Chuyện nhà 'vua cá miền Tây'

Trần Văn Hậu nói vui: “Tôi chỉ thích làm Chủ tịch HĐQT. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa tôi và cha mình, ông “vua cá miền Tây” Trần Văn Hùng, biệt danh Hùng Cá”.

Anh Trần Văn Hậu hiện cùng lúc đảm đương chức Chủ tịch HĐQT của HungHau Holdings, Công ty CP Nông nghiệp Hùng Hậu, Công ty CP Giáo dục Hùng Hậu, Trường ĐH Văn Hiến.

"Ba tôi là người nổi tiếng!"

Trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, cái tên Hùng Cá thường được nhắc đến bằng sự ngưỡng mộ dành cho một doanh nhân vươn lên từ nghèo khó, trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, sở hữu 6 nhà máy chế biến thủy sản cùng vùng nuôi cá nguyên liệu cả ngàn hecta ở tỉnh Đồng Tháp. Càng ngưỡng mộ hơn khi cả 3 người con của ông đều thành đạt, làm chủ nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản.

Trong đó, Trần Văn Hậu (người con giữa) xuất sắc hơn cả. Ngoài mảng hoạt động chính của gia đình, anh còn lấn sân và thành công ở nhiều lĩnh vực khác.

Chuyện nhà “vua cá miền Tây” - Ảnh 1.

(Ảnh: Huỳnh Công Bá).

Sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, từ nhỏ ông Hùng đã làm quen với nghề thả lưới, giăng câu. Lấy vợ rồi sinh con khi mới 20 tuổi, khó càng khó hơn, ông Hùng quyết tâm sang Campuchia tìm cơ hội đổi đời. Sau 7 năm bôn ba xứ người, ông tích góp được số vốn kha khá và trở về quê làm nghề đưa đò qua sông. Phát hiện nghề nuôi cá "có ăn" hơn, ông làm bè nuôi cá trên sông Tiền rồi dần dần mở rộng quy mô.

"Ba tôi học chưa hết cấp I nhưng tư duy nhạy bén và giỏi nuôi cá. Ông thích đầu tư nhà máy, mua đất nuôi cá, trực tiếp giám sát, điều hành. Có lẽ do thời trẻ ông đã quá cơ cực nên thích cảm giác tự mình quản lí mọi việc" - người sáng lập HungHau Holdings nói về cha mình.

Từ lúc các con còn nhỏ, ông Hùng đã "thả" cho con vừa học vừa làm, chủ ý tạo cho con cơ hội lăn lộn học khôn ở trường đời. Năm 2000, anh Hậu trúng tuyển vào Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Văn Hiến, bắt đầu bươn chải đủ nghề kiếm sống. Hậu từng mở quán cà phê, làm môi giới nhà đất trước khi nhảy qua nghề môi giới chứng khoán trong những năm cuối đại học. Thời đó, Trần Văn Hậu là một trong những nhà đầu tư chứng khoán có lời nhất, cao điểm có phi vụ anh "trúng" đến 3 tỉ đồng.

Tốt nghiệp ra trường trùng thời điểm cha mình hùn vốn lập Công ty Toàn Phát ở Lai Vung (Đồng Tháp), chuyên về chế biến hải sản xuất khẩu, anh Hậu được "lệnh" về làm nhân viên cho công ty. Chỉ thời gian ngắn sau, anh sang làm giám đốc một công ty chế biến thủy sản khác, cũng do gia đình hùn vốn. 

Năm 2006 là mốc thời gian đánh dấu sự nghiệp "ra riêng" của gia đình Hùng Cá: Công ty TNHH Hùng Cá ra đời với 3 thành viên sáng lập, là ông Hùng cùng 2 con trai Trần Văn Hài, Trần Văn Hậu. 

"Ba tôi lo xây dựng vùng nuôi và nhà máy, anh Hài lo sản xuất, còn tôi lo tìm thị trường xuất khẩu. Công ty ăn nên làm ra, có năm doanh thu mang về đến 8 triệu USD. Bốn năm sau, tôi rời khỏi Hùng Cá để tập trung sự nghiệp riêng", anh Hậu nhớ lại.

