Uỷ ban Chứng khoán thông tin về tình trạng nghẽn lệnh kéo dài tới 3 tháng

Trước thông tin về tình trạng nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã xảy ra 3 tháng nay, nhưng chưa được khắc phục triệt để, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia tài chính đặt câu hỏi về trách nhiệm của HoSE, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)?
Uỷ ban Chứng khoán thông tin về tình trạng nghẽn lệnh kéo dài tới 3 tháng - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

Theo thông tin ngày 30/3 của Bộ Tài chính, UBCKNN đang cân nhắc hướng giải quyết đối với các doanh nghiệp dự kiến niêm yết mới tại HoSE trong thời gian tới và sẽ sớm có giải pháp để không gây quá tải lên hệ thống giao dịch; đồng thời, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Theo UBCKNN, ngay khi có hiện tượng quá tải, chậm trong xử lý lệnh giao dịch tại HoSE từ cuối tháng 12/2020, UBCKNN đã khẩn trương làm việc với HoSE, các công ty chứng khoán (CTCK) và các đơn vị liên quan để đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục.

Thực tế, nguyên nhân chính là do thanh khoản của thị trường tăng trưởng quá nhanh trong khi năng lực xử lý của hệ thống giao dịch hiện tại có giới hạn. Hệ thống của HoSE đã cũ, vận hành hơn 20 năm. Hàng năm, HoSE đều có đánh giá, tối ưu hóa hoạt động phần mềm, đường truyền để đảm bảo các lệnh giao dịch được xử lý nhanh, cho kết quả chính xác, thanh toán giao dịch an toàn. Tuy nhiên, đại diện UBCKNN thừa nhận: Việc thay thế sang hệ thống giao dịch mới để đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của thị trường là nhu cầu cấp thiết, nên yêu cầu HoSE và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) vào hoạt động.

Theo kế hoạch, dự án này hoàn thành năm 2020, nhưng do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, nên tiến độ bị kéo dài. Vì vậy, cho tới khi hệ thống KRX hoạt động ổn định, UBCKNN đã chỉ đạo nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách, tích cực để giải quyết ngay tình trạng nghẽn.

Các giải pháp đã và đang triển khai gồm: Nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô từ ngày 4/1 để giảm tải cho hệ thống, kết quả đã giảm được khoản 15% số lượng lệnh trong những ngày đầu áp dụng; yêu cầu HoSE và các CTCK rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, hạn chế lỗi có thể xảy ra với hệ thống giao dịch, hoàn thiện các quy trình xử lý sự cố, tăng cường trực ca vào thời gian giao dịch cao điểm; yêu cầu các CTCK lớn tối ưu hóa lượng lệnh, hạn chế giao dịch tần suất cao (robot), nhằm hạn chế áp lực lệnh lên hệ thống…

Liên quan đến việc thực hiện giải pháp của FPT, đại diện Bộ Tài chính cho biết: UBCKNN đã chỉ đạo cho phép Công ty CP FPT khảo sát hệ thống giao dịch của HoSE từ ngày 15 - 19/3 trên cơ sở đề xuất của FPT để xây dựng phương án kỹ thuật chi tiết xử lý sự cố; cho phép FPT mở rộng khảo sát hệ thống tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam - TTLKCK (nếu cần thiết). Sau đợt khảo sát, FPT sẽ có báo cáo đề xuất phương án xử lý cụ thể để Bộ Tài chính cân nhắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý sự cố hệ thống giao dịch của HoSE do Lãnh đạo Bộ Tài chính làm Trưởng ban, Lãnh đạo UBCKNN làm Phó ban cùng với các thành viên từ một số đơn vị thuộc Bộ, các SGDCK và TTLKCK để chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện xử lý tình trạng nghẽn lệnh. Các giải pháp đều sẽ được cân nhắc kỹ với sự tham gia ý kiến của các tổ chức, đơn vị liên quan, các chuyên gia đầu ngành trước khi thực hiện, để tránh gây ra hiểu nhầm hoặc ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.