ tại một số dự án do CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) là tổng thầu như V8,V9 Vinhomes Smart City, L7 Vin Gia Lâm, CT7, CT5 Ecopark... đã thông báo tạm dừng thi công, bảo trì do chưa được thanh toán công nợ.

Thời điểm đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay, việc thanh toán nợ bằng tiền mặt gặp khó khăn nên có một số khách hàng đã tiến hành thanh toán cho Hòa Bình bằng chính sản phẩm bất động sản của họ.

Theo ông Hải, tập đoàn có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho nếu các công ty thầu phụ nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận với Xây dựng Hòa Bình để đối trừ công nợ theo giá phù hợp được hai bên thống nhất. Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình sẵn sàng xác nhận công nợ đối với các nhà thầu phụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc các nhà thầu phụ vay vốn ngân hàng.

Hồi tháng 3, nhóm thầu phụ muốn tạm dừng thi công một số dự án do Xây dựng Hòa Bình làm tổng thầu (Ảnh minh hoạ: Hoà Bình).

Còn tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Fecon (Mã: FCN), Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa cũng thừa nhận, từ quý III/2022, việc thu hồi công nợ rất khó. Để có vốn thực hiện các dự án, đơn vị phải vay ngân hàng nhưng tốc độ thu hồi nợ từ chủ đầu tư là rất chậm. Vị Chủ tịch dự báo, trong thời gian tới, các doanh nghiệp có lợi nhuận hay không đang phụ thuộc vào chi phí lãi vay.

Tương tự, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons cũng chia sẻ về những thách thức mà ngành xây dựng đang phải đối mặt tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD).

Ông Bolat cho rằng, nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt, khó khăn trong việc phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng thực hiện triển khai dự án.

Thứ hai là lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, các công ty không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư do khách hàng bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản của sản phẩm, dự án bất động sản, từ đó làm giảm số lượng dự án mới, tăng tỷ lệ nợ xấu đối với các công ty xây dựng.

Các khoản phải thu ngày càng phình to

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành xây dựng, ba tháng đầu năm, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thuần giảm 60% so với cùng kỳ xuống 1.194 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 444 tỷ đồng, đây là quý lỗ đậm thứ hai liên tiếp của công ty.

Cuối quý I, khoản phải thu ngắn hạn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất (72%) trong cơ cấu tài sản của Xây dựng Hoà Bình với 11.286 tỷ đồng bao gồm 5.763 tỷ đồng từ khách hàng và 3.691 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Trong đó, tập đoàn đã phải trích lập dự phòng 786 tỷ đồng.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ BCTC.

Thậm chí, trong thông báo gần đây của HOSE, cổ phiếu HBC đã rơi vào diện kiểm soát từ ngày 15/5 do công ty chậm nộp BCTC năm 2022 đã được kiểm toán theo quy định.

Giải trình về việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát, Xây dựng Hoà Bình, cho biết trong khoảng thời gian vừa qua, công tác quản trị nội bộ của công ty đã phát sinh một số vấn đề. Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản và tài chính biến động, hàng loạt các công trình phải ngưng thi công dẫn đến việc xác nhận khối lượng, giá trị hoàn thành từ chủ đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề thanh, quyết toán.

Tương tự, trong quý I, một doanh nghiệp trong ngành xây dựng là Fecon cũng ghi nhận lỗ ròng 7 tỷ đồng dù doanh thu tăng 21% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do doanh thu tài chính giảm và chi phí tài chính tăng cao.

Giống như nhiều nhà thầu xây dựng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của Fecon cũng là các khoản phải thu với 3.516 tỷ đồng, gồm 3.393 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 123 tỷ đồng phải thu dài hạn. 

Coteccons thoát lỗ trong quý I nhờ khoản doanh thu tài chính. (Ảnh:Coteccons).

May mắn hơn Xây dựng Hoà Bình và Fecon, Coteccons đã thoát lỗ trong ba tháng đầu năm nhờ khoản doanh thu tài chính (lãi tiền gửi và lãi cho vay, chậm trả). Cụ thể, lãi ròng công ty đạt 22 tỷ đồng giảm 25% so với quý I/2022.

Về cơ cấu tài sản, chiếm tỷ trọng lớn nhất (56%) của Coteccons là các khoản phải thu ngắn hạn của công ty với 11.317 tỷ đồng. Trong đó, công ty phải trích lập dự phòng 1.062 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái.

Trong buổi gặp gỡ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ngày 6/4, lãnh đạo Coteccons cho biết, giá trị dự phòng của công ty sẽ giảm mạnh 2,3 lần so với năm 2022. Giám đốc Quản trị Rủi ro của Coteccons cho biết giai đoạn 2020 - 2022, công ty tăng trích lập dự phòng cho 16 dự án vận hành theo mô hình kiểu cũ, được xây dựng từ giai đoạn 2017 - 2019. Trong giai đoạn này, ban quản trị thời đó đã không trích lập dự phòng cho 16 dự án này dù một số dự án đã phát sinh vấn đề trong công nợ phải thu.

Tính tới hết 2022, lãnh đạo Coteccons cho hay đã xử lý gần như toàn bộ công nợ của 16 dự án, do đó kể từ 2023 trở đi, chi phí dự phòng sẽ giảm so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, trong bối cảnh các chủ đầu tư đang gặp khó về dòng tiền, Coteccons cho biết chỉ tập trung xây dựng cho các khách hàng lớn, có sức khỏe tốt. Trong quá trình xây dựng và làm việc với chủ đầu tư nếu nhận thấy rủi ro đáng kể nào, thì công ty ngay lập tức dừng thi công nhằm tránh phát sinh công nợ.  

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.