Chuối Đồng Nai lỗ nặng: ‘Nông dân đừng ham lợi trước mắt’

Đó là lời khuyên của những người tâm huyết với nền nông nghiệp Việt Nam trước tình cảnh nông dân trồng chuối tại Đồng Nai phải cắt bỏ cho dê, bò ăn khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua.

Không phải lần đầu tiên

chuoi dong nai lo nang nong dan dung ham loi truoc mat
Nông dân trồng chuối tại Đồng Nai phải chặt cho dê ăn vì không người mua. Ảnh: Hoàng Thiên Dũng

Việc thương lái Trung Quốc mua nông sản Việt Nam với giá cao trong một vài vụ mùa rồi đột ngột ngừng mua vào những vụ sau làm nông dân điêu đứng không phải là hiện tượng mới nhưng lại chưa bao giờ là chuyện cũ. Tình trạng này đã khiến nhiều gia đình tán gia bại sản vì kiểu thu mua "nắng mưa" của thương lái Trung Quốc.

Không khó để kể ra hàng loạt trường hợp nông dân điêu dứng khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua như thanh long Bình Thuận rớt giá thê thảm phải đổ cho bò ăn; khoai lang Vĩnh Long nông dân phải bỏ đầy đồng, rồi cả vải thiều Lục Ngạn, tiêu Tây Nguyên… cùng chung cảnh ngộ.

Dù báo đài đã đăng tin, Hội Nông dân ra sức khuyến cáo bà con nông dân nhưng vì cái lợi trước mắt người người nhà nhà đốn bỏ cây chủ lực của địa phương để theo cây đang có giá.

Nói về vụ chuối Đồng Nai rớt giá thê thảm, bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết: “Do bà con nông dân thấy giá chuối tăng cao vào những năm trước nên đồng loạt chuyển sang trồng chuối. Có người trồng tiêu đang có nguồn thu ổn định vẫn phá bỏ để trồng chuối. Kết quả là giá chuối rớt thê thảm, người nông dân đang đứng trước nguy cơ thua lỗ và phá sản”.

chuoi dong nai lo nang nong dan dung ham loi truoc mat
Việc ồ ạt trồng chuối không theo quy hoạch và không nắm được thông tin thị trường đã làm người nông dân điêu đứng. Ảnh: Hoàng Thiên Dũng

Bà Hằng khẳng định, chuối không phải là loại cây chủ lực của tỉnh hay ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Tân Phú và Định Quán. Việc trồng chuối là sự tự phát của người dân khi thấy thương lái mua giá cao ở những năm trước. Đến nay diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh tăng nhanh chóng, nên khi thương lái ngừng thu mua giá chuối rớt thê thảm và hàng ngàn tấn chuối đang vào vụ chín có nguy cơ đổ bỏ.

“Đây là giống chuối Dole Nam Mỹ được trồng theo phương pháp cấy mô nên chín đồng loạt và thời gian bảo quản không được lâu như các loại chuối ta hay chuối Lâm Đồng. Chúng tôi đã liên hệ với nhiều doanh nghiệp bán lẻ hay doanh nghiệp có sản phẩm chuối sấy và các hệ thống siêu thị để giúp người dân nhưng không đáng là bao do họ đã có nguồn hàng cung cấp sẵn”, bà Hằng cho hay.

Cần đổi mới “tập quán” kinh doanh

chuoi dong nai lo nang nong dan dung ham loi truoc mat
Ông Nguyễn Lâm Viên, Giám đốc Vinamit. Ảnh: NVCC

Nhận định về việc chuối Đồng Nai bị rớt giá thê thảm, ông Nguyễn Lâm Viên, Giám đốc Vinamit, một trong những doanh nghiệp hàng đầu và tiên phong đưa nông sản Việt Nam xuất khẩu nhận định: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nông dân không nắm được thông tin về thị trường chuối trên thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Cách đây 3-4 năm, vì nhiều lý do Trung Quốc ngừng nhập khẩu chuối của Philippine, song song đó là cánh đồng chuối Hải Nam của Trung Quốc bị bão quét gây thiệt hại nặng nên Trung Quốc quay sang nhập chuối Việt Nam, vô tình đẩy giá chuối tăng cao. Đến nay, tất cả đã quay lại quỹ đạo cũ, người Trung Quốc nhập chuối của Philippine và cách đồng chuối ở Hải Nam đã khôi phục nên chuối Việt Nam khó lòng tìm được chỗ đứng ở thị trường này”.

Tuy nhiên, theo ông Viên, vấn đề sâu xa hơn xuất phát từ “tập quán” kinh doanh của người nông dân khi sản xuất không có kế hoạch, không nắm bắt thị trường và luôn sợ bị ép giá khi ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

chuoi dong nai lo nang nong dan dung ham loi truoc mat
Nếu được bao tiêu đầu ra, người nông dân sẽ chủ động trong canh tác và không lo bị ép giá. Ảnh: Hoàng Thiên Dũng

“Nếu ký hợp đồng với doanh nghiệp, nông dân có thể yên tâm canh tác và tự tin tính toán mở rộng quy mô. Đằng này họ luôn sợ đến cuối vụ giá thị trường cao hơn giá đã ký hợp đồng. Thực chất thì những nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra luôn đứng vững trước mọi biến đổi của thị trường. Cụ thể là trong vụ chuối vừa qua, những nông dân có cánh đồng chuối vài ngàn hecta không bị ảnh hưởng gì do doanh nghiệp đã đảm bảo đầu ra cho họ”.

Để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, ông chủ Vinamit khuyến cáo nông dân nên kết hợp với thị trường bán tươi (siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu…) và thị trường chế biến (các doanh nghiệp có sản phẩm chế biến nông sản) để đầu ra luôn ở mức ổn định.

Đứng dưới góc độ quản lý, bà Hằng cho biết thêm: “Nhà nước và địa phương đã quy hoạch vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì và đâu là thế mạnh chủ lực của tỉnh để nông dân làm theo nhưng vì cái lợi trước mắt nông dân vẫn phớt lờ. Vì khi đã chọn loại cây chủ lực, địa phương đã liên hệ với các doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra cho người dân”.

chọn
Chuyên gia: 'Mong chờ giá bất động sản giảm là rất khó'
Chuyên gia dự báo trong tương lai, người trẻ Việt Nam sẽ ngày càng không có khả năng mua nhà ở những đô thị lớn, tương tự điều đang diễn ra tại Trung Quốc hay Hàn Quốc. Câu chuyện mong chờ giá BĐS giảm là rất khó.