Tại cuộc họp đại diện WHO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam thời gian qua, cũng như những nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, hiện chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này, các chuyên gia quốc tế đã trao đổi một số thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống Covid-19 trong thời gian tới. Tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine. Căn cứ để các quốc gia xem xét quyết định việc mở cửa trở lại đường biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế với một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm soát được dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 đã gây sức ép rất lớn đến sức chịu đựng của nền kinh tế nhiều quốc gia cũng như trên thế giới. Gần đây một số nước đã tính toán đến việc mở cửa trở lại đường biên giới, nối lại đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, các nước hết sức cân nhắc khi xem xét, quyết định vấn đề này.
TS. Kidong Park, Giám đốc WHO tại Việt Nam cho biết, cách đây 2 tháng WHO đã có cuộc họp về vấn đề mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế. Theo đó, để quyết định việc này, các quốc gia cần căn cứ trên 3 yếu tố: Trước hết là dịch bệnh đã được kiểm soát hay chưa (ở cả hai đầu chuyến bay đi – đến); hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca bệnh khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế hay không? Hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lí các ca bệnh xâm nhập hay không?
Tại cuộc họp, một số chuyên gia quốc tế nhấn mạnh rằng: Một quốc gia kiểm soát được dịch bệnh khi trong 30 ngày liên tiếp không có ca bệnh xuất hiện tại cộng đồng. Theo tiêu chí này, hiện rất ít quốc gia được coi là đã kiểm soát được dịch bệnh (trừ một số nước quốc đảo và một số nước châu Á)…
Tiếp tục nhấn mạnh thông điệp dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, do đó các chuyên gia quốc tế khuyến cáo khi xem xét quyết định mở cửa đường biên giới hay nối lại các đường bay quốc tế, các nước cần phải hết sức thận trọng.
Đặc biệt, phải cân nhắc đến phản ứng của dân chúng (người dân trong nước có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không?); năng lực ứng phó của hệ thống y tế; khả năng chịu đựng của nền kinh tế;… Các chuyên gia lưu ý phải đầu tư tối đa cho hệ thống y tế để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó; đồng thời cần có đối thoại song phương với quốc gia xem xét mở cửa trở lại biên giới và nối lại đường bay và nên xem xét mở cửa biên giới từ từ, từng bước, thận trọng;...
Trước đó, và ngày 24/6, Chính phủ cũng đề nghị tăng tần suất chuyến bay để đưa các nhà đầu tư, chuyên gia, công nhân lành nghề vào Việt Nam cũng như đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động, học tập nếu nước đó chấp thuận.
Trước nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam lớn thì các bộ ngành liên quan qui định rõ qui trình, thủ tục giải quyết cho chuyên gia, các nhà đầu tư, lao động kĩ thuật vào Việt Nam; công khai hóa, tạo thuận lợi hơn nữa việc đưa người Việt Nam có nhu cầu về nước; không để tình trạng lấy lí do phòng dịch mà gây khó khăn khi nhập cảnh. Điều này rất quan trọng.
Chưa mở cửa hoàn toàn nhưng các đối tượng như chuyên gia, lao động bậc cao, nhà đầu tư đều được vào Việt Nam với phương thức cách li phù hợp.
Việt Nam chưa mở cửa đón khách du lịch. Chính phủ căn cứ vào tình hình quốc tế và khu vực để xem xét mở các chuyến bay thương mại quốc tế, thời điểm sẽ được Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 tính toán cụ thể.