Dù thực hiện nhiều chương trình giảm ngập nhưng nhiều tuyến đường tại TP HCM vẫn ngập nặng sau mưa. Ảnh: K.A |
Chỉ vài cơn mưa đầu mùa, hay trước đó là một vài cơn mưa trái mùa đã khiến nhiều tuyến đường tại TP HCM ngập nặng. Nhiều năm nay, cả TP tích cực chống ngập với các dự án căn cơ, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng không giải quyết được nạn ngập sau mưa và ngập do triều cường.
Theo các nhà khoa học, tác động đến ngập lụt là vấn đề hoàn toàn của khoa học tự nhiên, có thể số hóa được và hoàn toàn có thể tính toán được lượng mưa xuống đất bằng hệ thống quan trắc, đo được diện tích mặt bêtông hóa và sử dụng đất cũng như đo độ dốc của nền đất, khối tích sông hồ kênh rạch để giải quyết chống ngập cho thành phố.
“Tùy theo hiện trạng đô thị cũ, mới để đưa ra giải pháp cụ thể cho từng khu. Bởi không phải cứ ngập là làm cống hoặc nâng đường, mà còn có thể quy hoạch chỉnh trang cùng các giải pháp khác.
Chúng ta có thể thiết kế những khu đô thị mới hoàn toàn không ngập khi dựa trên khoa học tự nhiên. Nhưng nếu sau đó quản lý đô thị không nghiêm để cho ngập, thì nó lại trở thành vấn đề xã hội (ví dụ để cho bê tông hóa quá cao, dân xả rác bít đường cống, nhà đầu tư lấp kênh làm dự án).
Vấn đề ngập càng được kéo nghiêng về phía khoa học chừng nào (thiết kế tốt, quản lý tốt), thì càng giải quyết dễ dàng hơn so với khi để nó trở thành vấn đề xã hội”, TS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.
Có thể thấy, suốt nhiều năm qua các cơ quan chức năng của TP luôn báo cáo đã xóa ngập được cho hàng chục điểm trên nhiều tuyến đường. Thế nhưng, mưa lớn, mưa nhỏ, mua trái mùa, đầu mùa hay cuối mùa thì TP vẫn ngập.
Ngay cả những những tuyến đường đã được đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước hoàn chỉnh vời kinh phí lớn. Cụ thể, đại lộ Phạm Văn Đồng và đường Võ Văn Kiệt vẫn ngập sau mưa dù đây là hai tuyến đường trọng điểm của TP được đầu tư rất nhiều.
Xe ô tô tạo thành các đợt sóng xô vào nhà dân trên các tuyến đường ngập gây thiệt hại kinh tế. Ảnh: K.A |
Tương tự, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi đưa vào sử dụng được kỳ vọng tăng khả năng thoát nước, giải quyết tình trạng ngập úng cho cả lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm có diện tích khoảng 19km² với khoảng 130.000 người dân ở khu vực quận 6, 8, 11, Tân Bình, Tân Phú.
Tuyến kênh này bắt đầu từ đường Đồng Đen (quận Tân Bình), băng qua đường Âu Cơ (quận Tân Phú) đến đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 6). Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng được hai năm nay nhưng tình trạng ngập vẫn thường xuyên xảy ra mỗi khi có mưa lớn.
Điều đáng nói là ngay khu vực thượng nguồn của tuyến kênh tại đường Âu Cơ, Nguyễn Hồng Đào, Bàu Cát, Thoại Ngọc Hầu…. thường biến thành sông.
Theo kiến trúc sư Ngô Viêt Nam Sơn, hiện nay việc chống ngập chưa hiệu quả vì TP vẫn chưa thực hiện được hợp tác đa ngành giữa các sở và ban ngành mà chủ yếu chỉ giao công tác này cho Trung tâm Chống ngập.
Do đó, ta thiếu sự nhất quán về xử lý cốt nền của toàn TP theo một kế hoạch thống nhất, đặc biệt là giữa cốt nền giao thông và hạ tầng với cốt nền xây dựng công trình đô thị, từ đó không đạt được hiệu quả kinh tế đô thị và sự ủng hộ của người dân.
