Chưa thể nâng cấp, mở rộng quốc lộ 57B đoạn qua tỉnh Bến Tre

Theo Bộ GTVT, về nâng cấp, cải tạo QL.57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng, QL.57B và QL.57C, trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ GTVT rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia nên chưa thể thực hiện được.

 Quốc lộ 57B đoạn qua tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Báo Đồng Khởi)

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT, vừa qua, Bộ GTVT đã  có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bến Tre về việc xem xét thực hiện một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, cử tri kến nghị Bộ GTVT quan tâm xem xét thực hiện một số công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh như: Nâng cấp, cải tạo tuyến QL.57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng, chiều dài khoảng 57 km, quy mô tối thiểu đường cấp III đồng bằng, 2 - 4 làn xe

Đầu tư mở tuyến tránh thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú chiều dài dự kiến 8,5 km; tuyến tránh qua xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, chiều dài dự kiến 2,6 km.

Nâng cấp, mở rộng QL.57B, chiều dài tuyến 86 km, quy mô tối thiểu đường cấp III - IV đồng bằng, đường 2 - 4 làn xe. Nâng cấp, mở rộng QL.57C, chiều dài tuyến 66 km, quy mô tối thiểu đường cấp III - IV đồng bằng, đường 2 - 4 làn xe và đầu tư mở tuyến tránh thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, chiều dài dự kiến 9 km.

Xây dựng cầu dẫn lên, xuống Cồn Phụng đấu nối vào cầu Rạch Miễu. Xây cầu Tân Phú thay thế bến phà Tân Phú trên QL.57B.

Về nâng cấp, cải tạo QL.57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng, QL.57B, QL.57C Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ GTVT rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng dãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT,…

Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Bộ GTVT đã ưu tiên bố trí 2.425 tỷ đồng để đầu tư hai dự án là cải tạo, nâng cấp QL.57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến tre và Vĩnh Long và đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.

Do khó khăn trong cân đối nguồn lực như trên nên chưa thể bố trí được nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư nâng cấp, cải tạo QL.57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng, QL.57B, QL.57C như kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre.

Về kiến nghị đầu tư mở tuyến tránh thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú; tuyến tránh xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú; tuyến tránh thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt đã xác định tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng nguồn lực, nghiên cứu đầu tư một số tuyến tránh đô thị .

Hiện nay, Bộ GTVT đang giao Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đường bộ nên đề nghị UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam để hoạch định các nội dung chi tiết cho một số tuyến tránh quốc lộ trên địa bàn tỉnh và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho phù hợp, thống nhất giữa quy hoạch các cấp.

Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre về sự cần thiết nghiên cứu đầu tư một số tuyến tránh theo quy hoạch nêu trên và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án khi có điều kiện về nguồn lực.

Về kiến nghị đầu tư cầu Tân Phú thay thế phà Tân Phú trên QL.57B; QL.57B có điểm đầu từ nút giao với QL.57, điểm cuối tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, chiều dài 86 km. Đây là trục giao thông kết nối khu vực TP Vĩnh Long, huyện Chợ Lách với huyện Châu Thành, thành phố Bến Tre và tỉnh Tiền Giang, được chuyển từ ĐT.883, ĐT.884 thành quốc lộ từ năm 2019 và được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ.

Quy mô hiện hữu mặt đường từ 6 - 8 m, trên tuyến vẫn còn một vị trí vượt sông Hàm Luông (phà Tân Phú) chưa được xây dựng cầu. Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của cử tri tỉnh Bến Tre về sự cần thiết nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Phú nhằm thay thế phà Tân Phú trên QL.57B, đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án khi có điều kiện về nguồn lực.

Về xây dựng cầu dẫn lên, xuống Cồn Phụng đấu nối vào cầu Rạch Miễu Phục vụ nhu cầu kết nối lên, xuống Cồn Phụng, tại cầu dẫn cầu Rạch Miễu trên QL.60 đã bố trí hai lối lên, xuống đáp ứng nhu cầu đi lại của khách bộ hành, phương tiện hai bánh, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải của các phương tiện vận tải lớn hơn.

Thời gian qua đã có một số nghiên cứu về phương án xây dựng công trình kết nối Cồn Phụng với cầu dẫn cầu Rạch Miễu nhưng phương án đề xuất còn gặp một số khó khăn như đề xuất thực hiện cải tạo, mở rộng cầu dẫn cầu Rạch Miễu trong điều kiện công trình đang khai thác với lưu lượng phương tiện rất lớn; khoảng cách đến các điểm đấu nối vào QL.60 lân cận nhỏ, khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện.

Do điều kiện địa hình chật hẹp nên phải thi công đổ bê tông tại chỗ kết cấu công trình trong khu vực nước sâu, chưa ước tính kinh phí phù hợp với giải pháp thi công đặc thù...

Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre về sự cần thiết nghiên cứu phương án xây dựng công trình kết nối Cồn Phụng với mạng lưới giao thông trong khu vực để phục vụ phát triển các cơ sở du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Bộ đề nghị UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu bổ sung phương án xây dựng công trình song hành với cầu Rạch Miễu, kết nối Cồn Phụng với đường tỉnh đi dọc sông Tiền để so sánh, lựa chọn phương án tối ưu.

Bộ GTVT cũng sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp, hướng dẫn nhằm hoàn thiện các phương án xây dựng công trình đáp ứng yêu cầu về kết nối đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định về đấu nối với quốc lộ. 

chọn
ĐHĐCĐ KSF: Hướng đến thành cổ đông chiến lược của SCG, dồn lực cho siêu dự án Wonder Tower tại Ciputra
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo KSF cho biết, trong ba năm tới sẽ tập trung hoàn thành ba dự án Golden River, Sky City và Wonder Tower. Trong ba năm tới doanh nghiệp cần tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, doanh thu dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.