Trong bối cảnh khó khăn của ngành xây dựng, báo cáo tài chính hợp nhất quý I của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) ghi nhận doanh thuần giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1.194 tỷ đồng và rơi về mức thấp nhất kể từ quý II/2015.
Kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của tập đoàn âm 203 tỷ đồng trong khi quý I/2022 có lãi 198 tỷ.
Hụt thu từ hoạt động tài chính trong khi chi phí lãi gia tăng, cùng với các chi phí khác khiến tập đoàn lỗ sau thuế 444 tỷ đồng và là quý lỗ đậm thứ hai liên tiếp. Khoản lỗ hợp nhất xuất phát chủ yếu từ công ty mẹ.
Tại hội thảo "Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng" diễn ra giữa tháng 4, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nhận định: "Có thể nói ngành xây dựng đang ở trạng thái "bê bết" nhất từ trước đến nay. Chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Nhiều doanh nghiệp trong top 10 công ty xây dựng cũng đang trong tình trạng báo động về tài chính, không có tiền trả cho nhà thầu phụ, trả cho nhân công, trả tiền vật tư nên khả năng phá sản hoặc ngừng kinh doanh dễ xảy ra".
Đặc thù ngành xây dựng là làm trước, phải đi vay tiền ngân hàng và làm xong mới được thanh toán, mặc dù có được tạm ứng trước 15-20%. "Như vậy, nếu nhà thầu đi vay để làm trước với lãi suất 11-13%/năm như hiện nay mà chủ đầu tư khó khăn không thể chi trả, thậm chí một số chủ đầu tư yêu cầu trả bằng sản phẩm thì nhà thầu lấy đâu ra tiền để thanh toán?", Chủ tịch VACC cho hay.
Vào cuối tháng 3, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT đã thay mặt Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM (SACA), Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) vàXây dựng Hoà Bình, gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan ban ngành để có cơ chế gỡ khó cho ngành xây dựng.
Người đứng đầu Xây dựng Hoà Bình chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên trong suốt 35 năm, HBC đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp nặng nề như thế. Những khó khăn đó đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên của HBC, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công; tác động tiêu cực đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người. Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được".
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản tại ngày 31/3 của doanh nghiệp là 15.697 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản vẫn là các khoản phải thu ngắn hạn với 11.286 tỷ bao gồm 5.763 tỷ từ khách hàng và 3.691 tỷ phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Trong đó, tập đoàn đã phải trích lập dự phòng 786 tỷ đồng, tương đương so với đầu năm.
Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của công ty giảm 54% so với đầu năm về còn 247 tỷ đồng tại cuối quý I.
Tổng nợ đi vay cuối kỳ là 5.528 tỷ đồng, gấp gần 1,9 lần vốn sở hữu, bao gồm 4.755 tỷ vay ngắn hạn và chủ yếu đến từ ngân hàng. Ba tháng đầu năm, tập đoàn vay thêm 739 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 1.343 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay quý I là 137 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/3 chỉ còn 2.193 tỷ do công ty ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 1.137 tỷ.