Tại hội thảo “Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn và giải pháp” do Báo Pháp Luật TP HCM tổ chức sáng nay, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất là hai phương thức góp phần kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh, công khai, các nhà đầu tư cùng chào giá theo mục đích của mình.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM ý kiến nhà nước không đặt mục tiêu thu tiền sử dụng đất nhiều mà vấn đề là nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án, sớm triển khai theo quy hoạch. Vấn đề quan trọng không phải là đất vàng mà là trên đất vàng có công trình dự án gì, ở đẳng cấp nào.
“Chúng ta chứng kiến tại nhiều mảnh đất vàng trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) quây tôn rồi để đó. Đất vàng không có đầu tư, suất đầu tư thấp thì đất vàng đó cũng không có giá trị gì đối với sự phát triển của đất nước, tăng trưởng GDP”, ông Châu nói.
Ông Lê Hoàng Châu ủng hộ đấu giá quyền sử dụng đất công khai minh bạch như tại các địa phương đã thực hiện nhưng đừng quên đấu thầu dự án có sử dụng đất. Có nhiều dự án đã đấu thầu dự án có chỉ tiêu, cam kết nghĩa vụ tài chính trước đây đã thực hiện.
Ông lấy ví dụ hơn 10 năm về trước đấu thầu dự án tại tam giác Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học với các chỉ tiêu, nhà đầu tư trúng thầu cam kết nghĩa vụ tài chính tự nguyện, đóng góp cho thành phố khoảng 1.700 tỷ đồng ở thời điểm đó.
Nói về 4 lô đất được đấu giá tại Thủ Thiêm vừa qua, ông Châu cho biết có thể sử dụng một trong hai phương thức nói trên vì các lô đất đều đã được phê duyệt các chỉ tiêu quy hoạch.
Ông Châu nhấn mạnh TP HCM đã thực hiện đúng pháp luật về đấu giá. Hiện Luật Đấu giá tài sản áp dụng chung cho các loại tài nhưng khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất là đất công thì nên có quy định riêng.
Điểm vướng mắc là giá khởi điểm đấu giá, cần xem xét lại cách định giá tài sản cụ thể, vừa qua chúng ta xác định giá còn thấp.
Ngoài ra, ông kiến nghị sửa luật đấu giá, sửa thời gian nộp hồ sơ, xử lý vi phạm hợp đồng đấu giá.
“Quy định của chúng ta chưa chặt chẽ, chuyện thu hồi hay cho phép nộp tiền tài sản trúng đấu giá thành nhiều lần luật đấu giá chưa quy định. Khi chưa có quy định thì doanh nghiệp có quyền đề nghị.
Hiện nay chưa có đề nghị sửa luật đấu giá tài sản, nhà đầu tư thì cần môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh. Chúng ta phải luật hóa để kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh”, ông Châu nói.
Trong phần trình bày của mình, ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM, nhận định đấu giá QSDĐ phải công khai minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho người trúng đấu giá. Phương án đấu giá phải không đưa ra những cản trở người tham gia.
Theo ông Thắng, thông tin tiếp cận đấu giá phải rộng rãi. “Phải phòng ngừa được thông đồng dìm giá giữa các doanh nghiệp tham gia đấu giá và giữa tổ chức đấu giá và người đăng ký tham gia” ông Thắng nêu ý kiến.
Sau đấu giá, thành phố lẫn doanh nghiệp đều mong muốn dự án được triển khai ngay, doanh nghiệp muốn sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Sau đấu giá Thủ Thiêm, có giá trúng đấu giá cao, thành phố cũng sẽ tạo mọi điều kiện nhưng đã có trường hợp đáng tiếc về hai doanh nghiệp hủy hợp động trúng đấu giá, bỏ cọc.
Ông Thắng cũng cho biết thêm hiện đấu giá quyền sử dụng đất cung không đủ cầu, nguồn đất sạch, pháp lý rõ ràng không nhiều. Ông kiến nghị nhà đầu tư phải có năng lực tài chính mới có thể tham gia đấu giá. Khi doanh nghiệp không đủ tài chính lại bỏ cọc, xin gia hạn nộp tiền sẽ làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, lãng phí tài nguyên đất đai.