Chuyển nhượng hàng vạn thửa đất nông nghiệp tại Phú Quốc: Ai 'tiếp tay'?

Buông lỏng quản lí về đất đai, trật tự xây dựng dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa chuyển mục đích sử dụng. Thậm chí nhiều trường hợp lấn chiếm sông, suối, đất rừng,... ở Phú Quốc nhưng vẫn được địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Chuyển nhượng hàng vạn thửa đất nông nghiệp tại Phú Quốc: Ai 'tiếp tay'? - Ảnh 1.

Một quả đồi bị “tùng xẻo” để phân lô, bán nền ở Phú Quốc. (Ảnh: Nhật Huy).

“Vẽ” đất nông nghiệp để phân lô bán

Để tìm hiểu rõ hơn về việc lấn chiếm sống suối, đất rừng để phân lô bán nền, phóng viên nhập vai người đi mua đất tại một số khu vực xã Cửa Dương.

Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn mua thửa đất khoảng 300m2 để mở cơ sở kinh doanh, người đàn ông này xưng tên là H. và giới thiệu là “cò”, có thâm niên buôn bán đất đai tại đây.

Ông H. cho biết, khu vực này là đất nông nghiệp, được người dân tách thửa rồi xây dựng nhà chứ không phải đất thổ cư. Tuy nhiên, giá không hề rẻ, nền khoảng 300m2 giá 5 tỉ đồng, mặt tiền đẹp. “Giá này quá hời, sắp tới Phú Quốc sẽ lên thành phố, khi đó không có giá này đâu!”, ông H. nói.

Một người dân xin giấu tên ở xã Cửa Dương cho biết tình trạng lấn chiếm sông suối... rồi được cấp sổ là chuyện không quá lạ. Người này cũng tiết lộ, nếu muốn phân lô để bán thì không quá khó, chỉ cần làm một con đường bê tông rộng hơn 4m trên phần đất bao chiếm, lấn chiếm, sao đó phân từng lô 2 bên con đường này rồi “hợp tác” với “cò đất” là bán được.

Ông Nguyễn Phú Lộc, Chủ tịch UBND xã Cửa Dương xác nhận, có tình trạng cấp sổ đỏ trên sông, suối..., địa phương đã đề xuất lên cấp trên để có hướng xử lí. “Việc cấp sổ đỏ này xảy ra ở các nhiệm kì trước, nhưng theo qui định nếu cấp sai sẽ thu hồi, điều chỉnh lại. Huyện cũng đang giao cho các cơ quan chuyên môn làm tham mưu xem xét việc này”, ông Lộc nói.

Cho phép tách hàng vạn thửa đất nông nghiệp

Cán bộ địa chính xã Cửa Dương cho biết, hiện trên địa bàn xã có 12 hộ với khoảng 20 GCNQSDĐ được cấp trên sông, suối. Vụ việc này kéo dài từ năm 2014 đến nay. Vừa qua địa phương đi kiểm tra nhưng vấn đề khó là chủ đất không phải người địa phương.

“GCNQSDĐ do huyện cấp và tỉnh cấp, có những thửa đã chuyển nhượng nhiều lần, do đó khó xử lí vì không thể nào thu hồi được”, cán bộ địa chính xã thông tin.

Ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết, theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, Vườn Quốc gia Phú Quốc đã xử lí 88 trường hợp lấn chiếm, khai thác rừng, vận chuyển mua bán trái phép.... Tổng số tiền phạt hơn 2,9 tỉ đồng

“Khó khăn hiện nay là dân di cư tự do, trong khi Phú Quốc đang phát triển, kéo theo tình trạng xã hội phức tạp. Vườn Quốc gia không có thẩm quyền xử lí khi phát hiện vi phạm mà chỉ lập hồ sơ, biên bản kiểm tra báo cho cơ quan chức năng kiểm lâm huyện tiến hành xử lí”, ông Tiệp thông tin.

Ngoài ra, diện tích rừng do Vườn Quốc gia quản lí trên 36.000 ha, lực lượng bảo vệ rừng chỉ khoảng 50 người, nên việc quản lí cũng hết sức khó khăn không đảm bảo công tác.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2011 - 2017, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc buông lỏng quản lí đất đai, về trật tự xây dựng đô thị dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa với diện tích nhỏ để chuyển nhượng.

Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ (dưới 500 m2) trên địa bàn huyện Phú Quốc, dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản đất đai.

Tỉnh Kiên Giang chỉ đạo thu hồi hàng nghìn tỉ đồng

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Kết luận Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác qui hoạch, quản lý và sử dụng đất đai… trên địa bàn tỉnh (thời kỳ 2011 - 2017).

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (đặc biệt là huyện Phú Quốc) chấm dứt việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái với qui hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao đất, cho thuê đất sạch; Giao Giám đốc Sở Tài chính thu hồi nộp NSNN đối với Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico số tiền sai phạm xác định giá đất hơn 17,7 tỉ đồng.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp Sở TN&MT, Sở Tài chính thu hồi nộp NSNN số tiền gần 724 tỉ đồng. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh áp dụng các biện pháp theo qui định của pháp luật về thuế để thu hồi về cho NSNN số tiền hơn 1.500 tỉ đồng nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; gần 2,7 tỉ đồng tiền nợ đọng thuế tài nguyên và hơn 1,3 tỉ đồng tiền nợ đọng phí bảo vệ môi trường.

Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thời kỳ 2011-2017); tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm. Thời gian kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân được diễn ra từ tháng 6 đến 7/2020.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.