Chủ tòa nhà Crystal Palace bị BIDV siết nợ: Tham vọng kinh doanh BĐS, phải thế chấp loạt tài sản

Trung tâm hội nghị tiệc cưới và khách sạn Crystal Palace ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM vừa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) rao bán hàng trăm tỉ đồng,

Tòa nhà Crystal Palace rao bán lần hai

Ngày 18/9, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài) thông báo về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá khoản nợ đối với tòa nhà Crystal Palace tại địa chỉ số 13 Nguyễn Lương Bằng, Quận 7, TP HCM.

Chủ của toà nhà Crystal Palace là Công ty CP Tập đoàn Khải Vy (Công ty Khải Vy).

Trước đó vào ngày 24/10/2019, BIDV Phú Tài đã ra thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá  Trung tâm Hội nghị tiệc cưới và khách sạn Crystal Palace, với mức giá khởi điểm là 466,4 tỉ đồng.

Được biết, Crystal Palace là công trình xếp hạng chuẩn 4 sao, hội tụ đầy đủ các dịch vụ như khách sạn cao cấp, hội nghị, tiệc cưới và nhà hàng ẩm thực. Tòa nhà này được xây trên khu đất rộng 2.675 m2, thời hạn sử dụng đến năm 2058. Công trình xây dựng gồm 2 tầng hầm, 8 tầng nổi và sân thượng. 

Chủ tòa nhà Crystal Palace bị BIDV siết nợ: Tham vọng kinh doanh BĐS, phải thế chấp loạt tài sản - Ảnh 1.

(Ảnh: Crystalpalace)

Chuyển giao quyền lực, tham vọng kinh doanh BĐS, dính sai phạm trong xây dựng và phải thế chấp loạt tài sản

Theo tìm hiểu, Công ty Khải Vy thành lập năm 2000. Doanh nghiệp này ban đầu tập trung ở lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, sau đó mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh, phát triển thành mô hình tập đoàn đa ngành. Tại thời điểm tháng 3/2019, vốn điều lệ của Khải Vy là 358,76 tỉ đồng. Ông Đoàn Văn Trang (SN 1963) là người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT từ năm 2000 đến tháng 10/2019.

Theo thông tin đăng kí thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp vào tháng 8/2020, ông Nguyễn Quốc Bảo (SN 1960) là người thay thế ông Trang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Khải Vy. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng thay đổi địa chỉ trụ sở mới là 422 Nguyễn Thị Thập, Phường Tân Quy, Quận 7. Địa chỉ cũ trước đó là 30 lô K Hoàng Quốc Việt kéo dài, phường Phú Mỹ, Quận 7, TP HCM.

Hiện ông Bảo đảm nhiệm vai trò đại diện cho nhiều công ty khác trong "hệ sinh thái" của Khải Vy như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khải Vy, Công ty Cổ phần Merperle Đà Lạt, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Duyên Hải.

Theo báo Đấu thầu, Công ty Khải Vy ban đầu tập trung vào lĩnh vực sản xuất đồ gỗ. Đến cuối năm 2006, doanh nghiệp này lập thêm Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang nhằm mục đích đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Tằm có diện tích 114 ha, với tổng vốn đầu tư 42 triệu USD. Dự án có 49 căn nhà gỗ và 15 căn villa.

Vào tháng 12/2017, ông Trang rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang và chuyển giao cho ông Phạm Minh Nhựt.

Bên cạnh đó, ông Trang cũng thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh (trước đây là thành viên của Tập đoàn Khải Vy) - chủ đầu tư Dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (phường Phú Thuận, Quận 7, TP HCM). Dự án này có diện tích hơn 77.300 m2, chia làm hai khu với 120 nền biệt thự - nhà liền kề và 8 khối căn hộ cao tầng. Hiện đảm nhận vị trí người đại diện theo pháp luật và Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh là ông Trần Tựu.

Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng rót 3 triệu USD vào lĩnh vực trồng rừng ở Đắk Nông với quy mô trên 3.000 ha.

Tháng 10/2015 Công ty Khải Vy đã khai trương Trung Tâm Hội Nghị Tiệc Cưới và khách sạn Crystal Palace tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP HCM).

Theo VietnamNet, tháng 10/2018, Công ty Khải Vy nhận chuyển nhượng dự án Merperle Dalat Hotel (tên gọi cũ là khách sạn Sài Gòn Mới từ Công ty TNHH Đầu tư xây dựng - Thương mại Sài Gòn) tại địa chỉ số 1 Hùng Vương, phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Đây là dự án được qui hoạch xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 - 5 sao, gồm 10 tầng (không tính 2 tầng hầm) với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng. Quy mô diện tích đất thực hiện dự án lên đến hơn 11.758 m2.

Tháng 6/2019, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có công văn kiến nghị UBND TPHCM về vấn đề tiền sử dụng đất đối với quỹ đất công của dự án do Công ty Khải Vy làm chủ đầu tư. Theo đó Công ty Khải Vy chưa được cấp sổ đỏ.

Tháng 11/2019, UBND TP Đà Lạt đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Khải Vy 40 triệu đồng vì xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Tháng 5/2020, UBND TP Đà Lạt đã buộc doanh nghiệp này phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình xây dựng không phép.

Chủ tòa nhà Crystal Palace bị BIDV siết nợ: Tham vọng kinh doanh BĐS, phải thế chấp loạt tài sản - Ảnh 3.

Mô hình dự án Merperle Dalat Hotel (Ảnh: MerPerle)

Chủ tòa nhà Crystal Palace bị BIDV siết nợ: Tham vọng kinh doanh BĐS, phải thế chấp loạt tài sản - Ảnh 4.

Công trình dự án Merperle Dalat Hotel đang thi công phần dầm móng bị buộc ngưng vì dính sai phạm không có giấy phép. (Ảnh: Thanh niên)

Tham vọng lớn khi "lấn sân" kinh doanh bất động sản, Công ty Khải Vy đã có nhiều khoản vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài, trong đó dùng nhiều tài sản để thế chấp. 

Theo thông báo của BIDV Phú Tài, tổng khoản dư nợ của Công ty Khải Vy là 1.002,6 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là 410 tỉ đồng còn 592 tỉ đồng là lãi suất. 

Ngoài Trung tâm Hội nghị tiệc cưới và khách sạn Crystal Palace, còn 5 tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Khải Vy được BIDV Phú Tài yêu cầu thẩm định giá là: 

- Tài sản rừng trồng tại xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, bao gồm khoảng 525 ha cây keo lai, 16 ha cây huỳnh đàn. Cây được trồng nhiều giai đoạn, tuổi cây trung bình từ 4 - 5 năm.

- 6 xe ô tô các loại (2 xe BMW, 1 xe Fortuner, 1 xe Mitsubishi, 2 xe Blue Bird).

- Hai cụm nhà xưởng và máy móc thiết bị sản xuất gỗ (không bao gồm quyền sử dụng đất) tại Khu công nghiệp Long Mỹ, TP Quy Nhơn, Bình Định. Tổng diện tích thuê là 17,6 ha.

- Lô 8.749.433 cổ phiếu của CTCP Hòn Tằm Biển Nha Trang.

- Tài sản tiếp theo là quyền đòi nợ (khoản phải thu) với giá trị sổ sách tại thời điểm thế chấp tháng 7/2014 hơn 51 tỉ đồng.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.