Và như vậy, trong khi nhiều phương án chống ngập trở nên bất khả thi do cốt nền và sự phản đối mạnh mẽ của người dân (ví dụ phương án nâng nền toàn bộ đường Kinh Dương Vương), thì một số chương trình chống ngập của TP lại làm ngập nặng hơn và bắt đầu xảy ra tình trạng ngập nặng không thể chấp nhận được tại các khu vực hạ tầng trọng điểm của TP như sân bay Tân Sơn Nhất.
Bê tông hóa cao làm giảm khả năng thoát nước của TP. Ảnh: K.A |
“Các cơ quan chức năng không nên quá chú tâm vào thực hiện những giải pháp cục bộ và đơn ngành mà phải cùng nhau hợp tác đưa ra một chiến lược quy hoạch không gian dành cho nước, kèm theo các phương án phối hợp để xử lý thoát nước và giải quyết vấn đề ngập lụt, lúc đó bài toán mới được giải tận gốc rễ”, vị KTS chia sẻ.
Đồng thời, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, nếu phát triển đô thị với ý thức trả lại cho môi trường những gì của môi trường thì sẽ làm cho thành phố hết ngập. Ngược lại, nếu tính toán không khéo, điểm ngập chỉ chạy từ điểm này sang điểm khác.
Ông Sơn dẫn chứng, theo nghiên cứu, thông thường, khi mưa xuống đất thiên nhiên thì 40% bốc hơi, 10% chảy trên bề mặt, 50% thấm vào đất. Đô thị có quy hoạch, độ thấm vào đất khoảng 15%, còn 55% thoát trên bề mặt và theo cống.
Nhưng ở TPHCM, do bêtông hóa quá cao, nên nước thấm vào đất có lẽ chỉ 5%, làm cho 65% thoát bề mặt, rất dễ gây ngập nếu giải pháp thoát nước không phù hợp.
“TP không nên chỉ chống ngập, mà nên quản lý thoát nước ngập, vừa giảm tác hại, vừa tận dụng tối đa lợi ích của ngập (làm tăng tỷ lệ nước ngọt ngầm dưới đất cho đô thị, làm giảm sụt lún và hiện tượng “hố tử thần”, giảm nhiễm mặn từ biển...).
Đồng thời, cần có chiến lược thoát nước cho toàn thành phố để định hướng các dự án nhỏ giúp nước thoát không gây ngập mà chảy dần vào hệ thống sông ngòi kênh rạch và vào mặt đất”, ông Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.
Nếu TP tính toán không khéo, điểm ngập chỉ chạy từ điểm này sang điểm khác. Ảnh: K.A |
Song song đó, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng việc đánh giá, nghiên cứu khoa học cả những khu ngập và không ngập là cần thiết vì tất cả đều liên quan đến nhau. TP cần ngừng lại chuyện lấp kênh rạch để thay bằng cống hộp, bởi lượng nước chứa trong kênh và có thể thấm vào đất chắc chắn lớn hơn lượng cống thoát rất nhiều.
“Ngoài ra, cần phải tư duy đa ngành, đa chiều. Vấn đề thoát nước nếu nhìn đơn ngành thì chỉ lo làm cống thoát và ngăn triều, nếu nhìn đa chiều thì phải làm sao phối hợp với quy hoạch đô thị và các lĩnh vực khác, để thoát nước theo hướng bền vững, vừa không ngập vừa có ích.
Cốt thoát nước, cốt nền đô thị phải quản lý rất chặt. Rất tiếc, ngay thời điểm này, quy hoạch cốt nền hạ tầng và cốt giao thông của thành phố chưa thống nhất được với cốt quy hoạch kiến trúc. Để quản lý được chuyện này phải có tư duy kết hợp nhiều ban ngành”, KTS Ngô Viết Nam Sơn đúc kết.
TP HCM: Mới đầu mùa mưa, người dân đã khốn khổ vì ngập nước
Mùa mưa 2017 chỉ mới bắt đầu nhưng nhiều tuyến đường chính ở TP HCM đã ngập nặng sau mưa. Có tuyến phố, cứ mưa lớn ... |