Chủ tịch- CEO trẻ nhất 

 Năm 2010, Trần Văn Hậu lập Công ty Xuất nhập khẩu Hùng Hậu, tiền thân của HungHau Holdings ngày nay. Được ngân hàng cấp tín chấp 35 tỉ đồng, anh mượn thêm gia đình gần 30 tỉ đồng, kế hoạch sẽ mở công ty bao bì. Đang lúc ngược xuôi tìm đất thì phát hiện Công ty CP Thủy sản số 1 (nay là Công ty CP Nông nghiệp Hùng Hậu), đóng tại KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP HCM). Tìm hiểu kĩ thấy tình hình tài chính công ty ổn, nhiều triển vọng nên anh quyết tâm mua bằng được.

Chuyện nhà 'vua cá miền Tây' - Ảnh 2.

(Ảnh: Huỳnh Công Bá).

 "Tôi đẩy giá cổ phiếu Thủy sản số 1 từ 10.000 đồng lên 42.000 đồng/cổ phiếu, và thâu tóm thành công, trở thành Chủ tịch HĐQT công ty khi gần 30 tuổi" - anh Hậu tự hào. Chiến lược tái cấu trúc công ty được triển khai, cùng với đó là tăng quy mô, tăng sản lượng… tỉ lệ tín nhiệm đối với vị chủ tịch trẻ tăng dần theo con số phần trăm tăng trưởng hằng năm.

Sau khi "đẩy" Công ty CP Nông nghiệp Hùng Hậu phát triển mạnh, Hùng Hậu tính chuyện thâu tóm một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khác, nhưng ngả rẽ bất ngờ dẫn doanh nhân trẻ trở về mua lại Trường ĐH Văn Hiến, khởi đầu cho trào lưu doanh nghiệp đầu tư làm giáo dục những năm sau này.

Một lần "trở về" khác của Hùng Hậu là mua lại Công ty Toàn Phát - giờ là Công ty TNHH Rau quả Hùng Hậu, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ.

Không ít người lầm tưởng Trần Văn Hậu có được như ngày hôm nay là nhờ thừa hưởng từ gia đình, nhưng anh không bận tâm đính chính rằng HungHau Holdings do chính anh sáng lập, gầy dựng. 

Anh trải lòng: "Ba chính là người thầy lớn nhất của tôi, bởi ông luôn nói thực, làm thực chứ không lí thuyết suông. Ông dạy tôi bài học về tinh thần trách nhiệm, làm gì cũng phải trách nhiệm tới cùng, cái gì không làm được thì buông ngay nhưng phải buông một cách nhẹ nhàng. Nhờ vậy mà tôi đi qua mấy lần thành lập rồi giải thể doanh nghiệp một cách bình thản. 

Bài học về sự đơn độc của người đàn ông "đứng mũi chịu sào" cũng rất giá trị. Nhiều quyết định của ba trong quá khứ mà đến giờ, khi đã trải đời hơn, tôi nghiệm ra nếu ở vào vị trí ông, tôi cũng sẽ làm vậy. Trên tất cả, ba dạy tôi về cái tâm của người quản lí: truyền cảm hứng cho người lao động, vì người lao động…".

Hồi tôi còn trẻ, hầu hết những chuyện tôi làm đều không vừa ý ba. Tôi mở quán cà phê balô tôi xao lãng việc học, tôi chơi chứng khoán ba không yên tâm; tôi thông báo sẽ mua trường đại học, ba cản vì lĩnh vực quá khác biệt, cả cha lẫn con không biết gì về giáo dục… Nhưng giờ đâu đã vào đó, cha con có thể ngồi uống rượu nói chuyện với nhau rất tâm đắc" - anh Trần Văn Hậu cười thỏa mãn.

chọn
Hà Nội đang giải phóng mặt bằng để đấu giá khu đất vàng đối diện Aeon Mall Long Biên
Lô đất có diện tích 1,35 ha ở chân cầu Vĩnh Tuy thuộc địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên đang được giải phóng mặt bằng, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật để đấu giá.