Chủ tịch Hà Nội: 'Không bao giờ Thành phố bù giá cho Nhà máy nước sông Đuống'

“Thành phố chưa mất một đồng nào bù giá cho Nhà máy nước sạch sông Đuống. Và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho họ”, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

10.246 đồng/m3 là giá tạm tính cho nước sạch sông Đuống

- Xin ông cho biết căn cứ để TP chấp thuận giá tạm tính của nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3?

- Về nguyên tắc không chỉ nhà máy nước mặt sông Đuống, mà kể cả nhà máy nước mặt sông Hồng hay trên Ao Vua (Ba Vì), khi người ta lập dự án thì nhà nước cũng đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ nước. Trước khi ký hợp đồng, Sở Tài chính cùng các ban ngành liên quan xây dựng báo cáo để TP xin ý kiến của Bộ Tài chính.

Thực tế giá nước mặt sông Đuống 10.246 đồng/m3 nước chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập tự án đầu tư. Còn sau này, khi dự án hoàn thành, sẽ có quyết toán công trình sẽ ra giá thành cụ thể.

Khi nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1, TP có giao cho Công ty nước sạch Hà Nội phân phối nước cho họ, trung bình từ 110.000 đến 120.000 m3 ngày đêm. Nước sông Đuống được Công ty Nước sạch Hà Nội mua với giá 7.700 đồng/m3, và phân phối đến các hộ dân với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/m3. Giá này đã đảm bảo nguyên tắc, giá mua không được cao hơn giá bán ra.

Chủ tịch Hà Nội: 'Không bao giờ Thành phố bù giá cho Nhà máy nước sông Đuống' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định không có “lợi ích nhóm” làm nhà máy nước mặt sông Đuống

- Hiện nay, TP vẫn đang áp dụng khung giá bán nước sạch được quy định từ năm 2013. Theo đó, người dân phải trả với giá thấp nhất cho 10 m3 đầu chỉ 5.973, còn từ 10 m3 đến 20 m3 mới có giá 7.052 đồng... Nước sạch sông Đuống có giá cao như vậy, thì TP tính toán thế nào để người dân không chịu thiệt?

- Hiện nay, TP vẫn thống nhất giá bán theo quy định từ năm 2013, tức là với 10 m3 đầu, người dân vẫn chỉ trả hơn 5.000 đồng, còn 10 m3 tiếp theo được lũy kế như quy định. Còn hiện nay, Công ty nước sạch Hà Nội lấy lại của nhà máy nước mặt sông Đuống là 7.700 đồng/m3. Sau khi bán ra, Công ty nước Hà Nội có lãi mấy trăm đồng/m3.

- Một vấn đề người dân TP Hà Nội cũng đang băn khoăn, đó là tại sao nước sạch sông Đuống lại được bán với ra đắt hơn nước sông Đà?

- Thời gia qua, tôi cũng thấy mọi người thắc mắc tại sao nước sạch sông Đà rẻ hơn sông Đuống. Cái này, phóng viên nên hỏi anh Phí Thái Bình (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) - cha đẻ ra nhà máy này, sẽ hiểu rõ lí do vì sao giá nước như vậy.

Nhưng nhà máy nước sạch sông Đà đã đi vào hoạt động nhiều năm qua, nên đã khấu hao hết rồi, nên giá của nó chắc chắn thấp hơn sông Đuống.

TP Không bao giờ bù giá cho nước mặt sông Đuống

- Các chuyên gia tài chính cho rằng, Hà Nội đã sai khi định giá bán buôn nước sạch thay cho doanh nghiệp. Xin ông cho biết vì sao Hà Nội lại làm như vậy?

- Đây là vấn đề mang tính chuyên môn, nên để tôi kiểm tra sẽ thông tin lại sau. Nhưng thực tế, như tôi đã trả lời ở trên, TP đã rất cẩn thận đi xin ý kiến của các Bộ ngành liên quan để đưa ra giá tạm tính là 10.246 đồng/m3 nước sạch sông Đuống.

Tôi xin nhắc lại đó chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư. Sau này, khi dự án hoàn thành mới có quyết toán, kiểm toán và mới có giá thành sản phẩm. Lúc đó mới là giá chính thức của nước sạch sông Đuống.

Chủ tịch Hà Nội: 'Không bao giờ Thành phố bù giá cho Nhà máy nước sông Đuống' - Ảnh 2.

Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định không bao giờ TP bù giá nước cho công ty nước sông Đuống

- Vậy khi dự án hoàn thành, quyết toán tổng mức đầu tư, TP có bù giá cho nhà máy nước mặt sông Đuống hay không?

- TP chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch suông Đuống cả. Và chắc chắc là không bao giờ bù giá cho họ.

- Xung quanh câu chuyện giá nước sạch sông Đuống cao hơn hẳn so với nước sạch sông Đà, nhiều người vẫn băn khoăn, đăng sau nó có thể có “lợi ích nhóm”. Chủ tịch có thể đưa ra bình luận gì về việc này?

- Tôi khẳng định là không có lợi ích nhóm nào ở đây cả. Mà TP làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này giải quyết cấp bách vấn đề nước sạch cho người dân. Và không chỉ nhà máy nước mặt sông Đuống, mà tất cả các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước ở các lĩnh vực đều được coi trọng và tạo mọi điều kiện.

Họ có đi vay, thì họ phải chịu

- Để xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống, nhà đầu tư đi vay tới 80% trong tổng mức đầu tư. Điều đó, dẫn đến việc người dân TP phải gánh tới 20% tiền lãi vay ngân hàng của họ trong một khối nước sạch?

- Tất cả các dự án trên thế giới đều phải đi vay, kể cả vay 100% cũng chẳng vấn đề gì. Đó là bài toán của họ và họ phải chịu. Mọi người thắc mắc con số đó, tôi thấy rất vô lý, bởi ngay cả TP cũng đang đi vay tiền tổng sung ngân sách thì mới đầu tư được.

Chủ tịch Hà Nội: 'Không bao giờ Thành phố bù giá cho Nhà máy nước sông Đuống' - Ảnh 3.

Bên trong Nhà máy nước mặt sông Đuống

- Nhưng họ đi vay tới 80% trong tổng mức đầu tư dự án và lãi vay tính vào giá nước tới 20% thì người dân phải chịu. Như vậy, khiến nhiều người băn khoăn với việc TP không thẩm định năng lực nhà đầu tư nhà máy nước mặt sông Đuống?

- Tổng mức đầu tư dự án ban đầu mới chỉ là dự toán. Còn mai kia quyết toán công trình có thể thấp hơn rất nhiều, có có thể cao hơn. Khi đó mới biết được chính xác nhà máy này xây dựng hết bao nhiêu tiền. Và như tôi đã nói, khi quyết toán xong thì mới có giá thành nước sạch sông Đuống. Còn trước mắt thì các công ty nước họ tự mua với nhau với giá 7.700 đồng/m3.

Xin cảm ơn ông!


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.