Chuyên gia Thái Lan lo sản xuất sẽ dịch chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam vì EVFTA và EVIPA

Bangkok Post dẫn lời các chuyên gia Thái Lan cho biết xuất khẩu ô tô, máy tính và mạch điện sẽ gặp rủi ro từ 2 hiệp định EVFTA và EVIPA.

Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại (TPSO) của Thái Lan cho biết xuất khẩu ô tô, máy tính và mạch điện của Thái Lan đang gặp rủi ro từ các thỏa thuận thương mại và đầu tư của Việt Nam với EU.

Thái Lan hiện chưa có thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với EU. Năm 2015, EU đã bãi bỏ chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Thái Lan. Vì vậy tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Thải Lan xuất sang EU đều phải chịu thuế.

Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) được ký kết vào ngày 30 tháng 6 tại Hà Nội và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2019.

"FTA này là tham vọng và toàn diện nhất mà EU đã thực hiện với một quốc gia đang phát triển," bà Pimchanok Vonkorpon, tổng giám đốc TPSO cho biết. "Vì vậy, Việt Nam có thể đạt được nhiều lợi thế và lợi ích hơn so với Thái Lan từ cả hai hiệp định."

EVFTA quy định xóa bỏ thuế quan cho cả 2 bên. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế cho 65% mặt hàng EU xuất sang Việt Nam trong giai đoạn đầu, phần còn lại sẽ xóa bỏ hết trong 10 năm.

Ở chiều ngược lại, 71% hàng hóa của Việt Nam xuất sang EU sẽ được xóa bỏ thuế quan,  phần còn lại sẽ được xóa bỏ hết trong vòng 7 năm.

Chuyên gia Thái Lan lo sản xuất sẽ dịch chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam vì EVFTA và EVIPA - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan đang phải đối mặt nhiều thách thức. (Ảnh: ASIA.NIKKEI COM).

"EVFTA bao trùm 99% sản phẩm xuất khẩu từ cả hai lãnh thổ", bà Pimchanok nói.

Theo EVIPA, EU sẽ giúp Việt Nam phát triển về đầu tư, thực thi pháp luật và minh bạch để thu hút dòng đầu tư.

Bà Pimchanok cho biết các nhà sản xuất ô tô ở Thái Lan nên chuẩn bị khi nhiều nhà sản xuất ô tô di dời các cơ sở sản xuất đến Việt Nam. Ngành công nghiệp địa phương phải cải thiện hiệu quả và tăng tốc độ sản xuất xe thế hệ mới, bà nói.

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam đã thi hành Nghị định 116 như một rào cản phi thuế quan đối với các sản phẩm ô tô do Thái Lan sản xuất.

Bà Pimchanok cho biết máy tính, các linh kiện liên quan và mạch điện cũng phải đối mặt với việc dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam vì Việt Nam hiện đủ sức cạnh tranh để phát triển ngành công nghiệp điện tử của riêng mình.

Các mặt hàng khác có thể bị ảnh hưởng bao gồm hàng dệt may, đồ trang sức, gạo và hải sản chế biến. Việt Nam có chi phí lao động thấp hơn Thái Lan.

Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại sẽ giám sát tác động của các hiệp định EU-Việt Nam, bà Pimchanok nói.

"Thái Lan cần phát triển lao động lành nghề và áp dụng các công nghệ và đổi mới cao hơn để tăng thêm giá trị cho sản phẩm và duy trì khả năng cạnh tranh", bà nói.

TPSO lạc quan rằng EU sẽ thực hiện các cuộc đàm phán tương tự với Thái Lan vì khối này muốn tiếp cận thị trường thuốc, xe hơi và đồ uống có cồn của nước này.

Văn phòng cho biết giá trị thương mại Việt Nam-EU năm 2017 đạt mức 50,43 tỷ USD, tăng 11,6%. Việt Nam có thặng dư thương mại 26,17 tỷ USD với EU.

Giá trị thương mại Thái Lan-EU là 44,54 tỷ USD trong năm 2017, tăng gần 11%. Thái Lan có thặng dư thương mại 2,89 tỷ USD với EU.



chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.