Sáng 31/3, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững”.
Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, mục đích tổ chức buổi tọa đàm nhằm đáp ứng mong muốn của đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước; chỉ ra các cơ hội đầu tư, cũng như những rủi ro và đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, rào cản để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững.
Tại tọa đàm, bà Tạ Thanh Bình, Vụ Phát triển Thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020, những tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì mức tăng tương đối tích cực.
Chỉ số VN - Index ngày 18/3/2021 đã vượt ngưỡng 1.200 điểm, tăng 8,8% so với thời điểm cuối năm 2020. Theo đánh giá của bà Bình, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 là khả quan, có nhiều cơ hội tăng trưởng.
Lý lẽ được bà Bình đưa ra là kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác nhờ việc quản lý, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ giúp nền kinh tế đất nước phục hồi nhanh.
Việt Nam cũng có nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí sản xuất thấp.Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2021.
Bà Bình nhận định, nội tại thị trường chứng khoán trong nước năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi tích cực về chất.
Theo đó, Luật Chứng khoán 2019 và 3 nghị định, 11 thông tư hướng dẫn có hiệu lực vào đầu năm 2021 sẽ tạo ra hành lang pháp lý chuẩn hóa, góp phần phát triển một thị trường hàng hóa chất lượng hơn, công khai, minh bạch và theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) gắn với hệ thống công nghệ thông tin mới dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2021 sẽ làm thay đổi cơ cấu thị trường, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, ổn định.
Ngoài ra, việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ góp phần tạo nên một thị trường chứng khoán tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, phát triển thị trường, nâng tầm vị thế của thị trường chứng khoánViệt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần thu hút nguồn vốn nước ngoài.
Yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối khả quan. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi – mức tương đương với quý IV/2019; trong đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019 cho thấy sức chống chịu tốt của doanh nghiệp trước khủng hoảng.
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội và bức phá mạnh mẽ trong giai đoạn khó khăn.
Cùng đó, với việc Việt Nam vươn lên chiếm thị phần số 1 trong nhóm thị trường cận biên của Tổ chức xếp hạng thị trường MSCI sau khi thị trường Kuwait được nâng hạng lên nhóm “mới nổi”, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên.
Tuy nhiên, Vụ Phát triển Thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Tạ Thanh Bình cũng chỉ ra những nguy cơ có thể cản trở đà tăng của thị trường như: dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu; căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tiềm ẩn những rủi ro về chính sách tác động đến nền kinh tế toàn cầu; sức cầu của thị trường đặc biệt là sức mua của nhà đầu tư trong nước cần đủ lớn để giữ đà cho nhịp tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây.
Nói về vấn đề xử lý nghẽn lệnh – mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư trong bối cảnh hiện tại, bà Bình cho biết, năm 2021 sẽ xử lý triệt để vấn đề nghẽn lệnh thị trường, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, trật tự và ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Trước mắt khuyến khích và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp chuyển từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phối hợp với Công ty cổ phần FPT trong việc triển khai áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE.Mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới (từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc) cho toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chia sẻ ông mong chờ năm 2021, với nhiều yếu tố tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường.Bước vào năm 2021 với nền tảng kinh tế, chính trị ổn định, ông Hòa kỳ vọng về tăng trưởng hồi phục mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ củng có thêm cho niềm tin về xu hướng tích cực.
Tham luận tại tọa đàm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt NamViệt Nam (VDS) cho rằng, tại Việt Nam nhiều dấu hiệu đang cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, nhưng sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020.
Nếu biết nắm bắt thuận lợi và thời cơ để vượt qua thì năm 2021 sẽ là năm tạo ra bước tiến quan trọng, đưa thị trường lên tầm cao mới, các nấc thang giá trị mới, khẳng định được vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể nói năm 2021 sẽ mở ra “Vận hội phát triển mới” cho thị trường, ông Sơn tin tưởng.
Trong khi đó, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có góc nhìn khá thận trọng về thị trường khi cho rằng, dù vẫn còn nhiều cơ hội, nhưng đà tăng của thị trường chứng khoán năm 2021 có lẽ không còn mạnh như năm 2020. Ông Vũ Bằng cũng nhận định, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không giảm lãi suất tiếp - yếu tố hỗ trợ đà tăng thị trường chứng khoán.
Ông Bằng cũng đề xuất cổ phần hóa Sở Giao dịch chứng khoán và trước mắt chỉ cổ phần hóa 2%, để thay đổi mô hình quản trị. Từ đó, vấn đề công nghệ trên thị trường chứng khoán sẽ được xử lý nhanh, hiệu quả hơn nhiều.