Đoạn sông Tô Lịch đang tiếp tục thí điểm công nghệ Nhật Bản. (Ảnh: Di Linh).
Ngày 26/7, TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản đã cung cấp một số thông tin liên quan đến việc thí điểm xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor.
Cụ thể, TS Tadashi Yamamura tái khẳng định việc không đổ lỗi cho bất kì đơn vị nào trong vụ xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch.
"Đây là vấn đề khách quan, đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ nên phải xả nước.
Tuy nhiên, ở Nhật, việc xả lũ liên quan đến người dân nên thường được báo trước từ 3-5 ngày. Trong khi đó, việc xả nước hồ Tây chỉ được báo trước cho đơn vị thí điểm (JVE) 15 phút.
Nếu được thông báo trước 1 ngày, chúng tôi đã có giải pháp và không gây ra sự cố khiến thí điểm phải kéo dài", TS Tadashi Yamamura nói.
TS Tadashi Yamamura. (Ảnh: Di Linh).
Đối với việc Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng tại sao không thí điểm vào mùa khô, TS Tadashi Yamamura cho biết đơn vị này đã có điều tra và với kinh nghiệm đã thực hiện xử lí ô nhiễm ở nhiều nước thì việc mưa lớn cũng không ảnh hưởng.
"Vấn đề ở đây là việc xả bất ngờ một lượng nước gấp 10 lần lượng nước bình thường chảy vào sông Tô Lịch và liên tục trang 3 ngày nên đã ảnh hưởng", TS Tadashi Yamamura cho biết.
Đối với câu hỏi tại sao không thực hiện thí điểm ở cuối nguồn sông Tô Lịch, TS Tadashi Yamamura cho biết việc thí điểm ở 300m sông với 4 máy Nano để kiểm tra tính năng, chứng minh năng lực của công nghệ.
"Nếu thực hiện thí điểm ở cuối nguồn thì sẽ xử lí ô nhiễm cả dòng sông chứ không phải kiểm tra tính năng các máy nano.
Ngay từ đầu, dự án do chúng tôi tài trợ 100%, trường hợp không thông báo dẫn đến thiệt hại thì phải đền bù nhưng chúng tôi không trách móc, đổ lỗi, làm lại từ đầu và không cần chi phí.
Chúng tôi cũng khẳng định việc làm ở sông Tô Lịch không có sự cạnh tranh. Chúng tôi cũng cám ơn Công ty Thoát nước đã tạo điều kiện phối hợp theo chỉ đạo", TS Tadashi Yamamura thông tin.
Các máy nano xử lí ô nhiễm ở sông Tô Lịch. (Ảnh: Di Linh).
Đáng chú ý, trong giai đoạn thí điểm tiếp theo, chuyên gia Nhật Bản cũng đưa ra nhiều tiêu chí "hồi sinh" sông Tô Lịch đúng nghĩa.
Thứ nhất là xử lí mùi hôi thối triệt để tại sông Tô Lịch ở cấp độ phân tử; Thứ hai là xử lí lượng bùn tồn đọng (phân hủy bùn thành CO2 và nước); Thứ ba là xử lí nước thải từ 280 cống đổ vào sông Tô Lịch.
Thứ tư là xử lí nước nhưng vẫn bảo tồn hệ sinh thái trong dòng sông bởi nước sạch nhưng cá không sống được cũng vô nghĩa.
Thứ 5 là mục tiêu áp dụng ở các con sông ô nhiễm khác như sông Nhuệ, sông Đáy.
Khu trình diễn xử lí bùn thành CO2 và nước ở sông Tô Lịch. (Ảnh: Di Linh).
Trong một diễn biến khác, về ý kiến cho rằng thí điểm không thành lập hội đồng khoa học để khách quan, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE nói khi họp giao ban với các sở ngành, Công ty Thoát nước Hà Nội, các đơn vị thống nhất cho JVE chủ động gửi danh sách các nhà khoa học đưa vào tổ công tác.
"Sau đó, chúng tôi đã xin ý kiến và được sự đồng ý của 4 giáo sư đầu ngành liên quan. Tuy nhiên, khi chúng tôi gửi văn bản lên thì được phản hồi rằng việc thành lập nhóm công tác gồm đầu mối các sở ngành.
Như vậy, không phải chúng tôi không muốn lập hội đồng khoa học. Chúng tôi đã làm rồi!", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.