Chuyên gia lý giải việc khối ngoại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán

Xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể còn kéo dài hết quý II/2021. Tuy nhiên không phải lúc nào khối ngoại cũng quyết định đúng, vì vậy mà việc rút ròng của khối ngoại là không quá đáng ngại.

Chuyên gia lý giải việc khối ngoại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể còn kéo dài hết quý II/2021. Tuy nhiên không phải lúc nào khối ngoại cũng quyết định đúng, vì vậy mà việc rút ròng của khối ngoại là không quá đáng ngại. Ảnh: (Văn Giáp/BNEWS/TTXVN).

Thị trường chứng khoán có thời điểm chạm đỉnh lịch sử, thanh khoản cũng tăng mạnh mẽ, nhưng khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng mạnh. Giới chuyên gia cho rằng, xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể còn kéo dài hết quý II/2021. Tuy nhiên không phải lúc nào khối ngoại cũng quyết định đúng, vì vậy mà việc rút ròng của khối ngoại là không quá đáng ngại.

Thực tế, khối ngoại ngoài liên tiếp bán ròng trong 3 tháng qua. Theo dữ liệu tổng hợp của FiinTrade (thuộc FiinGroup), sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) đã về mức thấp hơn hồi đầu năm 2018, còn khoảng 18,5% (tỷ lệ số cổ phiếu). Mức đỉnh giữa hai thời điểm được ghi nhận là 21% đầu năm 2020. Kể từ đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm mạnh và liên tục cho đến nay.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, xu hướng bán ròng có thể diễn ra đến hết quý II/2021, sau đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận thấy kinh tế Việt Nam bắt đầu ấm dần, mạnh lên, quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc được cải thiện và họ có thể quay lại từ từ, về cuối năm thị trường chứng khoán sẽ mạnh dần lên.


Lý giải về nguyên nhân bán ròng của khối ngoại, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, đầu năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán và đợt bán gần đây nhất được kích hoạt bởi lợi suất trái phiếu tăng lên.


Theo ông Sơn, lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng lên đã làm cho đồng tiền ở tất cả các thị trường mới nổi mất giá nhanh, đồng đô la Mỹ (USD) có xu hướng tăng cao trở lại. Chính vì rủi ro tỷ giá, nhất là thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Brazil… ghi nhận tỷ giá thay đổi hơn 3%, khiến cho các nhà đầu tư quốc tế ngay lập tức nghĩ đến bảo toàn vốn và nhanh chóng rút ra.

 

Điển hình như tại Hàn Quốc, đồng tiền nước này mất giá khoảng 4% so với USD, chính vì vậy, quỹ KIM (công ty con về quản lý đầu tư của Korea Investment Holdings - nhà cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản, đầu tư mạo hiểm...) đã ngay lập tức rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô lên đến hơn 60 triệu USD từ đầu năm đến nay, ông Sơn cho hay.

 

Ông Sơn cũng cho rằng, thị trường chứng khoán quốc tế đang tăng nhờ cung tiền, nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng. Còn tại Việt Nam, lãi suất mặc dù ở mức thấp nhất trong 10 năm qua nhưng các yếu tố hỗ trợ còn chưa rõ nét, nên các thị trường như Mỹ, Nhật tăng tốt và có phần hấp dẫn hơn Việt Nam.
Chuyên gia lý giải việc khối ngoại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS). (Ảnh: BNEWS phát).

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang có xu hướng hạ đòn bẩy tài chính, cung tiền có xu hướng suy giảm nhanh. Gần đây, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc gia tăng rất nhanh. Những điều này báo hiệu rủi ro tín dụng, phần nào ảnh hưởng đến cả thị trường chứng khoán châu Á, qua đó tạo áp lực bán ròng lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều quỹ đầu tư cũng lo ngại nếu cung tiền chững lại thì sẽ xuất hiện xu hướng bán ra mạnh mẽ.

 

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, xét theo chiều hướng giá trị bán ròng, xu hướng hiện giờ là dòng tiền tìm đến thị trường có sức bật tốt hơn, tăng trưởng tốt hơn. Nguyên nhân thứ hai có thể dẫn đến xu hướng khối ngoại bán ròng là các quỹ đầu tư truyền thống đang hoạt động kém hiệu quả.

 

Theo vị chuyên gia này, năm 2020, đa phần các quỹ rút ròng ra khỏi thị trường cổ phiếu, đó là thời điểm đáy của thị trường toàn cầu. trong khi đó, vốn bơm thêm vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tăng rất mạnh trong năm vừa qua. Đây là làn sóng dịch chuyển từ quỹ truyền thống sang quỹ ETF có chi phí quản lý thấp hơn. Vì thế mà dòng tiền rút ra khỏi các quỹ truyền thống trong thời gian qua khá mạnh, Việt Nam cũng không loại trừ.

 

Chuyên gia lý giải việc khối ngoại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. (Ảnh: BNEWS phát).

Ở chiều mua, giải thích vì sao nhà đầu tư nước ngoài không tích cực giải ngân, ông Minh cho rằng ngoài chuyện nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm thị trường khác hấp dẫn hơn, vấn đề của họ là xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam phần lớn là ở mức rủi ro cao, vì thế mà thông thường họ không thể tin tưởng vào báo cáo tài chính để đưa ra quyết định đầu tư mà phải đến gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp.


Tuy nhiên do Covid-19, hoạt động này không thể diễn ra. Điều này ảnh hưởng đến việc giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài.


Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trước đây, khối ngoại sở hữu khoảng 21-22% tổng số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ này còn khoảng 18,5%.

Chuyên gia lý giải việc khối ngoại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). (Ảnh: BNEWS phát)

Ông Sơn lưu ý rằng khối ngoại chỉ đảo danh mục hoặc tạm thời rút ra nhưng vẫn ở trạng thái tiền mặt chứ không hoàn toàn rút tiền khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó, không phải lúc nào khối ngoại cũng quyết định đúng, vì vậy mà việc rút ròng của họ là không quá đáng ngại.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.