Thí điểm xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản phải lùi 2 tháng. (Ảnh: Di Linh).
Ngày 22/7, Sở Xây dựng, TN&MT, KH&CN và Công ty Thoát nước Hà Nội đã làm việc với đơn vị thí điểm xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản sau vụ xả nước hồ Tây.
Trước đó, ngày 9/5 và 13/5/2019, Công ty Thoát nước Hà Nội đã họp với các đơn vị trên và Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE, đơn vị thí điểm) để thống nhất phương án triển khai thí điểm xử lí ô niễm.
Ngày 9/7/2019, qua công tác dự báo thời tiết, Công ty Thoát nước cho biết thời gian từ 3-5 ngày sau sẽ có mưa, cường độ từ 40-50mm trên địa bàn TP và đơn vị này thực hiện rà soát mức nước khống chế trên toàn bộ TP.
Công ty Thoát nước Hà Nội đã thông báo cho JVE và xả nước từ 9h30 ngày 9/7/2019 đến 14h ngày 12/7/2019.
Tại cuộc họp phía JVE cho biết việc xả nước hồ Tây không ảnh hưởng đến hệ thống máy Nano do hệ thống được gia cố và các bọt khí Nano được tạo ra liên tục.
"Tuy nhiên, do chỉ thử nghiệm trên đoạn sông 300m (không phải toàn bộ sông Tô Lịch) nên đề nghị cố gắng việc điều chỉnh việc xả nước từ hồ Tây sau khi thí điểm của chúng tôi hoàn thành, trừ trường hợp bất khả kháng", đại diện JVE cho hay.
Về vấn đề thí điểm, phía Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết trước đó đã có thông báo cho JVE về việc có thể bị ảnh hưởng do tốc độ dòng chảy trên sông cao; việc hạ mực nước hồ Tây thực hiện đúng qui định.
"Công ty JVE cần có ý kiến hoặc trao đổi với Công ty Thoát nước Hà Nội kịp thời trong quá trình thực hiện thí điểm để đảm bảo hài hòa giải quyết thoát nước mùa mưa và thí điểm", đại diện Sở Xây dựng nói.
Tại cuộc họp này, các bên cũng đã thống nhất nội dung "do thời gian chuẩn bị ngắn (1 tuần) nên việc chuẩn bị cho công tác thử nghiệm xử lí, Công ty JVE chưa cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết và chế độ vận hành, diễn biến mức nước, lưu tốc... trên sông Tô Lịch nên ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thí điểm".
Các bên cũng thống nhất việt JVE và Đoàn chuyên gia Nhật Bản tiếp tục thí điểm và keod dài thêm 2 tháng; Công ty JVE chịu trách nhiệm hoàn toàn về công nghệ trong quá trình thí điểm xử lí trong mùa mưa.
Ngoài ra, các bên đã đề nghị JVE có phương án đảm bảo về công nghệ nếu tiếp tục thí điểm xử lí trong mùa mưa; phía Công ty Thoát nước sẽ tiếp tục vận hành hệ thống thoát nước theo qui định.
Trường hợp JVE không đáp ứng được các phương án về mặt công nghệ khi thí điểm trong mùa mưa thì chuyển thời gian sang mùa khô. Thời điểm này ít mưa, nước sông Tô Lịch và hồ Tây ổn định hơn.
Bên cạnh đó, JVE và Thoát nước sẽ tiếp tục phối hợp và khi thực hiện xả nước hồ Tây sẽ thông báo bằng văn bản trước 1 ngày (trừ trường hợp mưa bão đột xuất, liên tiếp).
Sông Tô Lịch vẫn đang được nạo vét bùn. (Ảnh: Di Linh).
Ngày 18/7 vừa qua, trả lời chúng tôi, TS Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết việc xả 1,5 triệu m3 nước ngày/đêm gấp 10 lần lượng nước thải chảy vào sông Tô Lịch khiến một phần lớn hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt đã bị trôi đi.
TS Takeba Akira cũng cho biết, sau đợt xả nước hồ Tây vừa qua, đơn vị đã có giải pháp.
"Chúng tôi đã có giải pháp xử lí để dù sau này lượng nước xả lớn hơn cũng không ảnh hưởng đến thí điểm. Cụ thể là điều chỉnh cấu trúc vật liệu để vi sinh vật có lợi không bị cuốn trôi", TS Takeba Akira thông tin.
Ngoài ra, đơn vị thí điểm cho biết khi kéo dài thêm 2 tháng, phía Nhật Bản tài trợ 100%, Việt Nam không mất chi phí.