Sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về vấn đề mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa của người lao động và cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, phiên họp này phải thảo luận thêm về những vấn đề còn ý kiến khác nhau bởi đây là dự luật cốt lõi, liên quan đến việc hoạch định chính sách, quyết định quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam và có tác động rộng lớn đến toàn xã hội.
Đại diện cơ quan thẩm tra luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết dù thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động được nâng lên. Hơn nữa, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh. (Ảnh: Q. Khánh).
Cũng theo bà Thúy Anh, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lí vi phạm còn hạn chế có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng khai thác. Hậu quả là người lao động cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với độ tuổi.
Bày tỏ phân vân về quy định tăng giờ làm thêm, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhắc lại mục tiêu của Bộ luật Lao động là làm sao để đời sống của người lao động tốt hơn.
“Mục tiêu của chúng ta là tăng lương, giảm giờ làm. Khoa học kỹ thuật ngày càng cao, công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động tăng lên, trình độ quản lí tốt hơn thì không có lí gì phải tăng giờ làm”, ông Tỵ nói.
Theo ông, tăng giờ làm chỉ nên để phục vụ cho một số đợt thi đua đột xuất do Nhà nước, doanh nghiệp phát động nhằm hoàn thành mục tiêu trong thời gian rất ngắn, chứ không phải tăng giờ làm thường xuyên.
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất nhạy cảm, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị nên lấy ý kiến của nhân dân một cách rộng rãi.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng băn khoăn “xu hướng tiến bộ là tăng lương, giảm giờ làm, tại sao giờ lại tăng giờ làm thêm?”. Ông nói nếu người lao động cứ quần quật làm trong nhà máy 48 giờ mỗi tuần thì họ không còn thời gian chăm sóc bản thân, gia đình, không thể tái tạo sức lao động.
Ông Lưu không ủng hộ tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm, nếu tăng phải tăng có kiểm soát.
Trong khi đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thì cho rằng không nên trả lương lũy tiến cho người lao động làm thêm giờ, bởi như vậy sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Ông cũng dẫn chứng chỉ có 2 nước trên thế giới thực hiện chính sách này nên chúng ta cần cân nhắc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xin phép nói dài vì từng là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã nghiên cứu nhiều về vấn đề này. Bà Ngân chia sẻ lịch sử của những lần điều chỉnh giờ làm thêm từng có những phiên tranh luận gay gắt.
Thậm chí, có lần doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành nghề đề xuất tăng giờ làm thêm lên tới mức 700-800 giờ/năm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Q. Khánh.
Dù nhìn nhận đây là nhu cầu có thật, Chủ tịch Quốc hội vẫn đề nghị phải có phân tích kĩ lưỡng.
Bà băn khoăn liệu người lao động làm thêm giờ có thực sự được hưởng lương làm thêm giờ như luật quy định hay không. Bởi đa số doanh nghiệp trả lương cho người lao động theo sản phẩm, nên dù người lao động làm thêm giờ, họ cũng không được trả theo giá trị làm thêm.
Trong khi đó, doanh nghiệp muốn tăng đơn hàng, tăng doanh thu nhưng lại không muốn tăng thêm chi phí đầu tư cho mở rộng sản xuất và chi phí thuê thêm người lao động. Như vậy là bóc lột người lao động.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh người lao động luôn ở thế yếu. Cả thế giới này đều đấu tranh để tăng lương, giảm giờ làm, nâng cao đời sống người lao động cả về vật chất và tinh thần. Còn người sử dụng lao động thì luôn muốn tranh thủ, tận dụng người lao động.
Vì thế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá về công tác quản lí, thanh tra, kiểm tra quy định về chế độ tiền lương, cơ chế trả lương cho người lao động. Bà cũng nêu thực tế hiện nay thời gian lao động bình thường ở khu vực Nhà nước đang là 40 giờ/tuần, còn khu vực thị trường vẫn là 48 giờ/tuần, đang muốn giảm xuống 44 giờ/tuần.
“Giảm giờ làm là một xu hướng tiến bộ, là mong muốn của chúng ta. Ta chưa giảm được mà còn tính tăng thêm giờ làm. Xã hội tiến bộ, phát triển văn minh mà chúng ta ngồi đây bàn tăng thời gian làm thêm cho người lao động thì phải cân nhắc”, bà Ngân nói và thể hiện quan điểm không đồng ý.
Nói lên mong muốn của người lao động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết qua khảo sát, phần lớn người lao động không mong muốn tăng giờ làm thêm, mà muốn tập trung giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, tăng năng suất lao động. Ông Khang nói chỉ có một số ý kiến muốn tăng giờ làm để tăng thêm thu thập.
Ông nhấn mạnh tăng giờ làm thêm phải đặt trong mối tương quan với các yếu tố khác như sức khỏe, khả năng của người lao động. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không nhất trí tăng thời gian làm thêm, trong trường hợp đặc biệt có thể mở rộng khung thời gian làm thêm giờ nhưng phải thỏa thuận trả lương lũy tiến.
Đặc biệt, ông Khang đề nghị phải quy định giới hạn làm việc thêm giờ tối đa trong tháng để tránh tình trạng vắt sức, không để người lao động bán sức lao động quá mức.