Chiều 17/10, CTCP Xây dựng Coteccons đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên cho niên độ 2023 - 2024.
Coteccons đặt kế hoạch niên độ 2023 - 2024 (từ 1/7/2023 đến 30/6/2024) với 17.793 tỷ đồng doanh thu gấp 2,6 lần, lợi nhuận sau thuế đạt 274 tỷ đồng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đối với năm 2023, Coteccons dự kiến không chia cổ tức và không trích lập các quỹ.
Về mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD, vốn hoá 1 tỷ USD vào năm 2025, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT khẳng định "Coteccons sẽ làm được và sẽ đạt được nhưng thời gian có thể mất lâu hơn".
Cập nhật về tình hình kinh doanh quý I niên độ 2023 - 2024 (1/7 - 30/9), ông Võ Hoàng Lâm - Tổng Giám đốc thông tin doanh thu dự kiến tăng 15-20% còn lợi nhuận sẽ tích cực hơn so với cùng kỳ. CEO Coteccons cũng chia sẻ thêm giá trị hợp đồng ký mới giai đoạn 2024 - 2025 của Coteccons tính đến nay đạt trên 20.000 tỷ đồng.
Tại đại hội, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT nhận định thị trường xây dựng vẫn đang khó khăn. Từ đầu năm tới nay, chỉ có vài dự án được ký mới. Người đứng đầu Coteccons dự báo khi niềm tin của khách hàng trở lại thì lúc đó thị trường bất động sản thương mại mới có thể sôi động trở lại.
Ông dự báo từ nửa cuối năm 2024 trở đi, những kế hoạch phát triển dự án mới chính là nguồn việc của nhà thầu xây dựng sẽ được hồi phục. Bên cạnh đó, thị trường xây dựng trong nước cũng kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng FDI đang đổ về Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Võ Hoàng Lâm - Tổng Giám đốc nhận định năm 2023 thị trường bất động sản hồi phục không nhanh như kỳ vọng, không có nhiều dự án được tháo gỡ. Ông Lâm dự báo trong 2024 thị trường này sẽ hồi phục, nhờ đó nguồn công việc của Coteccons sẽ tăng lên.
Chủ tịch Coteccons chia sẻ hiện lãnh đạo Coteccons đang giải quyết 3 vấn đề: Làm sao để Coteccons luôn là lựa chọn số 1 của khách hàng, nhân sự cấp cao và bài toán thứ ba là đa dạng hoá nguồn doanh thu. "Việc đa dạng hoá mô hình kinh doanh là điều buộc phải làm - đây là tiềm năng phát triển của doanh nghiệp nhưng cần thời gian để khai phá".
Trả lời câu hỏi của cổ đông về chiến lược phát triển thị trường nước ngoài, ông Bolat Duisenov thông tin hiện doanh nghiệp chưa thể cung cấp chi tiết về kế hoạch. "Trong 4-6 tháng, tới Coteccons có thể chia sẻ sâu thêm về việc mở rộng đầu tư ra những quốc gia nào hoặc thông tin các khách hàng."
Ông Võ Hoàng Lâm cho biết nhiều công ty xây dựng cũng đã tiến quân ra thị trường nước ngoài nhưng thành công chưa có nhiều. CEO Coteccons khẳng định năng lực thầu Việt không thua kém doanh nghiệp xây dựng nào trên thế giới và dự báo đây có thể sẽ trở thành một làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các công ty trong nước.
Liên quan tới việc không thắng thầu hai dự án ở sân bay Long Thành, ông Bolat Duisenov cho hay đây chỉ là một dự án lớn trong nhiều dự án đầu tư công lớn khác ở Việt Nam. "Chúng tôi thấy thị trường, thị phần còn rất lớn để Coteccons và Unicons tham gia. Không thắng thầu dự án Long Thành thì không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch kinh doanh của công ty", người đứng đầu Coteccons giải đáp với cổ đông.
Chia sẻ thêm về tiềm năng của các dự án công nghiệp, lãnh đạo Coteccons thông tin mảng công nghiệp đang và sẽ chiếm một cấu trúc lớn ở Coteccons những năm tới đây. Mảng công nghiệp hiện chiếm 33% cơ cấu backlog 6 tháng đầu năm 2023 trong khi năm 2022 chỉ 12%.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng thông tin mảng xây dựng khu công nghiệp là một phân khúc tiềm năng và nhà đầu tư FDI thường có dòng tiền mạnh. Tổng Giám đốc Coteccons cũng thông tin thêm hiện Coteccons đang thi công dự án Foxconn ở Bắc Giang.