Chuyên gia tội phạm học phân tích tâm lý của nghi phạm sát hại nữ sinh

Theo chuyên gia tội phạm học, khi gây án, tính dự mưu của nghi phạm sát hại nữ sinh 15 tuổi ít xảy ra mà hành động theo bản năng, bột phát.

Những ngày này, dư luận đang rất bàng hoàng về vụ một nữ sinh 15 tuổi bị bạn cùng trường sát hại rồi bỏ xác vào thùng xốp tại chung cư Hà Đô (phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM) vào chiều 13/1. Nghi phạm được xác định trong vụ án mạng nghiêm trọng này là Nguyễn Phạm Quốc Bình (16 tuổi, ngụ Gò Vấp).

Ngày 15/1, Công an quận Gò Vấp, TPHCM đã quyết định khởi tố vụ án, củng cố hồ sơ bàn giao nghi phạm này cho Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an TPHCM) điều tra xử lý về hành vi “giết người” và “cướp tài sản”.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn đại tá Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) về nội dung này.

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn.

PV: Là chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, ông có thể phân tích rõ hơn về tâm lý nghi phạm gây ra vụ án?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Tội phạm vị thành niên gây án nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tính dự mưu ít xảy ra, bởi vì đây không phải là những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có sự trải nghiệm để tính toán, mưu đồ, mà hầu hết hành động theo bản năng, bột phát. Do nhu cầu cuộc sống, tham lam, do tâm lý lứa tuổi và những tác động xung quanh dẫn tới hành vi phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

PV: Vì sao tội phạm ngày càng trẻ hóa và thủ đoạn thực hiện hành vi ngày càng man rợ, thưa ông?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Đây là lứa tuổi còn bồng bột, chưa hoàn thiện về nhân cách mà một số nhà nghiên cứu gọi là “độ tuổi nổi loạn”. Các em thường có xu hướng thoát ra khỏi sự quản lý của gia đình; sinh hoạt, quan hệ bị ảnh hưởng, chi phối nhiều từ xã hội, bạn bè; chạy theo những hiện tượng mới lạ, thích khám phá, thích thể hiện mình, hay đua đòi.

Có thể vì những động cơ vụ lợi rất nhỏ nhưng các em lại gây nên những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Những hiện tượng tiêu cực của xã hội, tác động thêm sự lôi kéo của bạn bè thì những đối tượng này rất dễ hư hỏng, dễ gây án một cách bất ngờ.

Yếu tố giáo dục, quản lý đối với trẻ vị thành niên chưa chặt chẽ. Nhiều gia đình mải làm ăn kinh tế hoặc cấm đoán khắc nghiệt quá mà không biết đồng hành cùng con cái để tạo cho các em “sức đề kháng” với những tiêu cực mà thả lỏng để xã hội, bạn bè lôi kéo.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới là sự tác động của văn hóa, lối sống lệch lạc; sự suy thoái về đạo đức, sự vô cảm trong lối sống, lỗ hổng trong giáo dục, môi trường sống phức tạp tạo ra.

Ngoài ra, những phương thức, thủ đoạn tàn bạo, dã man, phi nhân tính của tội phạm lan tràn trên mạng xã hội, sách báo, phim ảnh, internet đang hàng ngày, hàng giờ tác động, thẩm thấu vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người, nhất là những người trẻ tuổi khi kỹ năng sống còn hạn chế, kiến thức, kinh nghiệm sống còn non nớt, từ đó dễ dẫn đến những hành vi lệch lạc chuẩn mực xã hội.

Nghi phạm Bình tại trụ sở Công an (Ảnh: CAND)

PV: Theo ông, giải pháp nào để ngăn ngừa, hạn chế người chưa thành niên phạm tội trong bối cảnh hiện nay?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Để ngăn chặn, phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội một cách hiệu quả thì yếu tố gia đình là hết sức quan trọng. Gia đình vừa là cái nôi giáo dục, vừa nuôi dưỡng tạo ra “sức đề kháng” cho người chưa thành niên. Nếu gia đình ly tán, buông lỏng quản lý, cha mẹ có những hành động xấu, không gương mẫu chấp hành những quy định của cộng đồng, của pháp luật; gia đình có người nghiện hút, tội phạm, mắc tệ nạn xã hội… sẽ tác động trở lại đối với trẻ.

Ngược lại, nếu gia đình quản lý tốt, giáo dục tốt sẽ có tác động rất lớn đối với sự hình thành nhân cách và tác động đến hành vi của người chưa thành niên.

Các bậc phụ huynh quản lý, giáo dục con cái không phải quá chặt mà đồng hành, động viên, khích lệ những việc tốt; đồng thời uốn nắn những hành vi có tính lệch chuẩn của con cái thì sẽ giảm bớt những yếu tố tiêu cực tác động.

Thứ hai, phải hạn chế những tác động của mặt trái của mạng xã hội, internet, đặc biệt là những yếu tố bạo lực, phi nhân tính của tội phạm trên truyền thông.

Cha mẹ cần quan tâm đến những việc ở trường, lớp, trong sinh hoạt, đặc biệt là những yếu tố bất thường của con cái như bỏ học, tụ tập với bạn bè xấu, đi hoang, hút thuốc, sử dụng ma túy… Cha mẹ cần nắm được mối quan hệ cũng như biến đổi về hành vi, nhận thức, sinh hoạt, kinh tế, thời gian của con cái sẽ giúp chúng ta chủ động ngăn ngừa những hành vi lệch chuẩn hoặc hành vi gây án nghiêm trọng.

PV: Xin cảm ơn ông./.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.