Chủ tịch GAB nói về lí do nhận sáp nhập ROS và AMD

Cả FLC Stone (AMD) và FLC Faros (ROS) đều có mong muốn được sáp nhập vào GAB và đã được Hội đồng quản trị của GAB chấp thuận. Về pháp lí, thương vụ cần sự đồng ý của cổ đông cả ba công ty mới có thể được tiến hành suôn sẻ.

Sáng nay 24/4, CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lí tài sản FLC (Mã: GAB) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020. 

Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua kết quả kinh doanh năm 2019, kế hoạch hoạt động năm 2020, phương án nhận sáp nhập hai doanh nghiệp khác trong "họ FLC" là CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) và CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS).

Chủ tịch GAB nói về lí do nhận sáp nhập ROS và AMD - Ảnh 1.

Đại hội cổ đông thường niên 2020 của GAB. Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Đức Công - Tổng Giám đốc, ông Trần Thế Anh - Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Trung Kiên - Kế toán trưởng. (Ảnh: Đức Quyền).

"Sáp nhập để tận dụng lợi thế của ROS, GAB và AMD"

Nói về lí do sáp nhập với AMD, ông Trần Thế Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị GAB cho biết AMD hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá phục vụ xây dựng, trong quá trình sản xuất có nhiều phụ phẩm mà GAB có thể tận dụng.

Theo ông Thế Anh, GAB đang tính đến việc đầu tư dây chuyền để kết hợp vụn đá, mạt đá của AMD với phụ gia để sản xuất gạch không nung. 

"Dây chuyền này cũng nhỏ tiền thôi nên chúng tôi  không đề nghị cổ đông góp thêm vốn", Chủ tịch GAB chia sẻ. "Bằng năng lực hiện có của công ty về nhân sự, công nghệ và tài chính, chúng tôi sẽ đầu tư một dây chuyền sản xuất gạch không nung".

Theo ông Thế Anh, hiện nay GAB chỉ khai thác đất để sản xuất gạch nung và gặp một số khó khăn như phụ thuộc nhiều vào thời tiết: "Trời cứ mưa như hôm nay khoảng một tuần thì phải ba tuần sau mới lấy được đất, lấy về lại phải phơi cho khô thì mới đóng gạch được. Giá thành lại đắt hơn gạch không nung".

"Vì vậy chúng tôi định hướng làm thêm một dây chuyền sản xuất gạch không nung để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh của cả hai công ty. Đây là một ví dụ rất nhỏ thôi, phụ phẩm bên kia có thể dùng làm nguyên liệu đầu vào của bên này. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác để GAB và AMD đến với nhau và sử dụng nguồn lực của nhau như kênh phân phối, hậu cần logistics, …", ông Thế Anh nói.

GAB có định hướng về khai khoáng, ngoài khai thác đất làm gạch như hiện nay và khai thác đá như hoạt động của AMD, "GAB sau này có thể khai thác nhiều thứ khác như quặng kim loại chẳng hạn, nhưng đó là câu chuyện trong tương lai thôi", Chủ tịch GAB nói thêm.

Về phía FLC Faros (ROS), ông Trần Thế Anh cho biết hiện nay ROS đã giảm bớt hoạt động thi công vì rất vất vả và tỉ suất lợi nhuận không cao, thay vào đó chuyển sang mảng quản lí dự án, tư vấn quản lí dự án.

"Sản phẩm vật liệu xây dựng của GAB và AMD có thể được sử dụng trong các dự án mà Faros làm tư vấn quản lí dự án", Chủ tịch GAB nhận định.

Ông Trần Thế Anh hiện nay cũng là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC - đơn vị chủ đầu tư nhiều dự án mà FLC Faros làm nhà thầu xây dựng.

Đợi định giá để xác định tỉ lệ hoán đổi

Về thủ tục sáp nhập, cả ba công ty ROS, GAB và AMD đều cần được đại hội cổ đông chấp thuận, sau đó xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tiếp đến phải chốt danh sách cổ đông để thực hiện hoán đổi cổ phần.

Nhiều cổ đông quan tâm đến tỉ lệ hoán đổi giữa ba mã cổ phiếu, Chủ tịch Trần Thế Anh cho biết sẽ cần đợi định giá của tổ chức có năng lực mới có thể trả lời được.

"Không thể cứ lấy giá cổ phiếu ở trên sàn để tính tỉ lệ hoán đổi cho nhau được. Giá trên sàn phụ thuộc vào cung cầu, đôi khi chưa phản ánh được thực chất tài sản của công ty. Ví dụ như AMD tôi thấy giá cổ phiếu bây giờ rất thấp so với các điểm mỏ đá mà họ sở hữu. Nếu dùng giá trên sàn làm tỉ lệ hoán đổi thì không công bằng", Chủ tịch của GAB nói.

Kết phiên sáng nay 24/4, giá cổ phiếu ROS là 3.650 đồng/cp, GAB là 147.000 đồng/cp và AMD là 3.150 đồng/cp. ROS và AMD chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020.

Việc sáp nhập còn liên quan đến nghĩa vụ công nợ, thủ tục thuế, ban lãnh đạo … ông Thế Anh cho biết hiện chưa thể nói rõ được, sau này sẽ bàn bạc kĩ hơn.

Đại hội cổ đông GAB đã ủy quyền cho HĐQT chịu trách nhiệm thực hiện việc nhận sáp nhập. Nội dung ủy quyền bao gồm nhưng không giới hạn ở: 

Quyết định các nội dung chi tiết của phương án nhận sáp nhập, phương án hoán đổi cổ phiếu và phương án hoạt động kinh doanh sau sáp nhập; lựa chọn tổ chức thẩm định giá để xác định tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu; đàm phán, quyết định tỉ lệ hoán đổi và các nội dung chi tiết của các hợp đồng sáp nhập; quyết định các vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các thủ tục hoán đổi, sáp nhập, …

Giữ nguyên kế hoạch kinh doanh năm 2020

Trong năm 2019, GAB ghi nhận tổng doanh thu 188,2 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 15,85 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 104% và 156% so với thực hiện năm 2018.

Trong năm 2020, GAB đặt mục tiêu tổng doanh thu 326 tỉ đồng, tăng trưởng 73% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế 24 tỉ đồng, tăng 51%; lãi trước thuế khoảng 30 tỉ đồng.

Trong quí I vừa qua, GAB ghi nhận doanh thu 31 tỉ đồng, tăng 92% nhưng lãi sau thuế chỉ đạt 374 triệu đồng, giảm gần 82% so với quí I/2019.

Tại đại hội cổ đông sáng nay, ông Nguyễn Trung Kiên - Kế toán trưởng dự kiến trong hai quí đầu năm nay, GAB có thể đạt khoảng 170 tỉ đồng doanh thu và 17 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, vẫn đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh đề ra.

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Công khẳng định công ty không hạ chỉ tiêu kinh doanh dù gặp phải khó khăn do đại dịch COVID-19.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.