Chung cư thứ cấp TP HCM bị thổi giá

Giá chung cư thứ cấp tại TP HCM đang bị đẩy lên cao hơn giá trị thực, tạo mặt bằng giá ảo khiến người mua dễ rơi vào bẫy "tưởng mua hời hóa ra hớ".

Cuối năm 2024, chị Minh Thư (phường Phước Long, TP HCM) mua căn hộ 67 m2 tại một dự án đã bàn giao 3 năm ở phường Thủ Đức với giá 4,3 tỷ đồng. Môi giới khẳng định đây là "căn duy nhất giá tốt còn sót lại" khi các căn tương tự đều được rao từ 4,5-4,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi vào ở và tham gia nhóm cư dân, chị mới biết nhiều căn tương tự đang được rao bán quanh mức 4-4,2 tỷ đồng, thậm chí có thể thương lượng xuống dưới 4 tỷ nếu thanh toán nhanh. Chị Thư nhận ra mình đã mua phải căn bị đẩy giá, trong khi mặt bằng thực tế thấp hơn đáng kể và thanh khoản không như kỳ vọng. Khi chị muốn rao bán lại, môi giới nhận hàng cũng thẳng thắn cho biết khả năng chốt chỉ khoảng 4,2 tỷ đồng do thị trường vừa qua sóng.

"Lúc mua tôi bị thuyết phục bởi thông tin giá đã giảm, cộng thêm lời môi giới rằng chủ cần tiền bán gấp, giờ nhìn lại có cảm giác như mình đã mua phải giá ảo", chị Thư nói.

Tương tự, anh Đăng Khoa (phường Thạnh Mỹ Tây, TP HCM) cho biết đã chi 8 tỷ đồng mua căn hộ 70 m2 tại phường Bình Trưng Tây, sau khi được môi giới dẫn đi xem hàng loạt căn có giá rao từ 8,3-8,5 tỷ đồng. Môi giới cũng giới thiệu thêm một số căn trong cùng tòa nhà và dẫn anh khảo sát giá các dự án lân cận để củng cố tâm lý "mua được giá tốt".

Anh Khoa kể nhiều lần lưỡng lự khiến căn mình ưng ý bị người khác mua mất nên đành chốt nhanh căn hộ có view đẹp, tầng trung, đang cho thuê ổn định. Tuy nhiên, chỉ tháng sau, anh phát hiện nhiều căn tương tự trong cùng block được rao bán thấp hơn 200-300 triệu đồng, thậm chí còn có thể thương lượng sâu nếu thanh toán nhanh. "Tôi tưởng đã trả giá tốt vì chủ nhà nói từng được người khác trả 8,5 tỷ nhưng không bán, có thể tất cả chỉ là kịch bản," anh chia sẻ.

Bất động sản, chung cư, cao ốc... dọc theo xa lộ hà Nội và tuyến Metro số 1. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Ghi nhận của VnExpress cho thấy, trong vài năm qua, giá căn hộ thứ cấp tại TP HCM liên tục tăng, theo đà tăng của thị trường sơ cấp. Nhiều dự án ghi nhận mức tăng 30–50% chỉ trong 2–3 năm, từ phân khúc bình dân vươn lên trung – cao cấp, bất chấp chất lượng sản phẩm không có nhiều cải thiện.

Chẳng hạn, một chung cư trên đường Võ Chí Công, phường Phú Hữu, mở bán đầu năm 2019 với giá 33 triệu đồng mỗi m2, hiện được sang tay với giá khoảng 60 triệu đồng mỗi m2, tăng 93–115% sau 6 năm. Riêng từ năm 2023 đến nay, giá rao bán đã tăng hơn 50%. Một dự án khác trên đường Song Hành, cũng thuộc phường Phú Hữu, mở bán lần đầu năm 2017 với giá 28 triệu đồng mỗi m2, nay rao bán trung bình 58 triệu đồng mỗi m2, tăng gần 142% và được xếp vào phân khúc cao cấp.

Tốc độ tăng giá như trên không phải cá biệt. Theo CBRE, trong năm qua, giá căn hộ thứ cấp tại TP HCM tăng trung bình khoảng 15%, riêng khu Đông tăng đến 18%. Avison Young Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng bình quân 15% mỗi năm đối với căn hộ sang tay tại TP HCM.

Dữ liệu từ Batdongsan cho thấy, trong 5 năm qua, giá căn hộ thứ cấp tại TP HCM đã tăng 46–60%. Riêng năm qua, giá rao bán chung cư tại nhiều quận nội thành như Bình Thạnh, quận 2, quận 7, quận 10... tăng 17–31% so với năm trước và tăng 22–52% so với năm 2023. Tuy nhiên, đơn vị này lưu ý, mức giá rao bán không phản ánh chính xác giá giao dịch thực tế mà chỉ có tính chất tham khảo, do được thiết lập bởi chủ nhà và môi giới.

TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định tình trạng chung cư tăng giá bất thường tại Hà Nội và TP HCM có dấu hiệu bị thổi giá. Theo ông, giá nhà bị đẩy lên cao dù thanh khoản thấp là hệ quả từ sự can thiệp của một nhóm lợi ích, trong bối cảnh kinh tế và thu nhập người dân chưa phục hồi.

Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cho rằng tốc độ tăng giá "bất thường" của căn hộ thứ cấp thời gian qua là kết quả của nhiều nhóm cố tình đẩy giá. Trong khi nhu cầu thực chủ yếu tập trung ở phân khúc 2-4 tỷ đồng, hiện thị trường gần như không còn căn hộ dưới 3 tỷ đồng và phần lớn đã vượt mốc 4 tỷ đồng mỗi căn.

Ông Tuấn đánh giá, nguyên nhân chính khiến giá chung cư cũ bị đẩy lên là người bán neo giá kỳ vọng, trong khi nguồn cung mới khan hiếm khiến người mua khó tìm được lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, nếu xét về tiện ích, chất lượng công trình và cộng đồng cư dân, nhiều sản phẩm không tương xứng với mức giá đang được rao.

Chia sẻ về câu chuyện thổi giá chung cư, ông Nguyễn Minh Tú, nhà đầu tư với 15 năm kinh nghiệm, cho biết chiêu thổi giá căn hộ thứ cấp thường diễn ra theo kịch bản bốn bước: rao giá cao, tạo giao dịch nội bộ để xác lập mặt bằng, giảm giá có chủ đích nhằm tạo cảm giác "hời" và cuối cùng là kích hoạt tâm lý FOMO bằng các thông tin như "hết hàng", "cho thuê tốt", "giá sẽ còn tăng".

Ví như một căn hộ từng giao dịch ở mức 3,6 tỷ đồng được đẩy giá rao bán lên 4,3-4,5 tỷ đồng. Sau đó, môi giới tạo giao dịch nội bộ hoặc đặt cọc tượng trưng để xác lập mặt bằng giá ảo. Khi đã có "giá tham chiếu", họ giảm nhẹ 5–10% để tạo cảm giác mua hời. Tâm lý sợ bỏ lỡ được kích hoạt bằng các thông điệp như "hết hàng chủ đầu tư", "cho thuê tốt", khiến người mua dễ xuống tiền. "Nếu không khảo sát kỹ, người mua rất dễ trả tiền cho kỳ vọng, chứ không phải giá trị thực," ông Tú nói.

Chuyên gia bất động sản Lê Quốc Kiên cho rằng sở dĩ chiêu "thổi giá" căn hộ hoạt động hiệu quả vì người mua thường bị neo tâm lý vào giá rao ban đầu, thay vì so sánh với giá trị thực. Nhiều người mua lần đầu cũng thiếu kỹ năng kiểm tra lịch sử giao dịch qua sổ hồng hoặc dữ liệu công chứng, dễ bị môi giới dẫn dắt.

Theo ông Kiên, rất khó xác định mức độ thổi giá vì thị trường phụ thuộc vào cung - cầu. Tuy vậy, người mua có thể nhận diện một số dấu hiệu như: tỷ suất cho thuê trên giá bán thấp, chỉ đạt 1-2% mỗi năm (mức hợp lý là 3–5%); sản phẩm bị sang nhượng nhiều lần và giá tăng quá nhanh qua mỗi lần sang tay hoặc một khu vực, phân khúc bỗng dưng xuất hiện dồn dập thông tin truyền thông kèm giá tăng đột biến. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường đang bị đẩy giá bởi nhóm đầu tư hoặc chủ dự án.

Các chuyên gia khuyến nghị, để tránh tình trạng mua trúng sản phẩm bị "thổi giá", người mua cần chủ động kiểm tra giá giao dịch thực tế qua sổ đỏ, dữ liệu thị trường từ cổng công khai hoặc văn phòng công chứng. Đồng thời họ nên so sánh tiện ích, mức phí quản lý, tuổi đời công trình và khả năng khai thác cho thuê với các dự án tương đương trong khu vực.

Việc mua nhầm căn bị thổi giá không chỉ khiến người mua chịu thiệt mà còn làm méo mó thị trường, đặc biệt nguy hiểm nếu có sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong nhiều trường hợp, người vay có thể bị từ chối giải ngân do ngân hàng định giá lại thấp hơn giá mua. "Thị trường thứ cấp là nơi người mua cần tỉnh táo nhất. Mức giá cao không đồng nghĩa tài sản có giá trị cao. Nếu mua nhầm căn bị thổi giá, người mua mất luôn cơ hội tích lũy tài chính và khả năng xoay vòng đầu tư", ông Lê Quốc Kiên nhấn mạnh.

chọn
Khu phức hợp hơn 1,5 tỷ USD của Kinh Bắc ở Hưng Yên sau gần 2 tháng khởi công
Dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái và sân golf Khoái Châu (Trump International Hưng Yên) chưa có hoạt động xây dựng sau gần 2 tháng khởi công.