Chuỗi VinMart, Vinmart+ kinh doanh ra sao sau nửa năm về với Masan?

Sau nửa năm rời tay Vingroup, VinCommerce đã mang về khoản thu gần 16.000 tỉ đồng cho Masan.

Góp gần 16 nghìn tỉ đồng doanh vào Tập đoàn Masan

Kể từ khi về tay Masan, trong 6 tháng đầu năm 2020, VinCommerce đã mang về khoản doanh thu lên tới hơn 15.800 tỉ đồng.

Cụ thể, trong quí I/2020, doanh thu của VinCommerce đạt 8.709 tỉ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kì năm 2019. Bước sang quí II, VinCommerce tiếp tục ghi nhận khoản doanh thu 7.104 tỉ đồng, tương đương so với cùng kì năm trước trong bối cảnh cách li xã hội do dịch bệnh COVID-19.

Đáng chú ý, mặc dù đạt được doanh thu "khủng", nhưng qui mô của hệ thống VinCommerce đã thu hẹp rất nhiều so với thời còn thuộc về Vingroup. 

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Masan đã đóng cửa 151 siêu thị và cửa hàng không hiệu quả, đồng thời mở mới 45 điểm bán. 80% số cửa hàng bị đóng cửa nằm tại TP HCM và các thành phố cấp 2. Những thay đổi này bước đầu đang giúp hệ thống bán lẻ này hoạt động có hiệu quả hơn.

VinMart kinh doanh ra sao sau nửa năm về dưới trướng của Masan? - Ảnh 1.

Hệ thống VinCommerce đạt doanh thu hàng nghìn tỉ đồng sau nửa năm về tay Masan. (Ảnh: Thiên Trường).

Trong quí II/2020, doanh thu từ chuỗi siêu thị mini VinMart tăng 51,4%, chỉ số tăng trưởng doanh thu trên cùng cửa hàng (SSSG) là 3%. Điều này được giải thích là do giá trị hoá đơn trung bình tăng, bù đắp cho lượng khách hàng đến cửa hàng giảm vì ảnh hưởng của Chỉ thị giãn cách xã hội trong tháng 4.

Ngược lại, do các trung tâm thương mại thuộc Vincom Retail phải đóng cửa vì COVID-19 và một phần do công ty chủ động giảm doanh số mảng khách hàng doanh nghiệp (B2B) để cải thiện biên lợi nhuận, nên doanh thu quí II của chuỗi siêu thị Vinmart giảm 15%. Tại quí liền trước, Vinmart ghi nhận doanh thu tăng 27% so với cùng kì.

Về hiệu quả, trong 6 tháng đầu năm, VCM vẫn đang ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) âm 1.058 tỉ đồng, biên EBITDA âm 6,7%, cải thiện 2% so với nửa đầu năm 2019. 

Masan cũng đưa ra mục tiêu chuỗi Vinmart, Vinmart sẽ cải thiện hiệu quả kinh doanh, tiến đến lỗ 3% hoặc hòa vốn trong năm 2020.

Hướng đi nào cho VinCommerce trong năm 2020?

Nếu xét về qui mô, VinCommerce vẫn đang là hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam với 2.916 điểm bán, xếp thứ hai là Bách hoá xanh của Thế giới di động với 1.570 điểm, thứ 3 là Saigon Co.op với 827 cửa hàng.

Tuy nhiên, doanh thu của VinCommerce vẫn kém xa so với Saigon Co.op. Cụ thể, trong năm 2019 VinCommerce đạt 23.500 tỉ đồng, trong khi con số này tại Saigon Co.op là 35.000 tỉ đồng, và tại Bách hoá xanh là 10.700 tỉ đồng.

Do đó, Masan sẽ vẫn cần tiếp tục phải cải tổ hệ thống VinCommerce để tương xứng với qui mô, cải thiện lợi nhuận và tiến tới đạt điểm hoà vốn trong năm 2020.

VinMart kinh doanh ra sao sau nửa năm về dưới trướng của Masan? - Ảnh 2.

Masan cho biết, thời gian tới hãng sẽ tập trung đẩy mạnh mảng siêu thị mini VinMart , vốn đang mang về khoản doanh thu khá tốt và được kì vọng sẽ là tương lai của thương mại hiện đại tại Việt Nam. Mô hình này sẽ thiết lập nền tảng chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn của Masan về các điểm POL ((Point of Life).

Masan đánh giá, tình hình hoạt động của chuỗi VinMart tại Hà Nội đang tốt hơn đáng kể so với các thành phố khác. 

Nguyên nhân được chỉ ra là do thương hiệu Vingroup có sức mạnh tại các tỉnh phía Bắc. Trong khi tại TP HCM và các tỉnh phía Nam lại là thị trường chính của đối thủ Bách hoá xanh.

Trong năm nay, Masan dự kiến mở mới 100 - 300 cửa hàng VinMart và 10 - 30 siêu thị Vinmart. Song song với đó, Masan cũng sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị và 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.

Chuỗi này sẽ tập trung vào các siêu thị dưới 1.500m2 mang lại doanh thu tốt nhất, cắt giảm các siêu thị kém hiệu quả ở Hà Nội, TP HCM, Nha Trang và Cần Thơ, đồng thời mở rộng vào các thành phố cấp 2 và nằm trong các trung tâm thương mại Vincom.

Trong thời gian tới, hệ thống siêu thị sẽ được Masan cải tổ và số hóa, trong đó hàng tồn kho sẽ được quản lí theo thời gian thực, áp dụng công nghệ trong trải nghiệm mua hàng như Scan&go, kết hợp mô hình O2O Retail (online to offline).

Dự kiến Masan sẽ đầu tư 15 triệu USD để nâng cao tính hiệu quả hoạt động của nền tảng này.

Ngoài ra, ông chủ Nguyễn Đăng Quang cũng đặt mục tiêu nâng tỉ lệ đóng góp doanh thu từ mặt hàng tươi sống và thương hiệu thịt của Masan. Doanh nghiệp kì vọng tỉ lệ đóng góp doanh thu từ các mặt hàng này cho VinMart sẽ tăng lên 35% vào cuối năm nay.

Hiện tại, Masan đã lựa chọn các địa điểm VinMart phù hợp để triển khai bán thịt Meat Deli.

Về kết quả kinh doanh toàn Tập đoàn, 6 tháng đầu năm, Masan ghi nhận doanh thu thuần đạt 35.404 tỉ đồng, tăng 103,3% so với cùng kì, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng hai chữ số tại The CrownX (TCX).

TCX được hình thành từ CTCP Masan Consumer Holdings (MCH) và CTCP Dịch vụ thương mại VinCommerce (VCM) vào tháng 6/2020. Hiện TCX đang nắm giữ 85,71% cổ phần của MCH và 83,74% cổ phần của VCM.

Kết thúc quí II, TCX ghi nhận doanh thu đạt 12.592 tỉ đồng, tăng 20,5%. Luỹ kế 6 tháng đạt 25.848 tỉ đồng, tăng 26,8%.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.